02/02/2020 14:41 GMT+7

Cộng đồng khoa học mở toang kho dữ liệu, chung tay chống virus corona

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Khi câu chuyện về virus corona kết thúc, cuộc chiến đấu của cộng đồng khoa học chống lại dịch bệnh này có thể trở thành khuôn mẫu cho một giấc mơ về sự mở cửa về tri thức khoa học, nơi dữ liệu nghiên cứu được chia sẻ miễn phí vì mục tiêu chung.

Cộng đồng khoa học mở toang kho dữ liệu, chung tay chống virus corona - Ảnh 1.

Nhân viên y tế ở Vũ Hán đang chạy đua với thời gian để chữa trị cho bệnh nhân - Ảnh: REUTERS

Bệnh nhân đầu tiên của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona là một tiểu thương 49 tuổi ở chợ hải sản nhập viện tháng 12-2019 do ho, sốt. Tiếp theo là một người người đàn ông 61 tuổi. Người phụ nữ khỏi bệnh nhưng người đàn ông qua đời.

Dịch tiết từ sâu trong phổi của hai bệnh nhân được một nhóm các nhà khoa học từ Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc thu thập và cẩn thận bảo quản trong cốc vô trùng để bắt đầu quá trình cô lập loại virus chưa biết tên này vào thời điểm đó.

Trong vài ngày, các nhà khoa học và nhiều người khác đã giải mã được chuỗi gen của virus - chìa khóa quan trọng để chẩn đoán và điều trị bệnh. Họ đã lập tức công bố chuỗi gen này với các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới.

Sự hợp tác sớm này cho phép các bác sĩ và giới nghiên cứu ở nhiều nước khác sẵn sàng hơn khi có trường hợp dịch bệnh xảy ra bên ngoài Trung Quốc.

Cộng đồng khoa học mở toang kho dữ liệu, chung tay chống virus corona - Ảnh 2.

Trung Quốc tiếp tục tăng cường các nỗ lực để khống chế sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra - Ảnh: Globaltimes.cn

Nhà sinh vật học về sự tiến hoá Trevor Bedford, đại học Washington ở Seattle, Mỹ đã dựa trên những cơ sở dữ liệu được công bố công khai về bộ gen virus để kết luận virus corona mới đã phát triển một bước nhảy vọt là có thể lây từ động vật sang người vào thời điểm giữa tháng 11-2019, một ước tính chính xác đáng kinh ngạc giúp các nhà khoa học và các nhà quản lý biết được virus đã lây nhiễm cho con người trong bao lâu.

Ông Bedford cho biết, khi phân tích chuỗi gen của virus corona, ông nhận thấy có rất ít sự đa dạng về gen. Số lượng đột biến thấp cho thấy virus này là mới ở người. Ngoài ra, chuỗi gen còn giúp khẳng định virus dễ lây lan từ người sang người.

Việc công bố chuỗi gen của virus mới giúp cộng đồng khoa học có thể phát triển các phương pháp chẩn đoán để chẩn đoán cho bệnh nhân ở các nước khác.

Theo bà Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm của Tổ chức y tế thế giới (WHO), dữ liệu gen cho phép một số nhóm nghiên cứu nhanh chóng xác định mục tiêu là các nguồn lây động vật, bằng cách sử dụng dữ liệu di truyền của virus này đối chiếu với loài dơi móng ngựa Trung Quốc.

Chỉ ba tuần sau khi chuỗi gen virus đầu tiên được công bố, hơn 42 bộ gen khác nhau của virus cũng đã được công bố trên cơ sở dữ liệu Nextstrain và cơ sở dữ liệu về gen virus này tiếp tục tăng trưởng do các nhà khoa học khắp thế giới công bố các bộ gen của virus khi chẩn đoán bệnh nhân.

Dữ liệu mở này giúp nhà khoa học Bedford giám sát sự đột biến của virus trong thời gian thực, xác định cách chúng ta bị nhiễm virus và trường hợp nào có liên hệ với nhau. Nó cũng cung cấp dữ liệu quan trọng cho phép các nhà khoa học ước tính quy mô của dịch.

Nhiều nhóm nghiên cứu đã dựa trên dự liệu về gen để phát triển dụng cụ kiểm tra nhanh (test nhanh) và thuốc kháng virus. Hiện nay đang có ít nhất 5 nhóm đang nghiên cứu chế tạo văcxin.

"Việc công bố chuỗi gen đầy đủ của virus mới cho cộng đồng để nghiên cứu các phương pháp chẩn đoán, hỗ trợ chẩn đoán bệnh nhân ở các nước khác là điều chưa từng có tiền lệ", bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia của WHO ghi nhận.

Ngày 28-1, các nhà khoa học Úc là nhóm nghiên cứu đầu tiên ở ngoài Trung Quốc đã tái tạo thành công virus corona và họ chia sẻ thành quả này với cộng đồng khoa học toàn thế giới.

Cộng đồng khoa học mở toang kho dữ liệu, chung tay chống virus corona - Ảnh 3.

Các nhà khoa học của Viện nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty của Melbourne đã phát triển thành công một phiên bản của virus corona trong phòng thí nghiệm - Ảnh: Viện Peter Doherty

Ngoài ra, các tác giả các nghiên cứu cho phép các tạp chí khoa học và y học, như tạp chí y khoa New England Journal of Medicine gửi nghiên cứu sắp công bố của họ cho WHO. Nhờ đó, WHO có thể biết về những diễn biến mới nhất ở Trung Quốc.

Ngày 31-1, 67 tổ chức nghiên cứu hàng đầu và các các nhà xuất bản tạp chí khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã công bố thỏa thuận công bố miễn phí các nghiên cứu về virus corona.

Theo nhà nghiên cứu Bedford, bầu không khí chia sẻ dữ liệu và kiến thức như trên là "điều bất thường" trong giới nghiên cứu: "Thông thường, các nhà khoa học không công bố nhiều với bên ngoài. Họ chỉ thực sự nói về khi nó đã được xuất bản. Nhưng tình huống đang bị đảo ngược, mọi người hoàn toàn cởi mở về những gì họ biết".

Úc tái tạo thành công virus corona mới trong phòng thí nghiệm Úc tái tạo thành công virus corona mới trong phòng thí nghiệm

TTO - Việc Úc tái tạo thành công mẫu virus corona mới (2019-nCoV) được kỳ vọng sẽ góp phần chống lại dịch bệnh nguy hiểm đang lây lan toàn cầu này.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên