Một bị cáo đến tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Sáng nay (23-12), TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Đại học (ĐH) Đông Đô cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh và chứng nhận giả để thu lợi trên 7 tỉ đồng. Phiên tòa dự kiến kéo dài ba ngày do thẩm phán Phạm Năng Thành làm chủ tọa.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa triệu tập 30 người liên quan và 200 người làm chứng.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội giả mạo trong công tác gồm: Dương Văn Hòa, cựu hiệu trưởng ĐH Đông Đô; Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà, cùng hiệu phó; Trần Ngọc Quang, phó trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên; Nguyễn Thị Huệ, trưởng phòng tài vụ…
Trần Khắc Hùng, cựu chủ tịch HĐQT ĐH Đông Đô, bị xác định là chủ mưu nhưng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đình chỉ điều tra bị can, khi bắt được sẽ xử lý sau.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo không đến tòa
Tại phần thủ tục, HĐXX thông báo đại diện ĐH Đông Đô là ông Lê Ngọc Tòng (Hiệu trưởng, thành viên Hội đồng trường) và ông Phạm Đình Phùng (nguyên Hiệu trưởng) có mặt với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
210 người được xác định đã mua bằng giả của ĐH Đông Đô, bị cơ quan điều tra thu giữ số bằng này, được tòa thay đổi tư cách tham gia tố tụng, từ nhân chứng sang người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong số này, chỉ có 2 người có mặt tại tòa.
Trong khi đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo có đơn xin xét xử vắng mặt, song đã có đầy đủ lời khai tại cơ quan điều tra nên sự vắng mặt không ảnh hưởng đến phiên xét xử và được các bị cáo và 13 luật sư bào chữa đều nhất trí.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Bán hàng trăm văn bằng 2 ngôn ngữ Anh giả
Những bị cáo phải ra tòa ngày hôm nay đã từng là những người thầy đứng trên bục giảng hoặc những người làm công tác quản lý tại Trường ĐH Đông Đô. Tuy nhiên, bản cáo trạng của Viện kiểm sát cho thấy họ đã cấu kết sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lập ra đường dây cấp bằng "chui" hoạt động trong suốt thời gian dài.
Theo cáo trạng, quá trình hoạt động, ĐH Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có môn tiếng Anh.
Tuy nhiên, quá trình tuyển sinh, đào tạo, Trần Khắc Hùng thấy nhiều người có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để sử dụng làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi tuyển công chức, thi nâng ngạch... nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là chủ tịch HĐQT của ĐH Đông Đô, chỉ đạo ban giám hiệu, một số viện, phòng của trường cấp bằng giả cho những người có nhu cầu lấy bằng không qua tuyển sinh, đào tạo.
Từ tháng 4-2018 đến tháng 3-2019, Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỉ đồng.
Theo cơ quan công tố, hiện cơ quan điều tra đã làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và đã được sử dụng. Còn 221 trường hợp chưa xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.
Bị cáo Dương Văn Hòa với chức vụ, quyền hạn là hiệu trưởng, biết rõ việc làm và cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua tuyển sinh, đào tạo là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên bị cáo đã ký cấp hơn 400 văn bằng giả. Trong đó, cơ quan điều tra đã làm rõ hơn 200 trường hợp được cấp văn bằng giả, xác định được họ tên, tuổi, địa chỉ, chức vụ, đơn vị công tác...
Hiệu phó Lê Ngọc Hà bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới tiếp nhận hồ sơ, tổ chức hợp thức bài thi để cấp bằng giả. Bị can trực tiếp ký 22 giấy đề nghị in bằng giả cho 309 cá nhân, ký 11 bảng điểm...
Bị cao Trần Ngọc Quang, phó trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên, được áp giải vào phòng xử án - Ảnh: DANH TRỌNG
Mất chức vì bằng giả
Sở dĩ đường dây này có thể "vươn vòi" ra nhiều tỉnh thành và cấp hàng trăm bằng giả nguyên nhân là do số lượng người có nhu cầu dùng bằng giả để tiến thân trong công việc không hề nhỏ.
Trong số những người được cấp bằng giả, cơ quan truy tố đã làm rõ 67 người dùng các loại giấy tờ này để làm nghiên cứu sinh, 2 trường hợp sử dụng để học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công và viên chức, 3 cá nhân khác dùng bằng giả để thi công chức hoặc thi thăng hạng.
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị cơ quan chủ quản xem xét, xử lý trách nhiệm của công chức, viên chức, đảng viên được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả; đồng thời kiến nghị các cơ sở đào tạo xem xét, hủy kết quả sử dụng văn bằng giả.
Trong số 67 trường hợp sử dụng làm nghiên cứu sinh, có 2 người đã bị cơ quan chủ quản miễn nhiệm chức vụ, 14 người bị cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm...
Đáng chú ý, các cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh đã hủy kết quả và không công nhận kết quả nghiên cứu sinh đối với 31 người mua bằng giả của ĐH Đông Đô. 24 cá nhân tự nghỉ học và xin rút hồ sơ làm nghiên cứu sinh. Còn 7 trường hợp chưa có kết quả xử lý.
Ngoài ra, có 2 học viên được ĐH Đông Đô cấp bằng giả để học thạc sĩ cũng bị cơ quan chủ quản kỷ luật cảnh cáo. Trong đó, một người xin rút hồ sơ học thạc sĩ. Người còn lại bị cơ sở đào tạo thu hồi bằng thạc sĩ.
Một số trường hợp sử dụng bằng giả để thi công chức, thi thăng hạng viên chức cũng đã bị cơ quan chủ quản không công nhận kết quả thi.
Theo cáo trạng, Bộ GD-ĐT đã từng tổ chức đoàn kiểm tra nhưng lại không phát hiện việc đào tạo và cấp bằng "chui" của ĐH Đông Đô diễn ra một cách công khai và rầm rộ.
Một số đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD-ĐT đã vi phạm quyết định của bộ trưởng quy định về đào tạo cấp bằng ĐH thứ hai và "thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra".
"Bộ GD-ĐT cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý việc thực hiện quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo, chưa chỉ đạo kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với ĐH Đông Đô theo đúng quy định", cáo trạng chỉ rõ.
Do đó, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã có công văn kiến nghị bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, xử lý nghiêm đối với các cá nhân có trách nhiệm theo quy định của pháp luật và chỉ đạo khắc phục sai phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận