
Cựu binh Nguyễn Xuân Lộc và những danh hiệu khen thưởng - Ảnh: VŨ TOÀN
Cuộc đời chiến trường để lại trong ông nhiều kỷ niệm hào hùng khó quên, đặc biệt là những trận đánh mở màn chiến dịch lịch sử mùa xuân 1975.
Một ngày đầu tháng 4-2025, cựu binh Nguyễn Xuân Lộc (76 tuổi, ở tổ 27, phố Hồng Hà 2, phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, Phú Thọ) vui vẻ tiếp chúng tôi tại nhà ông.
Thương binh Ngô Văn Khánh, người sát cánh cùng ông Lộc trong trận đánh mở màn chiến dịch mùa xuân 1975 giải phóng TP Huế, cùng một số cựu binh khác cũng có mặt.
Thời khắc khai hỏa chiến dịch mùa xuân 1975
Tháng 2-1975, sư đoàn 324 đóng tại động Truồi (miền tây Thừa Thiên Huế) - đối diện núi Bông, núi Nghệ và cách 1km đường chim bay. Quân Sài Gòn dùng chiến thuật đưa chiến xa lên yểm trợ các cứ điểm 303, 224, 75, 76.
Đây là dãy cứ điểm hình cánh cung bảo vệ hỏa lực trên núi Bông, núi Nghệ vùng giáp ranh, ngăn quân giải phóng tiến công xuống đồng bằng.
Giờ G chiến dịch giải phóng mùa xuân 1975 tại chiến trường Trị Thiên Huế xác định lúc 5h30 ngày 8-3-1975. Sư đoàn có nhiệm vụ xóa sổ cánh cung bốn cứ điểm bằng lối đánh cắt đứt, xuyên xuống đường 1.
Vào trận, sư đoàn giao đại đội đặc công trinh sát (C20) bí mật luồn sâu, "chọc thẳng" phòng tuyến cánh cung bốn cứ điểm, tiếp cận núi Bông, núi Nghệ và loại bỏ hỏa lực 12 xe tăng.
Chiều 6-3, sư đoàn trưởng 324 Nguyễn Duy Sơn và trưởng ban 2 đặc công trinh sát sư đoàn Lê Huy Mai trực tiếp giao nhiệm vụ cho C20:
"Đúng 5h30 ngày 8-3, khi pháo binh sư đoàn bắn vào cánh cung bốn cứ điểm thì C20 nổ súng tiêu diệt hỏa lực 12 xe tăng. Giao đại đội phó C20 Nguyễn Xuân Lộc trực tiếp chỉ huy phân đội đặc công trinh sát".
Xác định trận này mạo hiểm, có thể phải mất mát lớn nên khi giao nhiệm vụ xong, sư đoàn tổ chức lễ truy điệu sống 22 trinh sát tinh chọn và hai công binh tăng cường. Sau truy điệu, mỗi người được nhận một bao thuốc lá Điện Biên. Phân đội xuất kích ngay trong đêm 6-3.
Đêm khuya 7-3, phân đội vòng sau phòng tuyến, chia hai hướng. Hướng tiếp cận 8 xe tăng trên núi Bông, do đại đội phó Lộc chỉ huy. Hướng đến 4 xe tăng trên núi Nghệ do trung đội trưởng Trần Xuân Tàm chỉ huy. 4h30 ngày 8-3, xạ thủ đã đặt B40 và B41 vào vị trí cách xe tăng chỉ 25m.
Trời bắt đầu mờ sáng, hiện rõ một hàng rào bằng nứa, đan hình quả trám cách xe tăng 20m. Biết hàng rào quả trám nhằm cản cánh bay của quả đạn B40 và B41, khiến đường đạn lệch hướng, đại đội phó Lộc chỉ đạo xạ thủ ngắm cho quả đạn lọt giữa ô quả trám mới có thể bắn trúng xe tăng. 5h20, trời dần sáng rõ, cả đội hình sốt ruột chờ lệnh sư đoàn.
Bỗng một lính từ xe tăng đi thẳng về hướng đại đội phó Lộc đang nằm, khi cách khoảng 5m thì ngồi vệ sinh.
Đại đội phó Lộc lo sớm muộn sẽ bị lộ vì trời đang sáng, toàn bộ đội hình đang nằm "phơi" trên đồi trọc trơ. Đại đội phó Lộc quyết định nổ súng, lúc đó sớm hơn mệnh lệnh sư đoàn 5 phút. 8 xe tăng trên núi Bông bốc cháy. 4 xe tăng trên núi Nghệ cháy 3 còn 1.
Lúc 5h35, pháo binh của sư đoàn mới đồng loạt nổ súng. Hỏa lực 12 xe tăng và cánh cung bốn cứ điểm bị xóa sổ cơ bản, mở đường cho hai sư đoàn 324, 325 tiến về đồng bằng giải phóng TP Huế vào ngày 26-3.

Ông Lộc và đồng đội là thương binh Ngô Văn Khánh
Đố Kiều trong "ngôi nhà hòa hợp dân tộc"
Trên đường rút, đại đội phó Lộc điểm quân: "Hy sinh hai đồng chí, năm bị bắt". Vừa lúc phân đội đặc công trinh sát thấy một người lính trên cánh cung bốn cứ điểm bị thương nặng đang nằm bên dốc rừng.
Đại đội phó Lộc cho anh em chặt cây làm đòn buộc võng, khiêng người lính về trạm xá gần nhất. Khi lội qua bờ suối, trinh sát Vũ Văn Thuyết đạp phải mìn, đứt một chân. Đại đội phó Lộc giao người lính trên cáng cho trung đoàn 1, cáng trinh sát Thuyết về trạm phẫu thuật.
Trước trận này hai năm, có một thời khắc đẹp trong đời lính trận khi đại đội phó Lộc tiếp xúc với binh sĩ bên kia chiến tuyến.
Đó là năm 1973 khi hai bên cùng nhau làm "nhà hòa hợp dân tộc" trên chỗ giáp ranh vùng Thanh Sơn (huyện Hương Trà) và Tân Sơn (huyện Hương Thủy, miền tây Thừa Thiên Huế). Trong những buổi giao lưu, bên thì đưa chè Hồng Đào Việt Nam, thuốc lá Điện Biên, kẹo Hải Châu ra mời; bên thì đưa chè Brao, thuốc lá Ruby, thuốc lá quân tiếp vụ ra mời. Ông Lộc kể:
"Có lần một binh sĩ bên kia chiến tuyến hỏi:
- Các ông học lớp mấy?
Tôi nói:
- Quân giải phóng có nhiều người đi bộ đội từ ghế sinh viên các trường đại học.
Binh sĩ đó quay sang bàn tôi đề nghị "ta đố Kiều nhé". Tôi ngạc nhiên, anh ta hỏi:
- Thúy Kiều và Thúy Vân, ai hơn ai?
Tôi nói:
- Chuyện này cụ Nguyễn Du trả lời thay tôi rồi: "Kiều càng sắc sảo mặn mà/So bề tài sắc lại là phần hơn".
Tôi hỏi lại:
- Truyện Kiều có bao nhiêu câu?
Binh sĩ đó nói:
- 3.254 câu lục bát.
Tôi hỏi tiếp:
- Các ông đi lính năm nào?
Người lính này tránh câu hỏi bằng câu trả lời:
- Chúng tôi không muốn chiến tranh nhưng không tránh được. Còn các ông?
Tôi nói:
- Quân giải phóng chờ mong đất nước thống nhất. Chúng tôi đi bộ đội là vì nỗi mong chờ đó.
Hôm ấy, ông Võ Văn Chót, sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 324, đóng giả nuôi quân để tiếp xúc với binh sĩ này. Thấy ông Chót gầy nhom xách ấm nước đến, người lính Sài Gòn hỏi:
- Ông già lên đây làm được gì?
Ông Chót vẫn nói giọng miền Nam:
- Ngày trước tôi tập kết ra Bắc, giờ tham gia việc nấu cơm cho bộ đội để giải phóng miền Nam, thống nhất non sông".

Người cựu binh già chạy xe thồ và hỗ trợ công tác an ninh, trật tự
Về lại với đời thường ở quê hương
Người lính dạn dày trận mạc, nhiều chiến công (một Huân chương chiến công hạng 2, một Huân chương Itxala của Lào, một Huân chương chiến sĩ giải phóng, bốn danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ...) khi trở thành cựu binh đã trải qua nhiều công việc bình dị ở quê nhà.
Ông Lộc tâm sự: "Sau 1975, tôi là đại đội trưởng. Năm 1977 tôi sang Lào, quân hàm đại úy. Năm 1985, tôi xin chuyển nghành về Xí nghiệp sản xuất ván nhân tạo Việt Trì. Năm 1990, xóa bỏ bao cấp, xí nghiệp giảm biên chế, họ cho tôi về hưu khi 42 tuổi.
Lúc ấy chỉ hưởng lương 76% của 395.000 đồng/tháng. Hai vợ chồng, ba đứa con, tôi tiếp tục công việc đập đá, nung vôi, đóng gạch xỉ để sống. Chẳng nhằm nhò gì, mình là lính mà. Nhà gần ga Việt Trì nên năm 1995 tôi ra chạy xe thồ".
Chợt nhớ ra điều thân thuộc, ông Lộc ôm tập huân huy chương, vui vẻ nói: "Những năm vừa chạy xe thồ vừa làm trưởng khối phố Hồng Hà 2, tôi kết hợp Công an phường Thọ Sơn triệt phá nhiều tụ điểm ma túy phức tạp.
Năm 2014, Công an tỉnh Phú Thọ tặng tôi Huy chương bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cuộc sống khó khăn rồi sẽ vượt lên, và tôi đã vượt được. Những thời khắc đã trải qua trở thành những ý nghĩ tự tại giúp tôi sống có ý nghĩa trong những lúc khó khăn nhất".
Người lính từng vào sinh ra tử, không tiếc máu xương mình cho Tổ quốc thì ngại gì chút gian khó đời thường.
"Phân đội trinh sát sư đoàn do đồng chí Nguyễn Xuân Lộc, đại đội phó C20, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ luồn sâu đánh hiểm đã diệt 11 xe tăng địch... Trưa 25-3-1975, trung đoàn 3 (sư đoàn 324) tiến quân vào thành phố Huế. Ngay sau đó, trung đoàn 1 và trung đoàn 2 làm chủ cửa biển Thuận An vào chiều muộn hôm ấy".
(trích trang 436 và 452 hồi ký Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương xứ Huế của thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, nguyên trưởng ban 2 trinh sát đặc công sư đoàn 324)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận