Các nhân viên giám sát máy quét thân nhiệt tại sân bay Dominique Edward Osok ở Tây Papua, Indonesia, Indonesia - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters cho biết cơ quan quản lý thị trường thành phố Bắc Kinh ngày 29-1 thông báo trên trang web của họ về việc đã gửi văn bản xử phạt hành chính với cửa hàng dược Beijing Jimin Kangtai Pharmacy vì tăng quá cao giá bán khẩu trang phòng dịch N95.
Đài Truyền hình quốc gia Trung Quốc cho biết cửa hàng này đã tăng giá bán khẩu trang nhãn hiệu 3M lên 850 nhân dân tệ (hơn 2,8 triệu đồng) mỗi hộp, trong khi giá bán một hộp khẩu trang cùng loại này trên mạng chỉ là 143 nhân dân tệ/hộp. Thông thường, một hộp khẩu trang ở các nhà thuốc thường có 50 cái.
Nhà chức trách Bắc Kinh thời gian qua đã tăng cường các biện pháp giám sát giá các dụng cụ y tế phòng dịch và phạt rất nặng những hành vi trục lợi phi pháp và các sai phạm như bịa đặt, phát tán thông tin nhằm thổi giá bán hàng.
Kể từ ngày 23-1, họ đã điều tra 31 trường hợp sai phạm về giá bán hàng hóa.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra (nCoV) khởi phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm ngoái tới nay đã làm 132 người chết và gần 6.000 người nhiễm bệnh tại Trung Quốc, lây lan sang hơn 10 quốc gia ở 4 châu lục khác.
Dược sĩ Liu Zhuzhen đứng gần tấm biển thông báo cửa hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 21-1 cho biết đã bán hết khẩu trang - Ảnh: AP
"Cháy hàng" khẩu trang ở nhiều nước châu Á
Trong bối cảnh tốc độ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra (nCoV) chưa có dấu hiệu dừng lại, nhu cầu về khẩu trang và dung dịch rửa tay của người dân tăng vọt. Hiện tại, tại nhiều quốc gia châu Á, việc đeo khẩu trang y tế đã trở thành chuyện bắt buộc khi ra đường hay ở chỗ đông người.
Tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), nhân viên bán hàng Varumporn Krataitohg cho biết lượng bán ra các sản phẩm tẩy trùng cũng như khẩu trang đã tăng từ tuần trước. Khách du lịch Trung Quốc tới mua nhiều, mỗi người thường mua từ hai đến 3 hộp khẩu trang.
Theo người này, nhu cầu các mặt hàng này đã tăng 80%. "Giờ cửa hàng chúng tôi đã hết loại gel rửa tay. Nhà sản xuất vừa gửi tới lô hàng mới trong buổi sáng nhưng tới chiều đã bán hết. Mọi người vẫn đổ tới hỏi mua", chị nói.
Tại Nhật Bản, khi nhà chức trách công bố xác nhận 4 ca nhiễm virus corona mới tại nước này, các kệ hàng khẩu trang tại nhiều nơi đã trống trơn.
Chị Christine Yuuki, một du khách 25 tuổi từ Hợp Phì (Trung Quốc) tới Nhật, cũng đang ở Tokyo mua khẩu trang gửi về cho bạn bè, gia đình ở Trung Quốc. "Tại Trung Quốc, khẩu trang rất đắt - chị nói - Ở đây rẻ hơn và dễ mua hơn".
Nhân viên y tế phát khẩu trang cho khách tới khu mua sắm xa xỉ tại Bangkok, Thái Lan ngày 28-1 - Ảnh: AP
Nhà sản xuất đồ gia dụng và thiết bị gia đình lớn của Nhật là Iris Ohyama cho biết doanh số bán khẩu trang của họ trong tuần qua đã tăng gấp 3 so với tuần trước đó. Công ty này cũng đã yêu cầu một số công nhân của họ tại một trong hai nhà máy của công ty ở Trung Quốc rút ngắn thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để trở lại làm việc.
Tại Hàn Quốc, khẩu trang cũng đang là mặt hàng bán chạy nhất tại chuỗi cửa hàng tiện lợi 24 giờ CU tại các sân bay, điểm dừng xe buýt, và các tụ điểm giao thông công cộng khác.
Ngoài khẩu trang, theo thông tin từ công ty mẹ của CU là Tập đoàn BGF Retail, doanh số bán xà bông, nước rửa tay và nước súc miệng cũng tăng hơn gấp đôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận