01/01/2016 09:12 GMT+7

Cuối năm, bệnh nhân nghèo mong lắm những 
bàn tay hỗ trợ

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
LAN ANH - QUỲNH LIÊN

TT - Hà Nội ngày cuối năm 2015 vào đúng đợt lạnh tê tái. Bên trong khuôn viên Bệnh viện K, những bệnh nhân đang trong đợt điều trị không thể về với gia đình co ro trong manh chiếu mỏng nơi góc cầu thang, hành lang bệnh viện tìm hơi ấm.

Bệnh nhi Nguyễn Hoàng Tú và ông nội - Ảnh: Quỳnh Liên
Bệnh nhi Nguyễn Hoàng Tú và ông nội - Ảnh: Quỳnh Liên

Khi được hỏi, phần lớn những bệnh nhân này nói rằng họ đều mơ ước khỏi bệnh để được về nhà với gia đình. Cũng có người lại mơ ước những thứ nhỏ nhoi so với mọi người, nhưng lại xa vời với họ: có một chỗ nằm ấm áp.

Chuyện của bé Tú

Suốt một tuần nay, bé Nguyễn Hoàng Tú (5 tuổi, ở Ninh Giang, Hải Dương) cùng ông nội Nguyễn Văn Thái (55 tuổi) nằm vật vờ nơi cầu thang Bệnh viện K để tránh rét. Theo chẩn đoán, bé bị ung thư sọ não, lẽ ra theo lịch bé được phẫu thuật từ tuần trước nhưng vì không có người đứng ra ký cam kết nên phải đến ngày 31-12 bé mới được phẫu thuật. Được xếp chung phòng với các bệnh nhân lớn tuổi lại mới phẫu thuật, trong khi bé còn nhỏ, hay nghịch ngợm, ông nội sợ bé làm ảnh hưởng đến người khác nên tối nào cũng đưa bé ra gầm cầu thang, hành lang bệnh viện nằm ngủ.

Khi nhắc đến hoàn cảnh của bé Tú, ông Thái không ngăn được dòng nước mắt. Ông kể bé Tú sống với ông bà nội và bố từ nhỏ, mẹ bé bỏ đi từ khi bé mới 5 tháng tuổi. Bố của bé thời gian gần đây mắc chứng khó thở, hay ngất xỉu, phải điều trị tình trạng thiếu máu não và mãi đến ngày 30-12 mới có thể lên bệnh viện để ký giấy cam kết phẫu thuật cho con. Gia đình ông Thái nghèo và rất neo người. Ngoài bé Tú, ông bà còn nuôi một cháu khác bị bại não đã 4 tuổi nhưng không đi đứng được. Vào đúng đợt bé Tú nằm viện, em bé này cũng phải phẫu thuật nên ông Thái và vợ phải chia nhau chăm hai cháu.

Nhìn bé Tú cứ nhảy chân sáo quanh ông vì chưa biết mình sắp phải đối diện với cuộc phẫu thuật, ông Thái cứ buồn rầu, thấp thỏm. Bé sẽ bước vào một cuộc đại phẫu mà không có bàn tay người mẹ xoa dịu cơn đau, không có sự vững vàng của người bố bên cạnh như những em bé khác. “Tôi giờ lớn tuổi, nhiều khi rơi vào tình trạng bế tắc vì không thể lo cho các cháu, chỉ mong muốn có ai đó dang tay giúp đỡ gia đình chúng tôi qua được đại nạn này” - ông Thái thật thà nói.

Mong lắm những bàn tay hỗ trợ

Trong phòng bệnh ở tầng 2 khoa đông y Bệnh viện Bạch Mai, hai vợ chồng bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhân (49 tuổi, ở Nghệ An) đang có những ngày tận cùng lo lắng. Anh Nhân bị tật từ bé, người bị vẹo, không nói được, xương bị gồ, sống bằng nghề lượm ve chai đắp đổi qua ngày. Vợ anh Nhân miệng méo, nói không thành tiếng, cho biết khoản thu nhập cỏn con ấy giờ cũng không có nữa, bởi hôm đầu tháng 12 vừa qua anh bất ngờ bị liệt nửa người.

Nằm bệnh viện huyện, tỉnh rồi ra Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chẩn đoán ngoài liệt nửa người còn cần nỗ lực điều trị ít nhất một tháng nữa. Anh Nhân đang bị suy dinh dưỡng nặng. Trước khi rời quê nhà, gia đình anh đã phải bán đi con bò - tài sản duy nhất của gia đình - lấy 12 triệu đồng đi chữa bệnh.

Cùng ở Bệnh viện Bạch Mai, anh Lý Văn Hín (40 tuổi, người dân tộc Dao ở Yên Bái) bị liệt hai chân, suy thận, rò bàng quang, đã có thâm niên nằm viện suốt tám năm ròng. Mới đây bác sĩ phát hiện thêm anh bị chứng viêm xương gót, cần phải mổ và điều trị tại bệnh viện một tháng nữa để thận không suy thêm.

Nhà anh Hín chỉ có hai mảnh ruộng, mỗi vụ thu hoạch được 15 bao lúa chỉ đủ ăn cho gia đình gồm hai vợ chồng và hai con chứ không có để bán, mà chồng thì cứ phải đi bệnh viện liên tục. Thương chồng, vợ anh Hín cứ vay mượn đưa chồng đi chữa bệnh, về làm lụng trả nợ rồi lại vay và lại đi chữa bệnh, đến nay ròng rã đã tám năm.

“Lần này vay của chị 10 triệu đồng, dù chồng tôi có thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo nhưng có những thuốc phải mua và mổ gót chân nên giờ trong túi chỉ còn 1 triệu đồng” - vợ anh Hín ngọng nghịu nói bằng thứ tiếng Kinh chưa sõi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền - phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trung bình dịp Tết Nguyên đán mỗi năm thường còn tới 900-1.000 bệnh nhân ở lại bệnh viện này. Đây là những bệnh nhân nặng, mắc bệnh mãn tính không thể về nghỉ tết, và cả những người bệnh vào cấp cứu ngay trong những ngày tết đến. Trong số này có nhiều bệnh nhân nghèo không thể về tết vì họ không kiếm đâu ra tiền để trở lại bệnh viện khi tết qua đi.

Những ngày này, các anh chị ở phòng công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai ngược xuôi khắp bệnh viện để ghi nhận tất cả những hoàn cảnh khó khăn nhất, cố tìm cho họ chút hỗ trợ, giúp những con người nghèo khổ ấy yên tâm chữa bệnh.

Một cựu bộ trưởng Bộ Y tế cũng mới vào bệnh viện và tặng anh Nguyễn Hồng Nhân 5 triệu đồng. Tuy nhiên, những khoản hỗ trợ đã có chưa thấm vào đâu so với quá trình điều trị hàng tháng trời cho một bệnh nhân liệt nửa người không nói được. Nhìn hai vợ chồng tàn tật, với hai con nheo nhóc thất học và tài sản lớn nhất là con bò mới bị bán đi, thật nhói lòng khi bên ngoài xã hội đang tưng bừng đón chào năm mới...

Mời bạn chia sẻ “Xuân yêu thương cho bệnh nhân nghèo”

Với mong muốn sẻ chia cùng những mảnh đời bất hạnh để những bệnh nhân nghèo có được một cái tết vui tươi, ấm áp phần nào, báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình “Xuân yêu thương cho bệnh nhân nghèo”. Chương trình dự kiến trao quà tết đến bệnh nhân nghèo đang điều trị tại TP.HCM và Hà Nội (mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng, gồm 300.000 đồng tiền mặt và quà tết trị giá 200.000 đồng).

Chương trình sẽ tiếp nhận ủng hộ của bạn đọc đến ngày 25-1-2016. Mọi đóng góp xin gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và các văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ. Hoặc chuyển qua tài khoản báo Tuổi Trẻ, số 102010000118248 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ “Xuân yêu thương cho bệnh nhân nghèo”.

Báo Tuổi Trẻ

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên