Bị cáo Quang, Hòa, Hà (từ trái qua) tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Chiều 23-12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đại học Đông Đô cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh và chứng nhận giả để thu lợi trên 7 tỉ đồng tiếp tục phần thẩm vấn.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Lê Ngọc Hà - cựu hiệu phó Đại học Đông Đô - khai trong vụ việc này, ông được hưởng lợi 100 triệu đồng do chính sách khuyến khích tuyển sinh và bị cáo lôi kéo được một số đối tác. Mỗi học viên nộp cho ông Hà 29 - 35 triệu đồng học phí để nhận được bằng.
Tổng số tiền ông nhận của các học viên là 1,8 tỉ đồng, sau đó nộp về trường 800 triệu. Tuy nhiên, ông không biết số tiền này có vào sổ sách của trường hay không.
"Khi có xì xào về việc này, một số học viên xin rút hồ sơ nên bị cáo phải trả lại những người này 900 triệu, còn giữ lại 100 triệu. Khi bị bắt, bị cáo đã tình nguyện nộp lại 100 triệu đồng này", ông Hà khai.
Cựu hiệu phó Đại học Đông Đô cũng cho biết khi thực hiện việc cấp bằng giả, Chủ tịch HĐQT Trần Khắc Hùng nói "hành động này nếu có vi phạm thì cũng chỉ là vi phạm hành chính nên ông mới yên tâm thực hiện. Khi bị bắt, bị cáo đã nhận thức được sai phạm của mình".
Tiếp tục trả lời thẩm vấn, bị cáo Trần Kim Oanh - cựu phó hiệu trưởng Đại học Đông Đô - cho biết trong quá trình thực hiện việc cấp văn bằng 2 tiếng Anh và chứng nhận giả, ông Trần Khắc Hùng ra quy định mỗi nhân viên của trường phải "lôi kéo" về mỗi năm ít nhất 4-10 hồ sơ làm văn bằng giả của các học viên.
Theo bà Oanh, việc này được quy định cụ thể trong các văn bản quy định của Đại học Đông Đô và được ban hành công khai.
Với mỗi hồ sơ "kéo về" cho trường, tùy theo số tiền mà học viên nộp, nhân viên sẽ được "thưởng" ít nhất 7 triệu đồng.
Giải thích về số tiền 48 triệu đồng bị cáo buộc hưởng lợi bất chính, bà Oanh nói đây là tiền thưởng, do nhà trường quy định chứ không phải tiền học viên cảm ơn.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Huệ - trưởng phòng tài vụ - cho biết số tiền các học viên nộp vào trường để mua văn bằng 2 tiếng Anh giả không được đánh dấu hay mã hóa riêng trong các tài liệu thu chi của trường.
Theo bà Huệ, việc đóng học phí có thể nộp khi đăng ký hoặc trước khi lấy bằng nhưng phải nộp tiền thì mới được lấy bằng.
"Trong quy định của trường có công khai việc trích thưởng cho nhân viên khi "lôi kéo" trót lọt hồ sơ của các học viên" - bà Huệ khai và cho hay không nắm cụ thể mỗi người đã được chia bao nhiêu tiền.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Khai tại tòa, các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi phạm tội và nói nhận thức được hành vi của mình là sai, mong tòa xem xét cho hưởng khoan hồng của pháp luật
Có mặt tại tòa, ông Lê Ngọc Tòng - đại diện Đại học Đông Đô - cho hay ông không biết số tiền 7,1 tỉ đồng đã chi vào các khoản nào cho các hoạt động của trường.
Theo ông Tòng, số tiền 7,1 tỉ được nhập vào ngân sách chung của trường và quỹ này thường dùng chi trả rất nhiều khoản khác nhau, gồm các hoạt động lương, chi thường xuyên, tổ chức thi, thuê bảo vệ, nộp ngân sách, trả thuê đất…, chứ không rõ ràng phân định là khoản nào chi cho đối tượng nào.
"Tôi không biết chính xác khoản 7,1 tỉ này chia cho chính xác các danh mục nào. Tôi về trường sau khi vụ án đã xảy ra, nên không biết", ông Tòng khẳng định.
Chủ tọa liền nhắc nhở: "Ông tham gia phiên tòa với tư cách đại diện Trường Đông Đô mà hỏi gì cũng không biết thì đại diện làm gì?".
Theo cáo trạng, Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có ngành tiếng Anh.
Quá trình tuyển sinh đào tạo, ông Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT trường, hiện đang bỏ trốn) thấy nhiều người có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo ban giám hiệu, Viện đào tạo liên tục, Viện 4.0… thực hiện cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho người có nhu cầu lấy bằng không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định.
Từ tháng 4-2018 đến tháng 3-2019, Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra đã làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và đã được sử dụng. Còn 221 trường hợp chưa xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.
Trong số 210 trường hợp được cấp bằng và chứng chỉ giả của Trường Đại học Đông Đô (công an làm rõ), 76 người đã sử dụng vào mục đích cá nhân, gồm: 67 người làm nghiên cứu sinh, 2 người học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công chức và viên chức, 3 người thi công chức hoặc thi thăng hạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận