13/07/2013 07:01 GMT+7

Cống thoát nước gây ngập đồng ruộng

Bà NGÔ THỊ THANH(thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM)
Bà NGÔ THỊ THANH(thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM)

TT - Từ khi đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đưa vào sử dụng (năm 2009), cánh đồng Tân Hồ (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị ngập nước quanh năm và cuộc sống của nông dân chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn.

826MjChv.jpgPhóng to
Bà Thanh cho biết miệng cống thoát nước của đường cao tốc không có tác dụng thoát nước cho cánh đồng Tân Hồ. Ngược lại, nước từ miệng cống này thường xuyên đổ xuống cánh đồng Tân Hồ gây ngập - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương “xẻ” qua cánh đồng Tân Hồ, làm cho hệ thống thoát nước, tưới tiêu của cánh đồng bị thay đổi. Tình trạng ngập nước trên cánh đồng Tân Hồ xảy ra quanh năm. Mỗi lần có mưa, cánh đồng ngập trắng xóa, nhiều rác rưởi từ hệ thống thoát nước của đường cao tốc chảy tràn xuống cánh đồng nên không thể trồng trọt, sản xuất được. Nhiều thửa ruộng trước đây vẫn có thể trồng lúa mỗi năm hai vụ thì nay thường xuyên bị ngập sâu gần nửa mét nên không thể sản xuất. Vì thế hàng ngàn mét vuông đất, không chỉ riêng của nhà tôi mà nhiều hộ dân khác, đã bị bỏ hoang mặc cho cây dại mọc um tùm.

Gia đình tôi sống chủ yếu bằng nông nghiệp, thửa ruộng rộng khoảng 4.000m2 trên cánh đồng Tân Hồ là nguồn thu nhập chính của gia đình để nuôi bốn người con khôn lớn và dựng vợ gả chồng cho các con. Cũng nhờ thu nhập từ thửa ruộng đó, khi tuổi đã lớn, chúng tôi vẫn còn tích cóp được chút ít tiền để thi thoảng mua quà vặt cho con cháu. Các con tôi trước đây cũng chịu khó phụ việc làm nông cùng gia đình nên cuộc sống tạm ổn. Nhưng từ khi đồng ruộng không sản xuất được, các con tôi phải đi làm công nhân tại các khu công nghiệp kiếm thêm đồng ra đồng vào. Vợ chồng già chúng tôi bỗng dưng mất nguồn thu nên sống nhờ vào số tiền ít ỏi của các con đi làm công nhân đóng góp.

Lẽ ra khi đặt hệ thống cống thoát nước cho đường cao tốc, đơn vị thi công nên hỏi ý kiến người dân và khảo sát mực nước thực tế trên cánh đồng Tân Hồ để có phương pháp thoát nước tốt nhất cho cánh đồng này. Đằng này họ đặt miệng cống trên cao nên chỉ có tác dụng “rót” nước vào ruộng của người dân chứ không có tác dụng thoát nước dẫn đến cảnh ngập úng triền miên.

Năm 2009, hơn 10 hộ dân có ruộng đất bị ảnh hưởng bởi cống thoát nước này đã làm đơn gửi cơ quan chức năng, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Tháng 6-2013, người dân chúng tôi tiếp tục gửi đơn để “cầu cứu” chính quyền địa phương. Nếu không có phương án thoát nước hữu hiệu thì nên bít miệng cống thoát nước của đường cao tốc, hiện đang đổ xuống cánh đồng Tân Hồ, để người dân có đất sản xuất.

Chờ người dân hiến đất để làm cống

Ông Trần Anh Trung, phó chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc, cho biết chính quyền địa phương đã nhận được phản ảnh của người dân về việc ngập nước tại cánh đồng Tân Hồ. “Chúng tôi đã khảo sát và đưa ra phương án làm thêm một hệ thống cống ngầm dọc tuyến đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương để thoát nước từ cánh đồng Tân Hồ ra hệ thống kênh rạch ven cánh đồng này. Tuy nhiên, do một số người dân chưa đồng ý hiến đất nên chưa thể triển khai được. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân hiến đất để làm cống thoát nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân canh tác” - ông Trung nói.

MẬU TRƯỜNG

Bà NGÔ THỊ THANH(thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên