Công trình được cấp phép tầng hầm nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng thêm bốn tầng nổi đồ sộ, phần xây trái phép hơn 4.400m2, không có trong quy hoạch.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình trái phép trong Đồi Cù Đà Lạt.
Sao không ngăn chặn từ đầu?
Đáng chú ý, từ tháng 4-2023, chính quyền cơ sở và UBND TP Đà Lạt đã lập biên bản yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công nhưng đơn vị này vẫn tiếp tục thực hiện từ đó đến nay. Dư luận đặt câu hỏi: sao không ngăn chặn, cưỡng chế được ngay từ đầu?
Vi phạm xây dựng khá phổ biến ở nước ta không chỉ xem thường pháp luật, lãng phí mà còn để lại hậu quả khôn lường.
Từ vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội cho thấy công trình được cấp phép 6 tầng nhưng xây lên đến 9 tầng. 79 căn biệt thự xây dựng trái phép đã và đang được tháo dỡ tại Phú Quốc (Kiên Giang), có cả tòa nhà đồ sộ xây dựng trái phép tăng thêm 473m2 từ 6 tầng lên 12 tầng.
Tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều nơi khác, không ít công trình vi phạm cho đến khi hoàn thành và ngang nhiên tồn tại.
Đó là những công trình đồ sộ được thi công trong thời gian dài, tập kết máy móc thiết bị, vận chuyển vật liệu.
Trước đó, theo quy định, mỗi công trình phải trải qua hàng loạt thủ tục lập hồ sơ khảo sát, thiết kế và xét duyệt phức tạp. Sau khi hoàn thành phải nghiệm thu thanh toán, kiểm tra hoàn công, phòng cháy chữa cháy.
Quy trình quản lý hoạt động xây dựng chặt chẽ đến vậy vẫn lọt những công trình trái phép cho thấy sự thiếu sót và khuất tất ở khâu quản lý, thực thi các quy trình hoạt động xây dựng để vô hiệu hóa pháp luật.
Thực tế cho thấy không ít công trình trái phép vẫn hoạt động bình thường cho đến khi xảy ra sự cố.
Không thể phạt tiền rồi cho tồn tại
Cưỡng chế, tháo dỡ công trình trái phép luôn mất nhiều thời gian và lãng phí. Nếu xử lý cương quyết bảo đảm sự tuân thủ pháp luật ngay từ đầu đã giảm thiệt hại xã hội.
Những sai phạm trong xây dựng được tồn tại có thể gây thiệt hại lớn về nhân mạng, vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội với 56 người tử vong là một ví dụ.
Những người quản lý trực tiếp địa bàn lẽ nào không biết, không thể phát hiện, người vi phạm bất hợp tác nên dù đã lập biên bản nhưng không thể xử lý cũng khó thuyết phục. Có sự thỏa hiệp mới có những công trình xây dựng trái phép kéo dài.
Chính ông Phạm Quang Nghị, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội, từng nói thẳng rằng đằng sau những công trình vi phạm đó là những thế lực "chống lưng", khi xử lý chính quyền không chỉ đương đầu với chủ công trình mà còn cả thế lực đó.
Không khó thấy những đề xuất xử lý cưỡng chế, sau đó kéo dài không thực hiện hoặc phạt rồi cho tồn tại. Vậy khác gì dùng tiền hợp thức hóa công trình trái phép?
Trong khi đó, theo quy định pháp luật xử lý vi phạm xây dựng, ngoài hình thức xử phạt hành chính thì phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm, khôi phục hiện trạng. Không có quy định nào xử phạt rồi cho tồn tại.
Gốc rễ trong vi phạm xây dựng, suy cho cùng mục đích chủ đầu tư hình thành công trình trái phép vẫn tìm cách được tồn tại sử dụng bình thường, hoàn thành thủ tục pháp lý. Một khi các mục đích này không đạt được, hẳn không ai dám vi phạm và làm liều làm ẩu.
Ngoài dung túng, thỏa hiệp thì còn có thế lực "chống lưng" không chỉ đã vô hiệu hóa tính nghiêm minh pháp luật mà trong nhiều trường hợp còn gây thiệt hại tài sản, đe dọa tính mạng người dân.
Cần có biện pháp nâng cao vai trò cấp dưới là chính quyền địa phương cơ sở trong quản lý và phát hiện xử lý các vi phạm đất đai, xây dựng và ngăn chặn ngay từ đầu. Có thêm biện pháp chế tài mạnh với các cá nhân để xảy ra vi phạm xây dựng thuộc địa bàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận