18/05/2014 11:01 GMT+7

Cuộc giải cứu nghẹt thở

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
ĐĂNG NAM - TẤN VŨ

TT - Đã gần 20 năm nhưng câu chuyện giải cứu trụ điện 500kV suýt ngã đổ vì mưa bão tại vị trí 1906 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) trở thành nỗi ám ảnh với những người làm truyền tải điện.

XibEWvvQ.jpg
Sau giờ giải lao, công nhân đội truyền tải điện Phước Sơn tìm hái rau rừng về cải thiện bữa ăn - Ảnh: Đăng Nam

Hàng trăm con người lội suối băng rừng trong thác lũ, trực thăng cứu hộ chở từng rọ đá tập kết như thời chiến tranh. Khi ấy nếu trụ 1906 đổ gãy, toàn miền Nam mất điện ít nhất 3 tháng.

Trực thăng cứu hộ

Chúng tôi trở lại vị trí 1906 tại khe Nước Trẻo của huyện Phước Sơn giữa trưa hè oi nắng. Con dốc đứng sừng sững cao hàng trăm mét từ sườn đồi kéo xuống tận đáy khe bây giờ đã là một khối bêtông vững chãi. Hai bên sườn đồi lau lách bạt ngàn. Anh Nguyễn Xuân Hồng, người từng tham gia cõng đá, ximăng, rọ sắt vượt rừng băng thác giải cứu trụ điện trong trận lũ lịch sử năm 1996, lắc đầu nhớ lại: “Bây giờ lau lách nhiều vậy nhưng không dám phát tuyến. Cầu mong cho đất ổn định đừng trượt lở là vui rồi”. Chỉ tay về mé vực sâu thăm thẳm, anh Hồng kể rằng trận lũ tháng 10-1996, một nửa móng cột đã bị trượt hoàn toàn xuống suối. Cây trụ điện suýt chao nghiêng sang một bên và sẵn sàng đổ ập bất cứ lúc nào. Thông tin được cấp báo về trên, cả ngành điện huy động tổng lực vào cuộc.

Ông Nguyễn Hà Đông, giám đốc Công ty Truyền tải điện 2, người trực tiếp chỉ huy cuộc giải cứu năm nào, nhớ lại: “Bây giờ nghĩ đến chuyện đó tôi vẫn còn lạnh sống lưng!”. Ông Đông kể khi nghe tin vị trí 1906 trượt lở, toàn bộ anh em trong đơn vị từ Đà Nẵng, Quảng Nam đến Kon Tum đều được huy động. “Mưa gió quật tả tơi hơn bốn ngày, mưa như trút nước, tất cả các sông suối ở miền Trung đều dâng cao ngút ngàn. Xe Uoát (UAZ) chúng tôi chỉ lên đến Cầu Xơi ở Nam Giang thì khựng lại. Hai người trên chiếc thuyền độc mộc của người Cơ Tu chèo, cứ thế chúng tôi băng qua dòng sông Đakmi hung hãn. Qua sông tất cả phải hành quân bộ xuyên rừng” - ông Đông kể.

Đoàn người với cuốc, xẻng, xà beng, xoong nồi... mang vác đi dưới mưa, đi xuyên đêm để tiếp cận hiện trường sớm nhất. Chiếc máy bộ đàm duy nhất ông Đông lận trong người để liên lạc với Hà Nội báo tình hình từng phút. Để có đất đá và vật liệu cung ứng cho việc bọc kè toàn bộ móng của cột điện, ngành điện phải nhờ qua Bộ Quốc phòng chi viện trực thăng từ sân bay Đà Nẵng vào cuộc. Sân bay cũ Khâm Đức thành nơi tập kết vật liệu với hàng chục chuyến bay mang theo các rọ đá từ Đà Nẵng bay ngược lên đây. “Khi đó đang diễn ra kỳ họp Quốc hội, tất cả đại biểu đều dõi mắt theo tình hình lúc này. Bởi nếu vị trí 1906 gãy không giữ được thì miền Nam mất điện ít nhất ba tháng. Thiệt hại cho nền kinh tế không tưởng tượng được” - ông Đông nhớ lại.

xYTcbWC5.jpg
Vị trí 1906 của đường dây 500kV đoạn qua Phước Sơn (Quảng Nam) đã được gia cố vững chãi sau khi bị sạt lở nặng trong trận mưa bão cuối năm 1996. Trong ảnh: công nhân phát quang đường lên tuyến tại vị trí này - Ảnh: Đăng Nam

Lội bộ qua đèo Lò Xo

Để đủ nhân lực khắc phục sự cố tại vị trí 1906, hơn 40 công nhân của đội truyền tải điện Đắk Tô và Đắk Glei (Kon Tum) cũng được huy động vào cuộc. Bây giờ khi đã có đường Hồ Chí Minh chạy qua đèo Lò Xo thì cung đường này vẫn là khúc nguy hiểm nhất với cánh lái xe, nhưng cách nay gần 18 năm đi bộ vượt đèo trong mưa bão gần như là chuyện không tưởng.

Năm 1996, kỹ sư Võ Thiện Huy (hiện là phó giám đốc Truyền tải điện Quảng Nam - Đà Nẵng) còn là đội trưởng đội truyền tải điện Đắk Tô. Chính anh Huy là người dẫn đầu đoàn quân đi bộ vượt đèo Lò Xo hai ngày đêm trong mưa bão để tiếp ứng cho 1906. Nhắc chuyện xưa, anh Huy cười: “Thời đó mình chỉ ngoài 20, chưa vợ, nếu bây giờ đi bộ chắc gục xuống ven đường”. Hai chiếc xe Uoát chở gần 40 người đến khu vực đầu của huyện Đắk Glei thì đất đá sạt lở khiến cả hai chiếc xe phải cắm giữa rừng. “Rọ sắt, cuốc xẻng, chúng tôi chia nhau ra cõng. Người khỏe cõng nhiều, người yếu cõng ít. Cứ thế lầm lũi đi dưới mưa, từ 11g trưa đến 8g tối chúng tôi mới cắm trại giữa rừng để ngủ. Anh em cởi áo vắt nước cho khô trong cái lạnh cắt da, nước vắt ra một màu đỏ quạch: máu chảy thành từng dòng vì vắt rừng cắn”, anh Huy kể.

Sau hai ngày vượt đèo đến Phước Sơn, công cuộc giải cứu được bắt đầu. Sau bão nhưng trời vẫn mưa rả rích không ngớt. Nước lũ cuồn cuộn. Để qua được vị trí 1906 buộc phải băng qua ba con suối. Một sợi dây thừng được kéo qua sông để đoàn người lội suối gùi đá, đất, ximăng khỏi bị cuốn trôi. Ông Đông kể rằng thời điểm đó phải có đến hơn 200 người cùng làm việc một lúc tại hiện trường để giải quyết sự cố. “Bí quá, làm cầu lại không thể, tôi quyết định cắt đường, đề nghị anh em dùng máy cưa nguyên một cây chò lớn ngã vắt ngang qua suối. Trên thân cây băm thành từng mảng vừa bước chân người. Cây chò thành chiếc cầu qua suối phục vụ việc vận chuyển vật liệu” - ông Đông nhớ lại.

Sự cố tại vị trí 1906 chưa được xử lý xong thì bất ngờ tin từ Kon Tum cấp báo về rằng mưa quá lớn đã khiến vị trí 1998 ở Đắk Glei đang có nguy cơ trượt đổ như 1906. Khi đó mưa như trút nước, tất cả các tuyến đường từ Kon Tum lên đến Đắk Glei đều đã bị chia cắt, cầu Diên Bình bị gãy. Một cuộc điều quân ngược từ Phước Sơn về Kon Tum bằng trực thăng lại bắt đầu. Trớ trêu là khi máy bay vừa cất cánh từ sân bay Khâm Đức, bay được một vòng lên đỉnh đèo Lò Xo thì buộc phải quay trở lại. Phi công xua tay bảo: “Chịu! Sương mù dày đặc không thấy đường để bay”. Vậy là đoàn người được lệnh lại hành quân lội bộ qua đèo Lò Xo quay trở về phía Kon Tum một lần nữa để xử lý sự cố. Anh Huy kể: “Trước tình hình nguy cấp, lãnh đạo hỏi tôi: “Các anh có hành quân bằng đường bộ được không?”. Tôi nói được. Tình hình nguy cấp thì không thể không đi. Vậy là chúng tôi lên đường. Lần này chúng tôi chia làm hai đoàn để đi. Lỡ có sạt lở núi hay gặp hổ thì đoàn này còn cứu đoàn kia và có người thông tin. Khi đó đèo Lò Xo vẫn còn rất nhiều hổ. Sương mù đặc quánh và lạnh cóng. Bùn lầy có chỗ ngang bụng. Khi về đến Đắk Glei nhiều người phải vào viện vì phát sốt, nhiều người không thể đứng vững vì tất cả các khớp chân sưng phù nề”.

Hơn hai tuần giải cứu các cột điện với hàng trăm con người chia làm ba ca liên tục, các cột điện tạm thời đứng vững sau mưa bão.

_____________________

20 năm đã qua, việc dựng một đài tưởng niệm cho những người đã nằm xuống vì dòng điện của Tổ quốc vẫn là nỗi niềm đau đáu.

Kỳ tới: Những người ở lại Trường Sơn

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Bức bách dòng năng lượng quốc gia Kỳ 2: Từ nghị trường đến hiện trường Kỳ 3: Những ngày trên “tuyến lửa” Kỳ 4: Cuộc rượu đặc biệt ở Nhật Bản Kỳ 5: Thời khắc hồi hộp ở Đà Nẵng Kỳ 6: Tin vui trong trại giam

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên