14/05/2013 11:30 GMT+7

Cuộc chu du kỳ thú của Nguyễn Bình

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Căn nhà nhỏ trên tầng 5 khu tập thể Nghĩa Tân cũ, giữa những ngày giá rét nhất nhì mùa đông này của Hà Nội. Ngày nghỉ, lại lạnh quá nên cậu bé Nguyễn Bình (tác giả của bộ tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom) ở nhà, không được xuống sân đá bóng vì bố Nguyễn Hòa đã khóa chặt cổng với lời hăm dọa: “Lạnh thế này đừng hòng đi đâu nhé con”.

Những gương mặt trẻ tài năng (Kỳ 2):

Làm “sinh viên” ở tuổi 11

hf4n5MCt.jpgPhóng to
Từ căn phòng nhỏ xíu trên tầng 5 khu tập thể, Nguyễn Bình đã bắt đầu cuộc chu du kỳ thú của mình - Ảnh: Hoàng Điệp

Không xuống nhà thì thôi, Bình bật máy tính lên làm công việc yêu thích của mình là dịch phim tài liệu cho một trang mạng mà Bình tham gia với tư cách thành viên. Đây là trò chơi thú vị mà Bình tự mò mẫm chơi đã hơn năm năm nay, ngoài thời gian tìm tòi học hỏi những thứ khác trên Internet.

Cậu bé tò mò

Nguyễn Bình sinh ngày 26-12-2001. Tháng 11-2011 Nguyễn Bình gây xôn xao văn đàn với việc ra đời tập 1 bộ tiểu thuyết viễn tưởng dài tập mang tên Cuộc chiến với hành tinh Fantom. Đến nay, ba tập của bộ tiểu thuyết đã đến tay bạn đọc. Hiện tại Bình đã viết xong tập 7 và dự kiến hoàn thành tập 8 trước tháng 4-2013.

Trong khi Bình hí hoáy với chiếc máy tính riêng trong phòng thì nhà phê bình Nguyễn Hòa và vợ lôi mớ ảnh cũ chụp Nguyễn Bình còn bé, chỉ vào tấm ảnh cậu bé Nguyễn Bình (4 tuổi) với những ngón tay mũm mĩm vừa ngồi bô vừa tra từ điển Hán - Việt. Nói về cuốn từ điển này có lần nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: một hôm anh đang ngồi uống nước với Nguyễn Hòa thì Nguyễn Hòa cười khùng khục rồi chìa ra chiếc điện thoại và bảo: “Ông xem đi, tin nhắn của thằng con trai tôi”.

Trần Đăng Khoa giương mục kỉnh lên đọc: “Ông Hòa ơi, ông vào hiệu sách mua cho tôi quyển từ điển Hán Việt nhé”. Trần Đăng Khoa không ngạc nhiên về cách xưng hô “ông - tôi” giữa Nguyễn Hòa và con trai mà ngạc nhiên về cái tin nhắn do Nguyễn Bình soạn gửi.

Sở dĩ Bình quan tâm đến chữ Hán từ ngày còn bé xíu là bởi một lần Bình nằm chơi trong phòng chị gái, thấy góc học tập của chị treo chữ nhẫn. Bình hỏi mẹ chữ gì đấy, mẹ giải thích cho Bình hiểu lý do tại sao chị lại treo chữ nhẫn. Thế là Bình mày mò tìm hiểu về chữ Hán thông qua mạng Internet. Tự học rồi nhờ bố mua từ điển về để tra. Việc tự học, tự viết này đã khiến Bình có được cái vốn đến hàng ngàn Hán tự. Nhưng một ngày cậu lên mạng Internet tìm kiếm thông tin thì chủ yếu thấy người ta dùng tiếng Anh. Thế là Bình bỏ rơi ngay niềm đam mê lúc 4 tuổi để chuyển sang học tiếng Anh. Cũng vẫn nhờ Internet Bình tập tành dịch phim, phụ đề phim để tìm hiểu thêm về khoa học và thế giới.

Bố phụ trách công việc biên tập ở một tờ báo, lại cũng chẳng phải giàu có gì để có thể đưa Bình đi đây đó. Nhưng với chiếc máy tính cũ của bố và mạng Internet, Bình đã chu du khắp nơi trên thế giới. “Bình bắt đầu ghép những câu văn có ý nghĩa từ rổ chữ bố mua cho lúc bé xíu. Sau cháu viết những câu văn dài hơn và cả thơ nữa. Nhưng lúc ấy tôi lại không quan tâm, thường sau mỗi ngày cắt, vẽ dán và sáng tạo ra những đồ chơi thì tôi lại dọn sạch vào... thùng rác” - mẹ của Bình nói. Chìa ra mô hình chiếc máy bay được tạo bằng giấy và băng dính, bố của Bình nói: “Bình không có một món đồ chơi nào được bố mẹ mua, tất cả đồ chơi đều do cu cậu tự làm”.

Đám trẻ con trong khu tập thể thích Bình lắm bởi Bình không chỉ bày trò chơi và đưa đám trẻ vào những trò chơi do cậu tạo ra, mà mỗi lần xuống nhà bao giờ Bình cũng cầm theo một món đồ chơi do chính mình tạo ra để dành tặng bạn nào đó. Chỉ từ giấy, Bình có thể tạo được tất cả mọi món đồ yêu thích mà Bình nhìn thấy trên Internet.

gyuIA6GL.jpgPhóng to
Tác giả nhí Nguyễn Bình- Ảnh: Hoàng Điệp

Cái gì cũng đam mê đến cùng

Một ngày ông bố là nhà phê bình phát hiện ông con 9 tuổi viết... tiểu thuyết. “Nó mò mẫm trên máy tính tìm tòi cái này cái khác trên mạng tôi cũng biết, nhưng hoàn thành một câu truyện theo trí tưởng tượng ở tận đẩu tận đâu thì tôi không bao giờ nghĩ đến” - nhà phê bình Nguyễn Hòa nói. Vậy nên anh không chỉ ngạc nhiên mà còn rất tò mò mỗi khi đọc trộm được một đoạn văn nào đó của Bình. “Tôi nghĩ cần phải xuất bản cho cháu, thứ nhất vừa để tạo sự hứng khởi, vừa để đo xem bạn đọc tiếp nhận ra sao với bộ tiểu thuyết này”.

Cũng giống như chú bé làm thơ Trần Đăng Khoa, 10 tuổi Nguyễn Bình đã có tác phẩm đầu tay. Bạn đọc rất ngạc nhiên hỏi tại sao Bình chỉ sống tại căn phòng nhỏ xíu trên tầng 5 khu tập thể cũ lại có thể viết về những vùng đất, con người với đặc điểm địa lý khác nhau như vậy. Bình chia sẻ: “Internet khiến thế giới trở nên phẳng hơn, ngay cả đơn vị đo lường cũng có thể tính được thông qua Google Map. Bởi vậy, không quá khó khăn để trình diễn những thông tin ấy trên trang sách”.

Cuộc chu du của Nguyễn Bình không chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn đôi mắt hay trí tò mò. Còn rất nhiều điều Nguyễn Bình muốn biết, muốn tranh luận nhưng chiếc máy tính không thể trả lời hết mọi câu vặn vẹo của cậu. Tìm hiểu, rồi lôi hai chị gái ra để hỏi về văn minh Tây Tạng và nền văn minh Maya cũng như triết lý của đạo Phật hay Thiên Chúa giáo.

Tạm ứng hai sao ve áo bố

Bình là con út, là “con thêm” vượt tiêu chuẩn của nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa. Lúc sinh Bình, Nguyễn Hòa đang là biên tập viên của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. “Vợ tôi sinh được 3 tháng, tôi đi làm giấy khai sinh cho con thì cơ quan mới biết tôi sinh vượt kế hoạch”. Hai đứa con gái đã lớn, lại sinh thêm cậu ấm bé xíu lúc Nguyễn Hòa đang là thượng tá. Bạn bè cùng công tác tại tạp chí cứ trêu Nguyễn Hòa: kiểu này thì không lên được đại tá rồi. Nhân câu chuyện đó, nhà thơ Vương Trọng tặng Nguyễn Hòa hai câu thơ: “Tạm ứng hai sao ve áo bố/ Biến thành hai hạt dưới chim con”.

Chính chuyện “hai hạt” này mà nhà phê bình Nguyễn Hòa nói đôi lúc ông hơi “phóng túng” trong cách trò chuyện với con. Nguyễn Bình có thể hoàn toàn tự nhiên gọi bố là “ông Hòa” và xưng “tôi” như hai người bạn. Nhưng có lẽ từ sự “tự do ngộ nghĩnh” này mà Bình hoàn toàn có thể tranh luận tay đôi với bố trong một vấn đề nào đó. Và đương nhiên, ông thầy “Google” luôn mang đến cho Nguyễn Bình những thông tin chính xác. Còn việc vận dụng các thông tin thế nào cho phù hợp đó lại là cách mà Nguyễn Hòa đã và đang làm cùng với con mình thông qua những cuộc tranh luận. “Mình đọc sách cả đời rồi, nhưng còn biết bao nhiêu thứ vẫn chưa được tiếp cận. Thỉnh thoảng vẫn phải học ké của con” - anh Nguyễn Hòa nói.

Thông qua Internet, Bình có hẳn những bộ sưu tập của riêng mình: bộ sưu tập khủng long ăn thịt, khủng long ăn cỏ, các loại máy bay, các loại cây lá kim và nơi phân bổ, các hành tinh trong vũ trụ và sự hình thành của hệ Mặt trời... “Tôi nghĩ tôi đã dạy con biết đọc thông qua một rổ chữ cái, nhưng người mang lại kiến thức và khả năng tư duy và viết lách cho Bình lại là Internet” - bố của Bình chia sẻ.

Kỳ tới: Đóng phim từ lúc lên tư

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên