25/11/2020 08:49 GMT+7

Cộng đồng không COVID-19: Phải hành động như đang có dịch

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh nguy cơ COVID-19 từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn, hiện hữu. Do đó muốn giữ được cộng đồng 'sạch' COVID-19 như hiện nay, phải luôn nghĩ, hành động như đang có dịch.

Cộng đồng không COVID-19: Phải hành động như đang có dịch - Ảnh 1.

Khách được đo thân nhiệt trước khi vào một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM (ảnh chụp tối 24-11) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đây không phải là hô khẩu hiệu, luôn luôn nghĩ chúng ta đang có dịch, phải chuẩn bị kỹ các kịch bản, tình huống xấu, phức tạp. Có chủ động như vậy mới thành công trong ứng phó.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Theo ông Long, cần phải quyết liệt ngăn chặn từ khâu xuất nhập cảnh, cách ly và chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu, phức tạp khi phát hiện ca nhiễm COVID-19. 

Ông Long cũng đề nghị truyền thông mạnh mẽ để người dân hỗ trợ giám sát người nhập cảnh trái phép, không "biến" việc đưa người nhập cảnh trái phép trở thành việc làm ăn và tiếp tay đưa người nhập cảnh trái phép, gây nguy hiểm với cộng đồng.

Nhập cảnh trái phép có xu hướng tăng

Sáng 24-11, chủ trì hội nghị trực tuyến với ngành y tế 63 tỉnh, thành phố về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thực tế số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, ở các quốc gia ngày càng có xu hướng gia tăng, gần như hôm sau là đỉnh dịch so với hôm trước.

Ông Nguyễn Thanh Long nêu thống kê đã hơn 80 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, đây là tín hiệu vui nhưng vẫn còn nhiều quan ngại, lo lắng phía trước. "Mỗi một ngày có rất nhiều trường hợp nhập cảnh. 

Hôm qua (23-11 - PV) có 5.000 người nhập cảnh đường bộ, trong đó có 77 trường hợp nhập cảnh trái phép đối với khu vực phía Bắc, đối với phía Nam mỗi nơi có 2-3 trường hợp. 

Đấy là những trường hợp giữ được ở đường biên, còn những trường hợp không giữ được thì thế nào? Chúng tôi rất lo lắng về nguy cơ lây nhiễm rất lớn từ bên ngoài vào Việt Nam" - ông Long nêu.

Nêu con số người nhập cảnh trái phép bị phát hiện, xử lý từ đầu năm 2020 đến nay lên tới 20.160 người, thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, phó tư lệnh Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho rằng ngay thời điểm hiện nay, do nhu cầu ra nước ngoài để thăm thân, tìm kiếm việc làm của người dân rất lớn, vì vậy trên các tuyến biên giới tình hình người Việt Nam và người nước ngoài xuất nhập cảnh trái phép có chiều hướng gia tăng, phức tạp. 

"Trên tuyến biển cũng đã bắt đầu phát hiện công dân Việt Nam lao động ở Brunei, Campuchia nhập cảnh trái phép" - ông Mạnh nêu.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh cho biết để tăng cường lực lượng, Bộ đội biên phòng đã điều động 1.625 cán bộ tăng cường cho biên phòng các tuyến biên giới đất liền, điều động gần 900 chiến sĩ tăng cường cho 1.600 tổ, chốt để đảm bảo đủ quân số 7.000 chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở trên biên giới.

Ông Mạnh khẳng định lực lượng biên phòng tiếp tục duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, duy trì 100% các tổ chốt phòng chống dịch, kiên quyết ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép. 

"Việc phải bao vây thật chặt chẽ bên ngoài, ngăn chặn triệt để mầm bệnh từ bên ngoài lây lan vào Việt Nam là biện pháp hết sức quan trọng, lực lượng Bộ đội biên phòng sẽ quyết tâm không để dịch bệnh lây lan qua biên giới vào Việt Nam" - thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh khẳng định.

Cộng đồng không COVID-19: Phải hành động như đang có dịch - Ảnh 3.

Một trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM đặt máy đo thân nhiệt ngay cửa ra vào để kiểm soát thân nhiệt của khách hàng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Vượt qua mùa đông khắc nghiệt

Về nhiệm vụ phòng chống dịch trong tình hình mới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói ngành y tế từng lưu ý "mùa đông năm nay là một mùa đông khắc nghiệt. Để vượt qua mùa đông này không phải nước nào cũng chiến thắng được và sự trả giá cho phòng chống dịch COVID-19 quá đắt đối với sinh mạng con người. Do đó đừng vì lợi ích trước mắt, đừng vì việc làm ăn trước mắt mà làm ảnh hưởng, nguy hiểm đến cộng đồng người Việt Nam".

Ông Long tán đồng với ý kiến của lực lượng Bộ đội biên phòng, đó là đề nghị các địa phương tăng cường quản lý, giáo dục với cư dân biên giới, để không biến việc đưa người nhập cảnh trái phép trở thành việc làm ăn, như vậy rất nguy hiểm với cộng đồng. 

"Còn cả tình trạng biến người nước ngoài thành người Việt Nam để đưa vào Việt Nam, chúng tôi rất mong các địa phương quan tâm vấn đề này. Đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý rất nghiêm với những trường hợp trên" - ông Long nói.

Khẳng định chúng ta đang có một môi trường sạch, cộng đồng sạch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ cư dân nhập cảnh, đây là biện pháp rất quan trọng. Vì vậy, đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ đội biên phòng và các tỉnh có đường biên giới thực hiện kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt ngăn chặn không để tình trạng nhập cảnh trái phép xảy ra.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đặt vấn đề về những hạn chế đã được nhận diện trong công tác cách ly người nhập cảnh, đó là việc tổ chức cách ly ở khu vực dân sự, khách sạn đã xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là. 

Với các khu vực cách ly như khách sạn, cơ sở lưu trú, ông Long khẳng định Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chi tiết tới mức cầm tay chỉ việc. Vì thế, dù khuyến khích các cơ sở lưu trú, khách sạn đăng ký dịch vụ cách ly nhưng từng địa phương phải kiểm soát rất chặt chẽ, đảm bảo mọi cơ sở cách ly đều phải đáp ứng đủ các điều kiện. Đồng thời chấn chỉnh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng chống dịch ở cơ sở cách ly dân sự.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định nguồn lây chủ yếu, duy nhất đến nay là ở khu vực cách ly nhập cảnh. Ông Long đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm tổ chức cách ly, giám sát cách ly với người nhập cảnh vào Việt Nam. 

"Người nhập cảnh phải được giám sát suốt quá trình và ít nhất là 28 ngày, trong đó 14 ngày thực hiện cách ly và 14 ngày khi trở về cộng đồng vẫn tiếp tục theo dõi, giám sát để tránh việc lây nhiễm thứ phát từ nguồn này ra cộng đồng" - ông Long nhấn mạnh.

Cộng đồng không COVID-19: Phải hành động như đang có dịch - Ảnh 4.

5 công dân nhập cảnh trái phép vào đầu tháng 11 vừa qua bị Đồn biên phòng Long Bình (huyện An Phú, An Giang) phát hiện bắt giữ kịp thời - Ảnh: THƯƠNG HÀN

Để COVID-19 lây lan, đình chỉ công tác thủ trưởng đơn vị

Dẫn chứng số ca mắc COVID-19 trên thế giới liên tục tăng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói: "Nếu đặt đất nước ta trong bối cảnh như vậy, e rằng hệ thống y tế khó đáp ứng được nhu cầu điều trị COVID-19".

Phân tích rõ hơn về công tác phòng ngừa, điều trị trong tình huống dịch lan rộng, ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho rằng trong hai đợt dịch vừa qua, Việt Nam đã thành công trong việc làm phẳng đường cong dịch.

Tuy nhiên, ông Khoa thẳng thắn: "Phải nhìn nhận năng lực của hệ thống khám chữa bệnh thực tế còn hạn chế, chưa phải có đủ điều kiện như các nước phát triển về giường bệnh, năng lực hồi sức cấp cứu và các điều kiện khác.

Vì vậy phải chủ động, tích cực đào tạo, tập huấn, chuẩn bị các khu vực hồi sức cấp cứu, nâng cao năng lực xét nghiệm, nâng cao khả năng kiểm soát lây nhiễm và đào tạo kỹ năng cho nhân viên trong xử lý các tình huống dịch khác nhau" - ông Khoa nói.

Khẳng định rõ quan điểm phải giữ an toàn trong các bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ rõ nếu có trường hợp mắc COVID-19, nơi phát hiện chính là cơ sở y tế chứ không ở đâu khác.

"Để phát hiện trường hợp mắc COVID-19 ở cộng đồng, khả năng lây nhiễm phải ở tỉ lệ rất cao. Còn hiện nay nếu có trường hợp đầu tiên sẽ phát hiện ở các cơ sở y tế, nên nơi này phải nêu cao cảnh giác với tinh thần cao nhất" - ông Long quán triệt.

Ông Long khẳng định Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn rất chi tiết và yêu cầu thủ trưởng các cơ sở y tế nếu để lây nhiễm tại các khoa, phòng, lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế phải tạm đình chỉ công tác. "Nếu để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, lây nhiễm giữa bệnh nhân với bệnh nhân, nhân viên với nhân viên, khoa phòng này sang khoa phòng khác là không thể chấp nhận" - ông Long nhấn mạnh.

Các địa phương cảnh giác trước dịch

Đã nhiều ngày qua trên cả nước không phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên các địa phương vẫn cảnh giác cao độ trước dịch bệnh.

Hà Nội: lo nhất ở bệnh viện, cách ly tại khách sạn

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết Hà Nội đang thực hiện tốt công tác phòng chống kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Ông Hạnh khẳng định các biện pháp phòng chống dịch vẫn được TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện quyết liệt, vẫn duy trì giao ban phòng chống COVID-19 một lần trong tuần từ cấp TP đến tận xã, phường.

Theo ông Hạnh, có hai vấn đề đáng lo, đó là công tác tổ chức cách ly ở các cơ sở lưu trú, khách sạn và việc phòng chống dịch trong các bệnh viện: "Gần đây số trường hợp nhập cảnh được phát hiện dương tính nhiều, nếu không làm tốt công tác cách ly, nguy cơ lây chéo trong các khu cách ly là rất cao, từ đó có thể lây ra cộng đồng, đây là vấn đề rất quan ngại.

Còn việc phòng chống dịch trong các bệnh viện cũng đáng lo. Chúng tôi kiến nghị chỉ đạo thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch COVID-19 tại các bệnh viện, đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm với các bệnh viện không thực hiện theo các tiêu chí bệnh viện an toàn".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Tùng, phó giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết thời gian qua lực lượng công an đã phát hiện 40 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Trước nhận định số người nhập cảnh trái phép có thể gia tăng dịp cuối năm, ông Tùng cho biết Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo tới các lực lượng tổng kiểm soát hành chính, phát hiện sớm các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Hà Nội. Từ đó đẩy mạnh điều tra, truy tìm các trường hợp đưa dẫn, giúp sức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép để xử lý hình sự.

XUÂN LONG

khautrang-ruatay_trungtamthuongmai emart gv(6 1(read-only)

Khách rửa tay sát khuẩn khi ra vào một siêu thị ở Q.Gò Vấp, TP.HCM chiều 24-11 - Ảnh: T.T.D.

TP.HCM: chú ý phòng dịch ở nơi công cộng

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-11, BS Lê Hồng Nga - trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết hiện nay TP đang kiểm soát dịch bệnh từ tất cả các nguồn có thể xâm nhập.

Nhằm tổ chức việc giám sát COVID-19 hiệu quả, an toàn và phù hợp với tình hình mới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã ban hành quy trình về việc giám sát và xét nghiệm đối với bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện, người đang cách ly và người sau cách ly phòng chống COVID-19. Theo đó, tùy vào từng nhóm đối tượng sẽ có phương pháp giám sát và chỉ định xét nghiệm phù hợp.

Hiện nay, TP hiện vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch ở những nơi công cộng. Cụ thể UBND TP.HCM bắt buộc người dân mang khẩu trang nơi công cộng, các cơ quan chức năng duy trì kiểm tra xử lý tình trạng người dân lơ là, chủ quan không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Ở một số nơi như trường học vẫn tiếp tục đo nhiệt độ cho học sinh. Ở các bệnh viện, cơ sở y tế, người dân được kiểm soát theo quy chế riêng của Bộ Y tế như khai tờ khai y tế, đo nhiệt độ, một số nơi công cộng khác thì người dân chỉ cần đeo khẩu trang...

THÙY DƯƠNG

Biên giới Tây Nam: tuyệt đối không lơ là

Ngày 24-11, ông Huỳnh Minh Phúc - giám đốc Sở Y tế Long An - cho biết công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh vẫn hết sức chặt chẽ, không chỉ từ các tuyến biên giới mà còn chú ý tập trung đến việc phòng bệnh trong hệ thống y tế.

Trước đó, ngày 23-11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến Long An khảo sát chống dịch và yêu cầu tất cả các đơn vị như Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các cơ quan chức năng kiểm tra, tổ chức kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới.

Các cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận điều trị theo phân công của Sở Y tế, đang thực hiện phân luồng, sàng lọc và tổ chức cách ly ngay. Bên cạnh đó, các hệ thống y tế từ bệnh viện, cơ sở y tế, đặc biệt là phòng khám nhỏ lẻ, trường học, cơ sở lưu trú, các nhà máy, xí nghiệp... luôn làm công tác tự đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Tương tự, tại An Giang, 136 tổ, chốt công tác phòng chống dịch COVID-19 ven biên giới vẫn được triển khai nghiêm ngặt, cảnh giác. Trung tá Huỳnh Chiến Thắng - đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu - cho biết đơn vị vừa quản lý cửa khẩu, đường mòn vừa quản lý cả đường sông Tiền nên nhiều anh em phải túc trực canh gác thâu đêm trên đường bộ lẫn đường thủy.

Đường bộ có chốt hoặc tổ công tác tuần tra kiểm soát, nhưng trên đường sông lực lượng biên phòng phải túc trực để giám sát các tàu thuyền từ Việt Nam lên Campuchia và ngược lại. Hằng ngày có 4 - 5 tàu từ Campuchia về Việt Nam.

"Khi tàu vừa về tới khu vực cửa khẩu, thủy thủ người Campuchia được đưa về nước, sau đó lực lượng kiểm dịch sẽ lên phun xịt toàn bộ tàu và đo thân nhiệt thủy thủ người Việt Nam lên thay thế để điều khiển tàu về nước.

Còn các đường mòn được chúng tôi tuần tra đêm liên tục, đảm bảo không cho người nhập cảnh trái phép vào biên giới để phòng chống dịch COVID-19" - trung tá Thắng nói.

SƠN LÂM - BỬU ĐẤU

Không cho COVID-19 Không cho COVID-19 'phá bĩnh'

TTO - Không cần đến cuối năm, những ngày qua, ngay lúc này và còn nhiều ngày tới, COVID-19 vẫn tìm cách chen vào cộng đồng.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên