27/04/2025 14:20 GMT+7

Cựu chiến binh nghẹn ngào ngày khánh thành đền thờ 93 liệt sĩ hy sinh cùng một trận đánh ở Câu Nhi

Trong trận đánh ở chân cầu Câu Nhi 53 năm trước, 93 chiến sĩ Sư đoàn 308 cùng hy sinh. Sau nửa thế kỷ, các liệt sĩ này có một "mái nhà chung", thân nhân có một nơi để thăm viếng.

Cựu chiến binh nghẹn ngào ngày khánh thành đền thờ 93 liệt sĩ hy sinh cùng một trận đánh ở Câu Nhi - Ảnh 1.

Ông Vũ Viết Nhi - trưởng ban liên lạc - nghẹn ngào nhớ về đồng đội - Ảnh: HOÀNG TÁO

Sáng 27-4, Ban liên lạc đoàn công tác chính sách, quy tập hài cốt liệt sĩ Sư đoàn 308 tổ chức lễ tưởng niệm và khánh thành đền thờ liệt sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 hy sinh ngày 26-5-1972 tại thôn Câu Nhi (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị).

Nửa thế kỷ thờ phụng liệt sĩ

Mảnh đất xây đền thờ do gia đình ông Bùi Hữu Tuấn hiến tặng, rộng 200m2.

Ông Tuấn kể sau năm 1975, khu vườn của ông có vườn chè cao 3m, rộng 1ha. Làm ăn kinh tế, xe ủi san đất thì gia đình phát hiện có nhiều hài cốt liệt sĩ.

Từ năm 1999 - 2006, gia đình vừa nhặt bom đạn, vừa tìm kiếm được 10 hài cốt liệt sĩ và đưa ra Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Lăng an táng.

"Gia đình biết khu vực này là mồ chôn liệt sĩ nên hằng tháng, mỗi khi lễ, Tết chúng tôi đều thắp hương thành kính", ông Tuấn kể.

Đến năm 2023, khu vực này tìm kiếm thêm được 7 hài cốt liệt sĩ. Lúc này nhờ nhiều nguồn thông tin, gia đình mới biết các liệt sĩ thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308.

Trong năm 2025, thêm 2 liệt sĩ được tìm thấy ở khu vực này.

Theo đó, vào sáng sớm 26-5-1972, tại khu vực chân cầu Câu Nhi đã diễn ra trận chiến đấu mà trong đó 93 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 hy sinh. Khi đội hình chiến đấu tiếp cận cầu Câu Nhi thì bị địch phát hiện, chúng đã tập trung hỏa lực trút lên đội hình.

Trong 93 liệt sĩ hy sinh, có 61 liệt sĩ xác định được tên tuổi và quê quán, quy tập được 19 hài cốt liệt sĩ.

Sự kiện này là một phần trong các trận chiến đấu ác liệt của Trung đoàn 88 trên tuyến phòng thủ sông Mỹ Chánh vào cuối tháng 5-1972, nhằm thực hiện kế hoạch đánh chiếm cầu Câu Nhi, ngăn chặn địch tiếp vận cho Quảng Trị, chuẩn bị mở màn chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Trung đoàn 88 - Ảnh 2.

Đền thờ các liệt sĩ Trung đoàn 88 - Ảnh: HOÀNG TÁO

Nghẹn ngào ngày tìm thấy đồng đội

Cựu chiến binh Phạm Quang Tiềm kể sau trận đánh trên, lực lượng gấp gáp rút ra chốt giữ Thành cổ Quảng Trị nên công tác thu dọn chiến trường, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ rất khó khăn.

"Còn bao nhiêu quân thì mang đạn dược, chở thương binh ra đầu cầu Thạch Hãn để tiến vào Thành cổ Quảng Trị.

Chúng tôi tiến quân đánh vào Câu Nhi với ý đồ giải phóng Thừa Thiên Huế và hy sinh trên mảnh đất này, đã góp phần tạo tiếng vang trong cuộc chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam", cựu chiến binh Phạm Quang Tiềm nhớ lại.

Sau khi thông tin về các liệt sĩ Trung đoàn 88 được tìm thấy, ban liên lạc triển khai vận động xây dựng đền thờ tưởng niệm.

Trung đoàn 88 - Ảnh 3.

Các cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ và chính quyền địa phương làm lễ kết nghĩa - Ảnh: HOÀNG TÁO

Giữa tháng 3-2025, các công tác xây dựng triển khai. Trải qua 40 ngày kết nối, trong đó thời gian xây dựng là 25 ngày, đền thờ liệt sĩ Trung đoàn 88 được khánh thành.

Tại lễ khánh thành, nhiều đồng đội, thân nhân các liệt sĩ nghẹn ngào xúc động.

Cựu chiến binh Vũ Viết Nhi - trưởng ban liên lạc - rơi lệ khi đọc lời tri ân đồng đội: "Bằng xương máu, bằng tuổi 20 của mình, các anh hùng liệt sĩ đã mang máu đào nhuộm đỏ màu cờ Tổ quốc, làm tươi xanh ruộng vườn quê hương. Xót xa thay, còn biết bao các anh nằm lại đâu đó ở mảnh đất này".

Chứng kiến đền thờ xây dựng khang trang, ông Nguyễn Hữu Sáu (trú Yên Thành, Nghệ An), em trai liệt sĩ Nguyễn Hữu Lưu, nhập ngũ năm 1971, không kìm được xúc động.

53 năm qua, nhất là sau giải phóng, người thân khắc khoải đợi chờ, tìm kiếm nhưng chỉ biết nơi chiến đấu, hy sinh. Một ngày hè năm 2023, gia đình được tin từ Ban liên lạc Sư đoàn 308 về tìm thấy nơi an táng các anh. Qua các thông tin, khẳng định vị trí chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất chưa đầy 1ha này.

"Gia đình rất ấm lòng khi có công trình nhân văn cao cả này. Đây là ngôi nhà chung của liệt sĩ và của thân nhân để về thắp hương cho các anh", ông Sáu nói.

Trong lễ khánh thành, đại diện ban liên lạc, thân nhân các liệt sĩ và chính quyền, đoàn thể địa phương đã làm lễ kết nghĩa, xem đây là quê hương thứ 2 của các đồng đội.

Trung đoàn 88 - Ảnh 4.

Thân nhân các liệt sĩ tại đền thờ - Ảnh: HOÀNG TÁO

Cựu chiến binh nghẹn ngào ngày khánh thành đền thờ 93 liệt sĩ hi sinh cùng một trận đánh - Ảnh 5.Trao kết quả giám định ADN cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Ngày 25-4, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã trao kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Xuân Chiến và liệt sĩ Hoàng Đức Choóng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên