Kỳ 1: Bức bách dòng năng lượng quốc gia Kỳ 2: Từ nghị trường đến hiện trường
Phóng to |
Ông “Tư Sầm” kể lại những ngày trên tuyến lửa - Ảnh: Đăng Nam |
Để hoàn thành đúng tiến độ, hàng chục vạn nhân công, bộ đội, công an đã được huy động. Những ngày đó trên khắp công trường 500kV từ Bắc đến Nam, nơi nào cũng ầm ầm như ra trận.
“Sự cố” đầu tiên
Cho đến tận bây giờ ông Trần Viết Ngãi vẫn không nghĩ rằng tại sao ngày ấy ông lại liều lĩnh đến như vậy. “Ngày ấy dân xây lắp tụi tớ cứ nghĩ đơn giản nhận làm đoạn khó khăn nhất thì mới có nhiều tiền, vậy nên cứ thế mà nhận thôi. Sau này mới thấy có nhiều đoạn mửa mật. Đúng như lời nhận xét của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Nếu “đoạn” ông Ngãi xong thì toàn tuyến đúng tiến độ”. Ông Ngãi nói chỉ có VN mới dám làm như vậy bởi với chiều dài trên 1.500km thì chí ít thế giới người ta phải mất 8-10 năm xây dựng. Đó là khoảng thời gian được tính toán rất khoa học, không thể rút ngắn lại được. “Vậy mà chúng ta bảo chỉ làm trong hai năm. Là dân xây lắp đi khắp đó đây, nhưng khi nghe Thủ tướng hứa trước Bộ Chính trị rằng “hai năm là xong”, đêm hôm ấy tôi không ngủ được. Nhưng ngẫm lại thấy lời anh Kiệt nói có lý: xong hay không là do ý chí, quyết tâm của mình, do sáng tạo của mình, mình chỉ huy tốt thì có thể làm trong hai năm. Nghe vậy, tôi yên tâm phần nào”, ông Ngãi nhớ lại. |
Sau một loạt chuẩn bị, sáng 20-4-1992 lệnh khởi công xây dựng đường dây 500kV đoạn phía Bắc được phát đi. Điểm động thổ được xác định là vị trí móng 67 thuộc xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ông Trần Viết Ngãi - nguyên giám đốc Công ty Xây lắp điện 3, phó trưởng Ban chỉ huy xây dựng đường dây 500kV - kể hôm đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến chứng kiến lễ đúc móng đầu tiên trên toàn tuyến. Và tại đây đã xảy ra một sự việc bất ngờ: một công nhân xây lắp không biết bằng cách nào đã tiếp cận được khu vực nơi Thủ tướng đang ngồi, rồi nhanh tay nhét vào túi áo của Thủ tướng một tờ giấy xếp làm tư.
Đêm đó khi về đến nhà khách, Thủ tướng lục trong túi áo ra thì phát hiện đó là bức thư tố cáo một ông giám đốc xây lắp đã để xảy ra việc thất thoát vật tư xây dựng công trình. Lập tức ngay sau đó Thủ tướng gọi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải lên giao nhiệm vụ phải điều tra làm rõ vụ việc, bởi liên quan đến chất lượng công trình. Và chỉ mấy ngày sau, ông giám đốc đó đã bị cách chức vì tội để làm mất 7 tấn ximăng. Cũng từ sự việc này mà sau đó Bộ Công an đã đặc cách đại tá Nguyễn Văn Nhẫn sang làm trưởng Ban chỉ huy an ninh cho tuyến đường dây nhằm bảo vệ đến từng trụ móng của đường dây.
Chuyện của “Tư Sầm”
Nói đến đường dây 500kV mà không nhắc đến nhân vật “Tư Sầm” là một sai sót lớn, nhiều người nói như thế. “Tư Sầm” (tên thật là Nguyễn Minh Sầm) là ai? Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi tìm về khu tập thể của Công ty Xây lắp điện 3 đóng tại Hòa Minh (Liên Chiểu, Đà Nẵng). Tiếp chuyện chúng tôi là một người đàn ông rắn chắc, giọng nói sang sảng dù ông đã ở tuổi thất thập. Là tổng đội trưởng chịu trách nhiệm thi công cung đoạn “xương xẩu” nhất (đoạn qua đèo Hải Vân), trong mắt các lãnh đạo, “Tư Sầm” là người nghĩ ra đủ chiêu trò hay ho, đầy sáng tạo. Còn với công nhân, “Tư Sầm” là một vị chỉ huy nổi tiếng thương lính. Nhắc chuyện của 20 năm về trước, ông Sầm cười hà hà: “Kể sao hết được chuyện. Hai năm làm đường dây nếu tính đúng tính đủ thì quân của tôi ăn không dưới 2 sư đoàn chó”. Rồi ông kể lần đó ở Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), sau khi bên quân đội phát xong 10km hành lang tuyến (mặt cắt rộng 40m) thì bên ông tiếp nhận chuẩn bị đào móng kéo dây. Nhưng ngặt cái khi ấy ông Võ Văn Dự (nguyên hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phú Lộc, nay là phó Ban Dân tộc - miền núi Thừa Thiên - Huế) lấy lý do bảo vệ rừng, cấm không cho đốt số cây, bụi đã đốn bỏ mà buộc lực lượng của ông phải vận chuyển đi nơi khác. Nếu dùng sức người thì mất ít nhất ba tháng mới dọn sạch 10km. Ông kể: “Nghe vậy là khó rồi, nhưng tôi vẫn cam kết với ông Dự là sẽ không đốt. Nhưng nếu có cháy vì người dân phóng hỏa thì trách nhiệm phải từ kiểm lâm. Ông Dự im lặng. Chiều hôm đó tôi gọi Thành, một công nhân gốc Hà Tĩnh, lên giao nhiệm vụ: “Tối nay mày phóng lửa đốt sạch 10km mà quân đội đã đốn hạ đi. Làm xong, đón xe về quê luôn. Tôi trả cho hai tháng lương. Khi nào đào móng, trong này gọi thì hẵng vào”. Chiều tối đó, cả một vệt lửa cháy rực chạy dọc từ Bạch Mã vào tận đỉnh Hải Vân. Sau này tôi có gặp ông Dự, kể lại chuyện ấy cả hai cùng cười”.
“Tư Sầm” còn là người rất sáng dạ. Ông nhớ lại chuyện “sếp” Ngãi (Trần Viết Ngãi - giám đốc Công ty Xây lắp điện 3) đập bàn, chỉ thẳng mặt ông bảo rằng “Cha này chưa làm mà đòi thưởng. Láo!” khi ông nói với “sếp” rằng: “Nếu trong ba ngày xử lý xong thì phải thưởng lớn”. Chuyện rằng: lúc căng dây vừa xong ở một vị trí trên đỉnh đèo Hải Vân thì đơn vị thi công phát hiện đường dây đi quá sát với vách núi. Nếu để nguyên thì khi đóng điện chắc chắn sẽ xảy ra sự cố phóng điện. Chỉ còn cách dựng trụ mới, kéo dây đi theo hướng khác. Nhưng như vậy thì chậm trễ tiến độ. Không được. Tối đó, “Tư Sầm” về lán nằm nghĩ. Sáng hôm sau, “Tư Sầm” tìm gặp “sếp” Ngãi trình bày phương án dùng hộp gỗ bọc sứ, lấy lốp xe máy cũ bọc toàn bộ dây cáp. Sau đó lấy máy khoan sâu vào vách núi, nhét thuốc nổ vào. Đúng ba ngày, quân của “Tư Sầm” đánh nát toàn bộ vách núi. Đường dây được giữ đúng khoảng cách mà tiến độ vẫn đảm bảo. Hôm đó, toàn tổng đội mổ heo nhảy múa suốt đêm.
Phóng to |
Công nhân Công ty Xây lắp điện 3 vận chuyển vật tư thiết bị đường dây 500kV lên khu vực đèo Hải Vân (Đà Nẵng) bằng sức người - Ảnh: Hồng Long |
Đến chuyện vắt sữa hổ uống
Kỹ sư Huỳnh Sỹ Bình (hiện là phó giám đốc truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai) vẫn còn nhớ như in những ngày anh làm nhiệm vụ giám sát xây dựng đường dây 500kV đoạn qua đèo Lò Xo (Đăk Glei, Kon Tum) - một trong những cung đoạn hiểm trở nhất trên toàn tuyến. “Hồi đó khi vừa đến, dân địa phương bảo rằng phải cẩn thận kẻo hổ ăn thịt, nhất là ra suối, nhưng tụi tôi cười, chẳng mấy ai tin. Vậy mà đó là sự thật”, anh Bình nhớ lại. Anh Bình kể: để cải thiện bữa ăn, tổng đội xây lắp 10 khi ấy đã làm chuồng nuôi heo. Heo lớn chưa kịp mừng thì đùng cái, sáng ra công nhân
phát hiện mất con lớn nhất, mà dấu vết để lại là những bàn chân hổ mới giẫm đêm qua. Tiếp đêm sau lại thêm một con nữa bị hổ bắt. Tin hổ vượt sông Đak Mi (Phước Sơn) bò vào tận lán bắt heo khiến toàn bộ công nhân co cụm lại không dám đi một mình. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người, nhất là khi tiến độ đang đốc thúc từng ngày, lệnh trên ban xuống được phép bắn hạ con hổ.
Đêm đó Tiến, một công nhân xây lắp quê Quảng Bình, vốn là tay thiện xạ, được giao một khẩu súng cùng ba viên đạn, mai phục. Chừng nửa đêm, đang thiu thiu ngủ thì Tiến nghe soạt... soạt. Giật mình nhìn ra đã thấy con hổ ngoạm ngang thân con heo. Cây đèn pin trên đầu bật sáng, con hổ lập tức đứng im. Tiến đưa tay lên cò súng siết mạnh. Đoàng, con hổ nặng hơn 260kg ngã đùng. Nghe súng nổ, anh em chạy ra khiêng con hổ vào thì thấy sữa dưới bụng con hổ chảy ra. Vậy là cả nhóm thi nhau vắt sữa uống suốt đêm. “Con hổ sau đó được đưa về Đà Nẵng nấu lấy cao, phát cho anh em người một ít”, ông Trần Viết Ngãi nhớ lại chuyện đã hơn 20 năm về trước.
_____________________
Năm 1993, mọi người mới phát hiện gói phụ kiện cáp quang của đường dây 500kV chậm tiến độ đến sáu tháng. Lý do chậm trễ là do phía VN đặt hàng chậm nên phía nhà thầu Nhật Bản không sản xuất kịp.
Kỳ tới: Cuộc rượu đặc biệt ở Nhật Bản
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận