25/12/2018 11:09 GMT+7

Lính Việt Nam ở châu Phi: Tham gia gìn giữ hòa bình là bảo vệ Tổ quốc từ xa

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã được triển khai từ năm 1948. Nhưng tại sao phải đến 66 năm sau, năm 2014, Việt Nam mới bắt đầu cử sĩ quan tham gia?

Lính Việt Nam ở châu Phi: Tham gia gìn giữ hòa bình là bảo vệ Tổ quốc từ xa - Ảnh 1.

Đại tá Phụng làm việc với các đồng nghiệp quốc tế tại Cục GGHB Việt Nam - Ảnh: THỊNH TRẦN

Hoạt động gìn giữ hòa bình là một hình thức bảo vệ Tổ quốc từ xa

Đại tá HOÀNG KIM PHỤNG

Lý giải điều này, đại tá Hoàng Kim Phụng (cục trưởng Cục GGHB Việt Nam) cho biết: "Tháng 5-2014 Việt Nam mới chính thức cử hai sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động GGHB của LHQ nhưng từ năm 1993, Việt Nam bắt đầu đóng góp kinh phí cho hoạt động này.

Năm 2005, chúng ta đã cử các đoàn nghiên cứu, tham gia các khóa tập huấn quốc tế về GGHB để chuẩn bị triển khai lực lượng".

* Ông từng nói mỗi sĩ quan được cử đi sẽ là một sứ giả quảng bá hình ảnh con người, đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Vậy, để có thể trở thành sứ giả đặc biệt này và phù hợp với yêu cầu của LHQ, việc tuyển chọn con người tham gia hoạt động GGHB LHQ như thế nào, thưa ông?

- Đại tá Hoàng Kim Phụng: Đối với LHQ, yêu cầu đầu tiên để lựa chọn người là những quân nhân được đào tạo bài bản, có khả năng hoạt động độc lập cao và có trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp).

Vì lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ tại các phái bộ phải làm việc trong môi trường đa quốc gia.

Một yêu cầu nữa là độ tuổi của quân nhân không quá 54, có thể lực tốt, có kinh nghiệm, kiến thức quân sự giỏi và phải có khả năng thích ứng cao với môi trường khắc nghiệt như ở châu Phi.

Ngoài thể lực, thể chất ra thì họ phải có sức đề kháng tốt đối với các loại dịch bệnh.

Ở Việt Nam, chúng ta tuyển chọn sĩ quan để tham gia hoạt động GGHB LHQ từ nhiều đơn vị trong toàn quân: biên phòng, công binh, cảnh sát biển... Đối với các sĩ quan Việt Nam, năng lực chuyên môn phải đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của LHQ.

Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ của sĩ quan ta nói chung còn nhiều hạn chế nên việc tuyển chọn được người đáp ứng đầy đủ tiêu chí không dễ. Phải trăm người mới chọn được một, và một đó thật sự là những con người tinh hoa.

Lính Việt Nam ở châu Phi: Tham gia gìn giữ hòa bình là bảo vệ Tổ quốc từ xa - Ảnh 3.

Đại tá Hoàng Kim Phụng trả lời báo chí trong lễ ra mắt Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 ngày 13-12-2018 - Ảnh: THỊNH TRẦN

* Hơn bốn năm triển khai lực lượng tham gia GGHB LHQ tại Nam Sudan và Trung Phi, các sĩ quan Việt Nam đã gặp những khó khăn nào, thưa ông?

- Môi trường và tính chất của hoạt động GGHB LHQ hiện nay rất phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ cao và đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều lực lượng đa quốc gia trên nhiều lĩnh vực như quân sự, dân sự, cảnh sát, các tổ chức quốc tế...

Các phái bộ GGHB LHQ tại châu Phi thì luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh. Chẳng hạn như ở Nam Sudan, quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới hiện nay, khó khăn lớn nhất khi thực hiện nhiệm vụ tại đây là cơ sở vật chất rất kém, nguồn thực phẩm thiếu thốn, tình hình an ninh bất ổn.

Công việc của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam không tránh khỏi những điều đó. Đến nay ở hai phái bộ Nam Sudan và Trung Phi, Việt Nam đã cử sĩ quan tham gia các nhiệm vụ như sĩ quan liên lạc (hiện nay được gọi là quan sát viên quân sự), sĩ quan tham mưu trang bị, sĩ quan tham mưu về đào tạo và huấn luyện, sĩ quan phân tích thông tin.

Khi thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là khi tuần tra, hộ tống, sĩ quan liên lạc luôn được khuyến cáo thực hiện đúng quy tắc an toàn và luôn sẵn sàng đối phó với tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Thời tiết cũng là một trở ngại lớn.

Mùa mưa kéo dài bốn tháng tại Nam Sudan là thời điểm khó khăn nhất. Đường đi lầy lội, trơn trượt trong khi 90% các hoạt động mang tính cơ động như tuần tra, hộ tống, vận chuyển... của lực lượng mũ nồi xanh LHQ tại nước này được thực hiện bằng đường bộ.

Đó là lý do tại sao các sĩ quan tham gia hoạt động GGHB LHQ buộc phải biết lái xe.

* Đến nay, Cục GGHB Việt Nam đã cử 29 lượt sĩ quan tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân ở Nam Sudan lẫn Trung Phi và một bệnh viện dã chiến cấp 2 theo hình thức đơn vị tại Nam Sudan. LHQ đã đánh giá như thế nào về các sĩ quan Việt Nam tại hai phái bộ Nam Sudan và Trung Phi?

- Cho đến nay, tất cả sĩ quan Việt Nam tham gia hoạt động GGHB của LHQ đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được quân đội ta giao phó. Nhiều đồng chí đã được LHQ tặng thưởng Huân chương vì sự nghiệp GGHB của LHQ và được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen.

Ngày 22-5-2015, khi đến Việt Nam dự Hội nghị đánh giá kết quả một năm Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ, trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Việt Nam, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon có đoạn: "Tôi cúi đầu, nghiêng mình trước những sĩ quan Việt Nam vì đã đi một chặng đường dài tới tận Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi để giúp đỡ những người khốn khổ".

Lính Việt Nam ở châu Phi: Tham gia gìn giữ hòa bình là bảo vệ Tổ quốc từ xa - Ảnh 4.

Đại tá Phụng chụp hình lưu niệm với khách quốc tế tại Cục GGHB Việt Nam - Ảnh: THỊNH TRẦN

* Thưa đại tá, trong tương lai việc tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam sẽ có diện mạo mới như thế nào?

- Trong thời gian tới, Cục GGHB VN sẽ tập trung phát triển có hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc phòng ở lĩnh vực GGHB của LHQ, thu hút các nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực toàn diện của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chuẩn bị và triển khai lực lượng tham gia các hoạt động GGHB LHQ trong tương lai.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng triển khai thêm các suất cá nhân phù hợp khi LHQ đề nghị và chuẩn bị nhân sự thay thế cho các vị trí mà các sĩ quan Việt Nam đang triển khai sau khi kết thúc nhiệm kỳ, nhất là vị trí sĩ quan nữ.

Chúng ta cũng đang chuẩn bị mọi mặt để triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và Đội công binh trong thời gian tới theo đúng kế hoạch.

Dự kiến năm 2020 Việt Nam sẽ triển khai đội công binh tại Nam Sudan.

Ngoài ra, Việt Nam có thể sẽ triển khai thêm các lực lượng tham gia tại các phái bộ khác, chẳng hạn như tại Cộng hòa Mali. Chúng ta cũng đang chuẩn bị tốt cho các sĩ quan Việt Nam ứng thí vào làm việc tại các vị trí trong cơ quan thường trực tại trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ).

Cục GGHB Việt Nam sẽ được xây dựng phát triển một cách có quy mô, mang tầm cỡ khu vực và quốc tế; đủ năng lực để điều hành và chỉ huy lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ...

* Xin cảm ơn đại tá.

Nỗ lực của Việt Nam được LHQ ghi nhận

Thành công lớn nhất là những nỗ lực của chúng ta đã được LHQ ghi nhận và được bạn bè quốc tế biết đến. Hoạt động GGHB là một hình thức "bảo vệ Tổ quốc từ xa".

Với việc tích cực tham gia các hoạt động chung mang tính nhân đạo, quan chức LHQ và các nước hiểu hơn về tinh thần nhân văn, sự yêu chuộng hòa bình của Việt Nam.

Từ đó, họ có những phản hồi, tuyên bố ủng hộ Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền. Đó là kết quả tích cực mà hoạt động GGHB mang lại.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên