Bị cáo Dương Văn Hòa, cựu hiệu trưởng ĐH Đông Đô - Ảnh: DANH TRỌNG
Sáng 23-12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đại học (ĐH) Đông Đô cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh và chứng nhận giả để thu lợi trên 7 tỉ đồng tiếp tục phần thẩm vấn.
Là người đầu tiên trả lời xét hỏi, bị cáo Dương Văn Hòa, cựu hiệu trưởng ĐH Đông Đô, thừa nhận hành vi phạm tội.
Bị cáo Hòa khai: hội đồng quản trị (HĐQT) của ĐH Đông Đô gồm 7 thành viên, trong đó ông Trần Khắc Hùng (hiện đang bỏ trốn) là chủ tịch HĐQT. Theo ông Hòa, trường Đông Đô là sở hữu của ông Trần Khắc Hùng, các ban bệ được lập ra chỉ cho đầy đủ.
Bị cáo cho biết mình là thành viên HĐQT của trường nhưng không góp vốn. Với chức trách hiệu trưởng, bị cáo chỉ quản lý hành chính đối với trường và thực hiện nhiệm vụ mà ông Trần Khắc Hùng giao.
"Ngoài ra còn nhiệm vụ gì nữa không?", chủ tọa truy vấn. Ông Hòa im lặng, chủ tọa liền nói: "Còn phải chấp hành đúng các quy định pháp luật nữa".
Bị cáo Hòa nói chủ trương đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh từ cuối năm 2017, đầu năm 2018, do ông Trần Khắc Hùng quyết định. Tuy nhiên, ông Hùng không họp HĐQT và ban lãnh đạo trường mà trực tiếp chỉ đạo cho cấp dưới thực hiện. Việc đào tạo này là không hợp pháp, không đúng quy trình đào tạo, chưa được Bộ GD-ĐT đồng ý cấp phép.
Về chủ trương cấp bằng giả, bị cáo có biết nhưng không chỉ đạo cấp dưới, mà ông Hùng trực tiếp chỉ đạo. Khi các viện của trường đã thực hiện đầy đủ các quy trình này thì theo đúng phân công của ông Hùng, bị cáo ký các bằng này và đóng dấu. Các bị cáo khác chịu trách nhiệm hợp pháp hóa và phát hành bằng.
Về quy chuẩn tốt nghiệp văn bằng 2 tiếng Anh, bị cáo Hòa thừa nhận gồm 3 tiêu chuẩn: đã tốt nghiệp văn bằng 1, có nhu cầu và nộp hồ sơ, phải nộp tiền (thấp nhất là 29 triệu, cao nhất là 35 triệu đồng).
"Hành vi của bị cáo là sai nhưng có yếu tố khách quan là chịu sự chỉ đạo của Trần Khắc Hùng. Ban đầu, khi bị cáo lo lắng và hỏi thì được Hùng trấn an là 'yên tâm làm đi, không sai phạm lắm đâu'", bị cáo Hòa khai.
Lẽ ra, học viên sẽ phải tham gia đủ 71 tín chỉ, thi tốt nghiệp để được cấp văn bằng. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận hồ sơ học viên, ĐH Đông Đô không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo tín chỉ mà hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng hình thức phát đề và đáp án cho học viên chép lại. Cá biệt, có trường hợp còn không cần hợp thức hóa bài thi nhưng vẫn được cấp bằng.
Cuối phần trình bày, cựu hiệu trưởng ĐH Đông Đô khẳng định không được hưởng lợi gì. Bị cáo nói ông giữ chức vụ hiệu trưởng, nếu không làm theo chỉ đạo của chủ tịch HĐQT thì "sẽ bị đuổi việc".
Bị cáo Trần Kim Oanh, cựu phó hiệu trưởng ĐH Đông Đô, trả lời thẩm vấn - Ảnh: DANH TRỌNG
Là người thứ hai trả lời thẩm vấn, bị cáo Trần Kim Oanh, cựu phó hiệu trưởng ĐH Đông Đô, cho biết cơ cấu tổ chức của trường cơ bản như lời bị cáo Hòa trình bày, chỉ đính chính là thời điểm diễn ra vụ việc trường mới chỉ có HĐQT chứ chưa có Hội đồng trường.
Theo lời bị cáo Oanh, HĐQT trường chỉ có 1 thành viên có góp vốn, còn lại các thành viên khác không góp vốn. Bà Oanh cho biết mình là 1 thành viên trong HĐQT và thực hiện theo chủ trương của chủ tịch HĐQT là ông Hùng.
Về số tiền 48 triệu đồng hưởng lợi, bà Oanh nói đây không phải do học viên “cảm ơn” mà là tiền thưởng của nhà trường. Ông Trần Khắc Hùng đã quy định mỗi nhân viên, hằng năm, phải tuyển một số lượng học viên nhất định. Mỗi hồ sơ đưa về, nhân viên trong trường được thưởng 7 triệu đồng. Điều này đã được quy định trong văn bản cụ thể.
Chủ tọa hỏi: “Bị cáo suy nghĩ gì về hành vi của mình?”. Bà Oanh nghẹn ngào nói cáo buộc này với mình là không oan.
"Ngay từ khi làm việc với Cơ quan an ninh điều tra, bị cáo đã nhận thức được rõ về hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, là một nhà giáo đã cống hiến 20 năm trong nghề nên tất cả chỉ mong góp một phần sức mọn cho sự phát triển của nhà trường chứ không vì động cơ gì khác", bà Oanh nói và cho hay cảm thấy có lỗi khi vì sai phạm của mình mà ảnh hưởng đến danh tiếng của nhà trường và mọi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận