Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đến Argentina dự hội nghị G20 ngày 30-11 - Ảnh: Reuters
Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ đều có sự hậu thuẫn rất lớn của giới tư bản. Nhiều chính sách đối nội và đối ngoại của các chính quyền Mỹ từ trước tới nay cũng đều mang màu sắc thực dụng, vì các lợi ích kinh tế, phục vụ doanh nghiệp hơn là xã hội, người dân.
Vậy nên phát biểu mới đây của Tổng thống Donald Trump về việc sẵn sàng áp thuế đối với các sản phẩm của Apple có xuất xứ từ Trung Quốc có phần khiến dư luận bất ngờ.
Apple được coi là một trong số ít những công ty "cục cưng", được chính quyền Mỹ bảo vệ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà họ đang ráo riết tiến hành.
Phát biểu này của ông Trump được đưa ra chỉ vài ngày trước khi lên đường dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina. Tại đây, ông Trump sẽ có một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến đêm 30-11 giờ địa phương (sáng 1-12 giờ VN). Đây được kỳ vọng là cơ hội vàng để hai nước "tháo ngòi" cuộc chiến thương mại đang rất căng thẳng hiện nay.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy triển vọng đạt được một thỏa thuận thực chất tại cuộc gặp sắp tới còn khá u ám. Việc ông Trump tuyên bố sẵn sàng "hi sinh" Apple cho thấy nội tình đàm phán ở cấp dưới có vẻ như đang không mấy thuận lợi.
Đồng thời, có vẻ như nó cũng phù hợp với chiến thuật "lên gân" với Trung Quốc của ông Trump thời gian qua, và còn có hàm ý chuẩn bị dư luận nước Mỹ cho một cuộc chiến có thể kéo dài hơn.
Về phần mình, Trung Quốc thời gian qua có thái độ rất mềm mỏng để nỗ lực giải quyết căng thẳng với Mỹ, đặc biệt đã chủ động đưa ra đề xuất dự thảo thỏa thuận. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục cách chơi cứng rắn, trong khi Trung Quốc không thể nhượng bộ hoàn toàn theo ý Mỹ.
Đáng lưu ý là vào thời điểm quan trọng hiện nay, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế Lưu Hạc không đi châu Mỹ, mà sẽ đến Đức dự Hội nghị Trung Quốc - châu Âu. Sự vắng mặt của ông Lưu Hạc dấy lên nhiều nghi ngại về thành công của cuộc gặp Trump - Tập sắp tới.
Cuộc đối thoại này khác với cuộc Trump - Kim hồi đầu năm nay, bởi khi đó chỉ cần gặp để "phá băng" quan hệ nhằm mở cánh cửa cho đàm phán hạt nhân. Còn ở đây đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã bế tắc sau nhiều vòng, ông Trump và ông Tập chắc sẽ không chỉ gặp nhau để nói vài câu xã giao.
Khả năng hai đoàn đàm phán cấp dưới đạt được thỏa thuận là không cao. Cửa sổ cơ hội nhỏ nhoi để căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được tháo ngòi sẽ phụ thuộc vào việc cá nhân ông Trump và ông Tập có quyết định nhượng bộ thêm ở phút chót hay không.
Nhưng như vậy đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đối mặt với những chỉ trích nội bộ sau đó. Cái thế lưỡng nan là cả Mỹ và Trung Quốc đều là cường quốc lớn nhất nhì thế giới, có nhu cầu giữ thể diện; trong khi vấn đề đang được đẩy lên quá cao nhưng cũng quá quan trọng để có thể làm găng mãi được. Làm thế nào để hai nhà lãnh đạo này có thể về nước và tuyên bố với người dân rằng họ đã thắng chứ không thua.
Do đó, vào thời điểm hiện nay sẽ khó đạt được một thỏa thuận nào đủ chi tiết, thực chất mà làm hài lòng được cả hai bên. Những ai lạc quan nhất cũng chỉ nên kỳ vọng rằng ông Trump và ông Tập sẽ thống nhất được một số định hướng và nguyên tắc chung, nhằm củng cố lòng tin và tạo chất xúc tác cho đàm phán ở cấp dưới.
Nếu chỉ được như vậy thôi thì đã là tốt hơn không có gì. Bởi lẽ khi hai nhà lãnh đạo bước ra khỏi phòng họp ở Argentina, kết quả họ đạt được dù thế nào cũng sẽ tác động ít nhiều đến thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận