04/10/2019 11:44 GMT+7

Cùng con dùng điện thoại sao để không bị 'ghiền'?

LINH PHAN
LINH PHAN

TTO - Thiết bị điện tử dễ gây nghiện, kể cả với người lớn. Do vậy thay vì cấm đoán hay hạn chế, hãy dạy con cách quản lý và sử dụng điện thoại, tivi, máy tính... một cách khoa học và hợp lý.

Cùng con dùng điện thoại sao để không bị ghiền? - Ảnh 1.

Thay vì cấm đoán, cha mẹ nên dạy con cách quản lý thời gian sử dụng điện thoại - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Con cái chúng ta ngày nay được sinh ra trong một thế giới của những cú chạm, màn hình cảm ứng và rất nhiều ứng dụng. Ở góc độ là cha mẹ, chúng ta luôn tự hỏi bao nhiêu thời gian dành cho thiết bị điện tử là quá nhiều và từ bao giờ sẽ bị coi là quá sớm?

Hãy dạy con chịu trách nhiệm và học cách tự điều chỉnh, quản lý thời gian sử dụng các thiết bị điện tử. Khi con lớn hơn, con buộc phải có khả năng quyết định mình nên xem thêm video hay tắt nó đi để học bài, ăn uống hay tham gia các hoạt động xã hội khác.

Linh Phan

Khác biệt giữa đọc sách và màn hình

Thời gian tiếp xúc với màn hình tác động tới chức năng điều hành ở trẻ nhỏ. Chức năng điều hành là một thuật ngữ để chỉ những kỹ năng tự kiểm soát quan trọng. Trong ba chương trình nghiên cứu của mình, Angeline S. Lillard (Đại học Virginia, Mỹ) đã kiểm tra khả năng tự kiểm soát của trẻ trong một loạt nhiệm vụ sau khi cho chúng xem một chương trình phi thực tế có nhịp độ nhanh; xem một chương trình thực tế có nhịp độ chậm và tham gia các hoạt động chơi tự do/đọc sách.

Kết quả là trẻ chơi hoặc đọc sách đạt điểm cao hơn đáng kể trong các nhiệm vụ đòi hỏi khả năng tự kiểm soát so với trẻ xem một chương trình truyền hình. Những đứa trẻ xem chương trình thực tế với nhịp độ chậm lại làm tốt hơn các nhiệm vụ tự kiểm soát so với những đứa trẻ xem chương trình có nhịp độ nhanh và không thực tế.

Đọc sách và chơi là lựa chọn vượt trội về phát triển nhận thức so với xem tivi. Xem tivi hay điện thoại quá nhiều, bất kể là loại gì đều dẫn tới khả năng kiểm soát và tự điều chỉnh kém hơn. Bạn có bao giờ nhận ra điều đó không? Rằng con sẽ có hành động bị mất kiểm soát sau một buổi xem tivi hay điện thoại, như la hét, khóc lóc, khó tính, mè nheo, mệt mỏi...? Đó là một bằng chứng thực tế của việc xem tivi/điện thoại ảnh hưởng đến kỹ năng kiểm soát của trẻ.

Thời gian xem nhiều màn hình điện tử sẽ ảnh hưởng tới não bộ. Trẻ xem quá nhiều có thể mất khả năng tự kiểm soát tạm thời nhưng người ta vẫn chưa đo lường được cụ thể bao nhiêu là quá nhiều và những ảnh hưởng tới não bộ theo thời gian dài.

Thiết bị điện tử dễ gây nghiện. Thật khó với chính cả người lớn, khi bản thân nhiều người còn bị nghiện sử dụng điện thoại hay các thiết bị thông minh và gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian của chính họ. Nhịp độ nhanh của các chương trình, trò chơi sẽ tác động tới não. Chúng ta sẽ phải giúp con học cách nhận ra điều này là điều chỉnh nó.

Cùng con quản lý thời gian sử dụng

Cách 1: Cách thức của tôi là cho phép con được sử dụng điện thoại hoặc iPad mỗi ngày vào một khung giờ nhất định (trước bữa ăn tối) và trong khoảng thời gian nhất định (tối đa 15 phút). Trong khoảng thời gian đó, con có thể tự lựa chọn xem một số chương trình mà con yêu thích, tự lấy iPad ra để sử dụng, thậm chí tự bấm giờ và khi đồng hồ đếm ngược kêu, con sẽ tự tắt đồng hồ và cất iPad đi.

Thói quen này được hình thành từ khi con bắt đầu xem một số chương trình ca nhạc cho trẻ nhỏ (khoảng từ 2 tuổi rưỡi) mỗi ngày, đều đặn được lặp đi lặp lại theo một tiến trình: bật nhạc, bấm đồng hồ, đồng hồ kêu, tắt nhạc.

Cách 2: Bạn có thể in hình đại diện một số chương trình con yêu thích ra các tấm card (bảy tấm card/tuần) và cho phép con chọn lựa mỗi ngày một chương trình để có thể xem trong thời gian quy định.

Nếu ngày hôm đó con đã xem (đã chọn tấm card) mà vẫn muốn xem tiếp thì ngày hôm sau con sẽ không còn card để có thể chọn được nữa. Cha mẹ hoàn toàn có thể đưa ra các giới hạn trong mỗi tấm card như là thời gian xem (15-30 phút/ngày tùy độ tuổi), khung giờ xem (sau giờ ăn, sau khi đi học về...).

Và nên nhớ rằng đừng sử dụng những tấm card này để làm phần thưởng (thi thoảng bạn có thể tự thưởng thêm cho con để khích lệ, nhưng không sử dụng nó trở thành mục tiêu/mục đích cho một cố gắng nào đó của con).

Công nghệ không phải không có những lợi ích. Đơn giản là bạn giúp con nhớ được mình đã xem bao nhiêu, xem những gì và quản lý như thế nào. Cũng đừng sử dụng các tấm card này làm hình phạt, khi con không ngoan thì sẽ phải nhận hình phạt không có card. Đó chỉ là công cụ để con điều chỉnh thời gian sử dụng thiết bị điện tử mà thôi.

Tước bỏ hoàn toàn là không tưởng

Không thể phủ nhận có nhiều lợi ích mà công nghệ mang lại. Cũng có các nghiên cứu cho thấy trẻ trên 2 tuổi học được nhiều thứ từ tivi hay các chương trình trên YouTube, ví dụ như phát triển ngoại ngữ chẳng hạn. Vì vậy, tước bỏ hoàn toàn công nghệ là điều không tưởng, hãy sử dụng nó một cách có ý thức với kế hoạch và có thể kiểm soát.

Con nghỉ học, đánh bố mẹ để... đòi lại điện thoại, iPad Con nghỉ học, đánh bố mẹ để... đòi lại điện thoại, iPad

TTO - Với tâm lý 'hè mà, để con chơi chút cho thoải mái', đến khi hết hè, có phụ huynh tá hỏa khi phát hiện con mình nghiện game trên điện thoại đến mức đánh cả bố mẹ khi không được chơi game...

LINH PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên