21/01/2019 15:31 GMT+7

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 4: Gián điệp hai mang

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Cơ quan phản gián của Mỹ và đồng minh đã bắt giữ nhiều đặc vụ GRU (Nga) hay nhân viên tình báo Trung Quốc xâm nhập, tuy nhiên nhiều công dân nước sở tại cũng sẵn sàng làm gián điệp hai mang cho nước ngoài.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 4: Gián điệp hai mang - Ảnh 1.

Kevin Mallory bị kết tội làm gián điệp cho Trung Quốc - Ảnh: t13.cl

Trong năm 2018 có hai vụ đáng chú ý liên quan đến cựu nhân viên quân báo Mỹ Ron Rockwell Hansen và cựu đặc vụ Tổng cục An ninh đối ngoại Pháp Henri M...

Hành động của ông Hansen đã phản bội an ninh quốc gia, phản bội nhân dân Mỹ và sỉ nhục các đồng nghiệp cũ trong cộng đồng tình báo.

Bộ Tư pháp Mỹ

Chiếc USB giấu trong đôi vớ

Ngày cuối tuần 2-6-2018, cựu nhân viên quân báo Ron Rockwell Hansen 59 tuổi đang ngồi chờ chuyến bay đi Trung Quốc tại sân bay quốc tế Seattle-Tacoma (bang Washington). Các nhân viên FBI đột ngột xuất hiện.

Hansen bị truy tố 15 tội danh vì bán thông tin mật cho cơ quan tình báo Trung Quốc. Riêng tội danh phản quốc đã đủ để ông ngồi tù suốt đời.

Cáo trạng cho biết Hansen đã đề nghị với cơ quan tình báo Trung Quốc làm gián điệp hai mang và đã nhiều lần thu thập thông tin tình báo mật chuyển cho phía Trung Quốc.

Trung tuần tháng 12-2018, văn phòng công tố viên liên bang tại bang Utah thông báo sẽ đề nghị thỏa thuận ngoài tòa và nếu Hansen tiếp tục không nhận tội, cơ quan công tố sẽ ban hành cáo trạng mới với nhiều tội danh khác.

Hansen nói được tiếng Nga và tiếng Quan Thoại, làm việc trong quân đội Mỹ với nhiệm vụ nhân viên tình báo mật hiệu và tình báo con người. Năm 2005, Cục Tình báo quốc phòng (DIA) tuyển ông vào làm nhân viên dân sự xử lý các nguồn tin nước ngoài.

Năm 1981, Hansen đã đến Trung Quốc lần đầu tiên vào thời điểm nước này còn đóng cửa với phương Tây. Từ năm 2013-2017, ông thường xuyên đến Trung Quốc dưới vỏ bọc hoạt động thương mại.

FBI bắt đầu nghi ngờ nên khám xét vali mỗi lần Hansen đi Trung Quốc. Trong 175 chuyến đi và về của Hansen, FBI đã tìm thấy hàng chục ngàn đôla tiền mệnh giá nhỏ.

Trả lời thẩm vấn của FBI, Hansen biện bạch ông vẫn trung thành với nước Mỹ. Song ông không giải thích được số tiền 800.000 USD đã nhận nhiều lần từ các nhân viên tình báo Trung Quốc từ tháng 3-2013 để mang về quê ở Syracuse (bang Utah) trả nợ.

Ông cũng ú ớ với chứng cứ là tài liệu mật về chiến lược của Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng và chiếc USB mã hóa giấu trong vớ. Hansen còn thường xuyên tiếp xúc với các nhân viên tình báo Trung Quốc và nhận điện thoại di động của họ đưa nhưng không khai báo gì với FBI.

Trò điệp viên hai mang bị lật tẩy vào tháng 4-2018 khi Hansen bảo đảm với nhân viên FBI giả danh rằng phía Trung Quốc sẵn sàng chi 200.000 USD để nhận các kế hoạch tác chiến của quân đội Mỹ trong trường hợp Mỹ can thiệp quân sự vào Trung Quốc.

Cùng rơi vào cảnh ngộ như Hansen có Kevin Mallory (62 tuổi) từng làm việc cho CIA và DIA cho đến năm 2012. Kevin Mallory bị bắt vào tháng 4-2017 khi từ Thượng Hải về đến Chicago với 16.500 USD trong hành lý.

Tháng 6-2018, bồi thẩm đoàn ở bang Virginia đã kết tội Kevin Mallory bán tài liệu mật cho cơ quan tình báo Trung Quốc.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 4: Gián điệp hai mang - Ảnh 3.

Cựu nhân viên Cục Tình báo quốc phòng Mỹ Ron Rockwell Hansen bị bắt vào tháng 6-2018 - Ảnh: KSLTV

Đại tá đặc vụ Pháp mê gái Hoa

Lần đầu tiên từ năm 1986, đặc vụ Pháp phải ra tòa vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Cuối năm 2017, hai đặc vụ nghỉ hưu của Tổng cục An ninh đối ngoại Pháp (DGSE) là Henri M. và Pierre-Marie H. (luật của Pháp cấm tiết lộ tên điệp viên) đã bị tống giam sau ba ngày thẩm vấn về tội làm gián điệp cho nước ngoài, kích động phản quốc và xâm phạm bí mật quốc phòng.

Cả hai đã cung cấp cho cơ quan tình báo Trung Quốc phương pháp làm việc, các nguồn tin và lý lịch các điệp viên DGSE. Vợ ông Pierre-Marie H. cũng bị điều tra về tội không tố giác tội phạm.

Đến tháng 5-2018, Bộ Quốc phòng mới xác nhận thông tin sau khi kênh truyền hình TMC tiết lộ sự việc. Tổng thống Emmanuel Macron cho biết đây là hồ sơ "rất nghiêm trọng".

Hai ông Henri M. và Pierre-Marie H. đều thuộc hàng lão tướng, người đầu 72 tuổi còn người sau 67 tuổi. Ông Henri M. mang quân hàm đại tá vào cuối năm 1997, phụ trách bộ phận phản gián trong DGSE.

Ông từng tốt nghiệp tiếng Trung tại Viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông nên được điều động làm trưởng nhóm tình báo tại Trung Quốc, đồng thời là phái viên chính thức giữa DGSE với cơ quan đồng cấp Trung Quốc. Như vậy ông nắm rõ mạng lưới điệp viên nằm vùng tại Trung Quốc.

Năm 1997, ông Henri M. lên đường sang Trung Quốc một mình, vợ ông ở lại Pháp. Chẳng bao lâu ông đã phải lòng cô gái trẻ người Hoa làm phiên dịch viên cho đại sứ Pháp. Cô gái này tình nghi làm việc cho cơ quan tình báo Trung Quốc hoặc ít ra cũng đã cung cấp tin.

Đại sứ Pháp lo ngại, cuối cùng yêu cầu triệu hồi ông về Pháp vào tháng 2-1998. Giải ngũ vào đầu thập niên 2000, ông kinh doanh xuất nhập khẩu đồ nội thất Trung Quốc. Đến năm 2003, ông quay lại Bắc Kinh và kết hôn với cô gái Hoa năm xưa. Đôi chồng già - vợ trẻ rời Bắc Kinh đến đảo Hải Nam mở nhà hàng.

Từ lúc ông Henri M. bị triệu hồi về Paris, DGSE nghi ngờ ông này cung cấp thông tin về mạng lưới hoạt động của tình báo Pháp nên đã rút dần các điệp viên nằm vùng tại Trung Quốc. Nhưng không hiểu vì sao đến năm 2017 ông mới bị bắt. Có thể ông đã cộng tác với tình báo Trung Quốc từ cuối thập niên 1990. Năm 1999 tại Paris, ông đã lập một công ty tư vấn cho các doanh nghiệp Pháp muốn làm ăn ở Trung Quốc. Không rõ có phải đây là vỏ bọc hay không.

Ông Pierre-Marie H. là người quen biết với bạn già Henri M. nêu trên. Ông làm việc trong bộ phận phản gián của DGSE từ giữa thập niên 1970, thường xuyên đến Trung Đông săn lùng điệp viên của Nga. Sau đó, ông chuyển sang bộ phận chống phổ biến vũ khí hạt nhân, đạn đạo và hóa học.

Giữa thập niên 2000, do ông hay đả kích DGSE nên bị đưa về Dijon làm công việc hành chính. Năm 2016 ông nghỉ hưu. Pháp đang điều tra xem ông làm gián điệp hai mang cho Trung Quốc như thế nào.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 4: Gián điệp hai mang - Ảnh 4.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Triều Benoît Quennedey - Ảnh: Le Figaro

Viên chức thượng viện làm gián điệp cho Triều Tiên?

Ngày 25-11-2018, Tổng cục An ninh nội địa Pháp (DGSI) đã bắt giữ viên chức cấp cao thượng viện Benoît Quennedey vì chuyển thông tin tuyệt mật cho CHDCND Triều Tiên. Song đến nay ông này vẫn cho rằng mình vô tội. Benoît Quennedey từng lãnh đạo Đảng Cấp tiến cánh tả (PRG), phụ trách bộ phận kiến trúc, di sản và vườn của Thượng viện, đồng thời là chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Triều Tiên. Ông đã nhiều lần đến CHDCND Triều Tiên và không hề giấu giếm thiện cảm với Triều Tiên. Ông đã viết hai cuốn sách về Triều Tiên gồm Bắc Triều Tiên nơi lạ (NXB Delga, năm 2017) và Kinh tế Bắc Triều Tiên (NXB Les Indes Savantes, năm 2013).

Kỳ tới: Phương Tây đối phó với gián điệp

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên