4 bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội tháng 6-2017 - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ |
Theo dõi các phiên chất vấn, trả lời chất vấn của bốn bộ trưởng: Văn hóa - thể thao và du lịch, Y tế, Kế hoạch - đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn (trong kỳ họp Quốc hội lần này), cử tri nhìn chung đều đồng tình. Tuy vậy, tôi có mấy kiến nghị xin được gửi đến Quốc hội.
1. Hỏi phải điều nghiên đầy đủ hiện tượng, số liệu, diễn biến, kết quả, những hậu quả... và người trả lời cần chuẩn bị tâm thế, nắm bắt tình hình, dự kiến được những vấn đề phải giải trình để có sự chuẩn bị chu đáo. Nếu làm được như thế thì chất vấn và trả lời chất vấn thiết nghĩ không nên cầm giấy (ghi sẵn nội dung) để đọc. Tranh luận, điều trần chứ đâu phải lớp học, hội nghị mà đọc... văn bản!
2. Để xảy ra sự cố đáng tiếc trong lĩnh vực bộ, ngành của mình phụ trách đương nhiên người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, người dân hiểu rõ điều ấy. Thế nên trước đây (sau khi xảy ra sự cố đáng tiếc) nhận trách nhiệm rồi, nay lại điệp khúc nhận trách nhiệm nữa - không cần thiết. Quan trọng là để không còn những sự cố đáng tiếc thì tư lệnh ngành nên trình bày rõ giải pháp chấn chỉnh, khắc phục, tạo sự thay đổi.
3. Hứa là một động từ, thế nhưng trong thực tế có trường hợp sử dụng như một tính từ. Hứa cho nhiều rồi lại quên, người dân mong mỏi về sự thay đổi theo một lộ trình với mốc thời gian cụ thể được cam kết và ngay sau đó tổ chức thực hiện. Đồng thời nhận trách nhiệm - hứa sẽ thêm “nặng ký” nếu chủ thể đưa ra cam kết - không làm được thì chịu trách nhiệm tới đâu?
4. Phân cấp hiện nay ở nước ta có những bộ có phạm vi quản lý rất rộng, tư lệnh ngành khó nắm bắt đầy đủ, am hiểu sâu sắc, xử lý kịp thời. Vì vậy, tư duy chiến lược của người đứng đầu có tầm quan trọng đặc biệt. Tựa như kim chỉ nam để cộng sự, người giúp việc tại văn phòng, cục, vụ, viện... làm căn cứ xác định mục tiêu, xây dựng biện pháp, chương trình hành động.
Đồng thời người đứng đầu làm tốt công tác giám sát, kiểm tra trên cơ sở quy chế - quy tắc (nội bộ) phù hợp với luật pháp hiện hành. Phân cấp, phân công, xác định trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc; ai làm, ai kiểm tra, ai động viên - khen thưởng, ai tư vấn...? Có câu “một người lo bằng kho người làm” là vì thế, và người lo cấp bộ, ngành không ai khác chính là bộ trưởng.
5. Cuối cùng, chất vấn và trả lời chất vấn nên chăng dần thu hẹp lại không gian, gắn với các ủy ban chuyên trách (của Quốc hội) để các kỳ chất vấn có tính chuyên môn sâu sắc, có nhiều thời gian cho tranh luận (về một vấn đề cụ thể), trách nhiệm được xác định đầy đủ... và trực tiếp truyền hình để cử tri cả nước được theo dõi.
Tranh luận là một hoạt động cơ bản của Quốc hội giúp Quốc hội thực hiện tốt chức năng người dân giao phó. Đã, đang có những thay đổi và cử tri mong muốn sẽ thay đổi ấn tượng hơn, sâu sắc hơn, mạnh mẽ, trách nhiệm, hiệu quả hơn.
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận