16/05/2019 10:43 GMT+7

Công binh Việt Nam với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Bốn năm nay, đội công binh được tuyển chọn đi Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đã trải qua nhiều khóa huấn luyện và được kiểm tra bởi các chuyên gia Liên Hiệp Quốc.

Công binh Việt Nam với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình - Ảnh 1.

Đại diện Phòng công binh Phái bộ Nam Sudan đã đến Việt Nam kiểm tra thực tế trình độ, kỹ năng của đội công binh nước ta - Ảnh: THÀNH NGUYỄN

Theo kế hoạch, cuối năm nay đội công binh đầu tiên của Việt Nam sẽ lên đường sang Nam Sudan. Các thành viên trong đội cho biết họ rất tự tin và hào hứng chờ nhận lệnh lên đường.

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc nói người dân Nam Sudan rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thượng tá LƯU QUANG LÂM

Chỉ chờ lệnh lên đường

Trong đội, trung tá Bùi Văn Cán là người lớn tuổi nhất: 51 tuổi, phụ trách lực lượng quân y của đội khi sang Nam Sudan làm nhiệm vụ. Trẻ nhất là một lái xe kiêm thợ sửa chữa, mới 23 tuổi. Vị trí đội trưởng được giao cho thượng tá Lưu Quang Lâm, 39 tuổi, một sĩ quan chỉ huy dày dạn kinh nghiệm.

"Gần đây nhất chúng tôi vừa được huấn luyện tiền triển khai trong ba tháng. Còn các đợt khác trong năm thì các nước như Anh, Úc, Pháp, Nhật, Hàn... sang trao đổi chuyên môn, huấn luyện về rà phá bom mìn theo tiêu chuẩn quốc tế" - thượng tá Lâm cho biết.

Anh khẳng định đến thời điểm này, kiến thức chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan được trang bị đầy đủ. Riêng kiến thức về bảo vệ thường dân, các quy tắc ứng xử với dân thường, cách xử trí tình huống có thể gặp trong phái bộ, các quy tắc an toàn đã được chuyên gia sang Việt Nam huấn luyện.

Là người phụ trách về quân y cho toàn đội, trung tá Bùi Văn Cán thông tin phân đội quân y đã được học tiền triển khai rồi nhưng hằng tháng vẫn đi học tiếp trên Cục Gìn giữ hòa bình do chuyên gia Mỹ dạy. 

"Chúng tôi học về tất cả quy trình cấp cứu chuẩn quốc tế, những tình huống cấp cứu như xử trí các vết thương bom mìn theo tình huống nạn nhân trong bãi mìn, quân y phải đến cấp cứu" - trung tá nói. Phân đội quân y gồm 12 người (toàn nam) có nhiệm vụ chính là sơ cứu, cấp cứu, phục vụ riêng đội công binh Việt Nam tại Nam Sudan và hỗ trợ dân thường.

Thượng úy Lê Huy Khánh, 29 tuổi, phân đội trưởng phân đội công binh, đã đi Nam Sudan ba tuần để khảo sát, bốn lần đi nước ngoài tập huấn, cho biết: "Mình được tham quan tác nghiệp của doanh trại các nước tại thực địa, nói chuyện với chỉ huy, phong cách làm việc của họ rất chuyên nghiệp, chuyên môn tốt nhưng trình độ lái xe, lái máy của mình cao hơn. Vì trang thiết bị của mình không tốt như họ mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Công binh Việt Nam đa năng

Với chín năm kinh nghiệm lái xe ở nhiều địa hình phức tạp, trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Quang Vịnh, 34 tuổi, một trong những lái xe của đội công binh sẽ đi Nam Sudan, mỉm cười nói: "Mình từng lái xe ở những địa hình rất khó khăn và nguy hiểm nên không lo lắng, tin rằng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Từ năm 2015, lực lượng lái xe đã có chứng chỉ đạt tiêu chuẩn của LHQ. Ở Nam Sudan, cả nước chỉ có 60km đường bêtông, còn lại hơn 90% đường đất. Địa hình đồi núi nhiều, đường sình lầy nên các xe hay bị sa lầy. Các lái xe đã được huấn luyện cách điều khiển xe ba cầu đi địa hình sình lầy, đồi núi, cách sử dụng tời và được chuyên gia LHQ kiểm tra các kỹ năng.

Trong gần 270 cán bộ, chiến sĩ công binh đi Nam Sudan thì lực lượng lái xe khá đông, chiếm 1/3. Điều đặc biệt là mỗi lái xe Việt Nam có thể làm 3-4 chuyên ngành khác nhau. Họ biết lái máy xúc, máy gạt và biết lái cả xe lu. Hiện nay việc khó khăn nhất là công tác bảo vệ để đảm bảo an toàn cho đội công binh khi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan.

"Mình làm nhiệm vụ cách khu vực an toàn có khi 60-70km, phải đi xa hàng tháng. LHQ đã đưa ra các phương án bảo vệ như sẽ có lực lượng bảo vệ vòng ngoài, khi đội công binh Việt Nam làm nhiệm vụ sẽ có 1-2 xe bọc thép bảo vệ" - thượng tá Lưu Quang Lâm cho hay.

Thượng tá Lưu Quang Lâm cho biết đội công binh được thành lập năm 2015 sau đợt tuyển chọn trong toàn binh chủng. Gần 270 thành viên được tuyển chọn là những người đạt các yếu tố về năng lực, sức khỏe, trình độ, lý lịch. Ngay sau khi được thành lập, đội công binh được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, ngoại ngữ, các kiến thức về gìn giữ hòa bình.

Đội công binh đã vượt qua nhiều đợt kiểm tra năng lực thực tế về kỹ năng xây công trình, làm đường, dò mìn... dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia LHQ. "Phòng công binh của Phái bộ Nam Sudan đã sang xem mình trình diễn làm đường, xây dựng và rà phá bom mìn.

Năm 2018, họ kiểm tra lần thứ hai về khả năng lái xe trên các địa hình rồi giao cho mình làm một đoạn đường, yêu cầu phải thực hiện các nội dung từ xúc, ủi, lái xe chở đất, san phẳng, làm đường xong đi thử. Họ khen lắm. Thời gian quy định 60 phút, mình làm trong 30 phút, lại còn rảnh. Các chuyên gia đánh giá cao vì mình làm trước thời gian họ đặt ra và làm rất đẹp" - thượng tá Lưu Quang Lâm bộc bạch.

Công binh - những người lính du mục Công binh - những người lính du mục

TTO - Công binh là những người lính "đi trước về sau”, công việc thầm lặng, gian khó, hiểm nguy: rà phá bom mìn, xây công trình phòng thủ, làm đường tuần tra biên giới, băng suối bắc cầu, ứng cứu thiên tai...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên