23/12/2018 13:41 GMT+7

Lính Việt Nam ở châu Phi - Kỳ 3: Những ngày nghẹt thở

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Cuộc đàm phán trên đường tuần tra diễn ra trong tình thế một bên chĩa súng vào đầu, một bên trong tay không một tấc sắt kéo dài 30 phút.

Lính Việt Nam ở châu Phi - Kỳ 3: Những ngày nghẹt thở - Ảnh 1.

Các sĩ quan GGHB LHQ cùng nhau đẩy xe khi sa lầy - Ảnh: TRƯƠNG TUẤN

Tháng 7-2016, hai sĩ quan Việt Nam là thiếu tá Trương Anh Tuấn và Nguyễn Đức Thắng kết thúc nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) tại Nam Sudan. Tuần cuối cùng trước khi hai anh trở về Việt Nam, một cuộc chiến ác liệt xảy ra ngay sát bên cơ quan đầu não của Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Nam Sudan.

Chứng kiến xung đột

"Cuối tháng 6-2016, cựu phó tổng thống đối lập Riek Machar trở về thủ đô Juba. Ngày 10-7-2016, trong lúc ông cùng Tổng thống Salva Kiir bàn thảo về việc thành lập chính phủ mới thì giao tranh nổ ra. Lính của tổng thống bị cáo buộc tấn công trụ sở của ông cựu phó tổng thống khiến ít nhất 150 binh sĩ thiệt mạng. Từ đấy bùng phát thành một đợt xung đột kéo dài trên diện rộng" - trung tá Trương Anh Tuấn kể.

Cuộc xung đột cực kỳ khốc liệt và xảy ra ngay đầu não Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ ở Juba rồi lan tới hai căn cứ của phái bộ là UN House và Tomping. Cả quân chính phủ và quân đối lập sử dụng cả vũ khí hạng nặng. 

Ngày 11-7, quân chính phủ và quân đối lập tấn công nhau đến tận cổng căn cứ UN House của lực lượng GGHB của LHQ. Một sĩ quan gìn giữ hòa bình người Trung Quốc thiệt mạng và sáu người khác bị thương khi chiếc xe bọc thép tuần tra bị trúng đạn pháo của hai bên! 

Tất cả phân khu khác của lực lượng Gìn giữ hòa bình đều nằm trong tình trạng khẩn cấp. Sở Chỉ huy phái bộ báo động. Thiếu tá Tuấn vừa làm xong thủ tục đăng ký rời khỏi Văn phòng phái bộ Malakal thì xung đột đã lan đến tận đây. Sân bay bị đóng cửa. Tất cả chuyến bay đều không thể cất cánh.

Văn phòng phái bộ LHQ ở Malakal nằm trong một khu vực có 3-4 lớp tường hào cao nên không thể nhìn ra bên ngoài. Ngồi ở trong căn cứ phái bộ, thiếu tá Trương Anh Tuấn nghe rõ tiếng súng bắn rát tai. 

Không khí trong phái bộ căng thẳng, nặng nề. Mọi người đưa ra các kịch bản và phương pháp xử lý nếu chiến sự có nổ ra ngay tại Malakal, tính toán phương án bảo vệ an toàn cho lực lượng, dừng lại tất cả các hoạt động đi ra bên ngoài tuần tra... 

Lúc đó văn phòng phái bộ như một phòng tình huống. Mọi người luôn ở trong chế độ trực chiến 24/24 giờ.

Lính Việt Nam ở châu Phi - Kỳ 3: Những ngày nghẹt thở - Ảnh 2.

Thiếu tá Trương Anh Tuấn cùng người dân Nam Sudan trong một chuyến đi tuần tra - Ảnh: NVCC

Chuyến tuần tra nghẹt thở

Trong một chuyến đi tuần tra dài ngày, thiếu tá Trương Anh Tuấn gặp một tình huống kịch tính có thể mất mạng. Đoàn đi năm xe, trong đó có xe chỉ huy chở hai sĩ quan liên lạc là Tuấn và một thiếu tá người Ethiopia. Theo kế hoạch, đoàn sẽ đi tuần tra ở Melut - khu vực sản xuất dầu mỏ. Tại khu vực này, quân chính phủ đang bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Khi đoàn tuần tra đang quay trở về Malakal thì bất ngờ hai chiếc xe chở đầy quân của chính phủ phóng vượt lên chặn đoàn xe lại. Viên thiếu úy chỉ huy yêu cầu thiếu tá Trương Anh Tuấn hạ cửa kính xe rồi cầm khẩu AK gí thẳng vào đầu anh, hằn học hỏi: "Ai cho phép các ông đi con đường này?". 

"Tôi nghĩ mình mà run thì toi, chả giải quyết được gì. Cậu thiếu tá Ethiopia bên cạnh tôi run như cầy sấy, mồ hôi ướt đẫm người. Tôi nghĩ mình đủ khả năng thương thuyết" - trung tá Tuấn nhớ lại. Rồi anh trình tất cả giấy tờ gồm kế hoạch tuần tra, dấu và chữ ký cho phép đi tuần tra của sư đoàn trưởng khu quân sự của lực lượng quân chính phủ.

Xem xong, viên thiếu úy gằn giọng nói: "Khu vực này rất quan trọng. Các ông không được phép đi con đường này. Về nguyên tắc, chúng tôi có thể bắt các ông!". Trung tá Trương Anh Tuấn trả lời: "Chúng tôi là người của LHQ. Về nguyên tắc, chúng tôi được phép đi bất cứ nơi nào vì đã có thỏa thuận của LHQ với chính phủ các anh. Chúng tôi sang đây giúp đất nước anh. Chúng ta chả có gì phải căng thẳng với nhau. Nếu anh không cho chúng tôi đi đường này thì chỉ cho chúng tôi đường khác".

Cuộc đàm phán trong tình thế một bên cứ chĩa súng vào đầu, một bên trong tay không có một tấc sắt kéo dài 30 phút đã kết thúc trong êm đẹp. "Nói không sợ không đúng đâu. Thật ra tôi sợ nhưng cố bình tĩnh mà xử lý" - thiếu tá Tuấn chia sẻ.

Cái chết của một sĩ quan gìn giữ hòa bình

Tháng 6-2017, trung tá Nguyễn Việt Hưng, 37 tuổi, được cử đi Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ. Ban đầu anh là sĩ quan liên lạc phục vụ ở phân khu nam, sau đó được điều động lên tổng hành dinh của phái bộ. Anh may mắn không gặp phải tình huống nguy hiểm nhưng các đồng nghiệp của anh thì có người không được vậy.

Đó là câu chuyện xảy ra ở Yei - một trong hai điểm nóng nhất hiện nay của Nam Sudan. Yei là một bang ở phân khu nam. Dù đã có thỏa thuận hòa bình giữa hai bên quân chính phủ và quân nổi dậy nhưng ở đó vẫn có tấn công vũ trang, xung đột. 

Trong một chuyến tuần tra, Phòng sĩ quan liên lạc phân khu nam cử lực lượng bảo vệ cùng hai sĩ quan liên lạc đi hộ tống một đoàn nhân viên dân sự của phái bộ đến Yei làm việc. Trước đó có thông tin ở Yei đang diễn ra xung đột nên đoàn này muốn đến đó để kiểm chứng độ xác thực của thông tin và mức độ thiệt hại, thương vong của hai bên.

Đoàn đi gồm năm chiếc xe, trong đó bốn chiếc được bọc thép. Khi cách căn cứ tạm thời của LHQ ở Yei khoảng 4km thì xảy ra chuyện. Khi tiến vào một khu vực khuất thì bị phục kích. Chiếc xe duy nhất không được bọc thép là xe chở sĩ quan liên lạc. 

Quân phục kích tập trung hỏa lực vào chiếc xe này khiến một sĩ quan người Bangladesh trúng đạn nhưng chưa hi sinh ngay. 

"Nguyên nhân chính dẫn đến tử vong là bị mất máu. Khi máy bay của LHQ hạ cánh để mang anh ấy về bệnh viện dã chiến ở Juba, quân địa phương không cho cất cánh. Phải mất ba tiếng đồng hồ cho thủ tục cất cánh. Đang trên đường bay về Juba, anh ấy hi sinh".

LHQ cũng bị gây khó

lính việt nam

Trung tá Nguyễn Việt Hưng và các đồng nghiệp quốc tế tại Phái bộ Nam Sudan - Ảnh: NVCC

Trung tá Nguyễn Việt Hưng cho biết: "Sự việc đã gây ra tâm lý nặng nề, ảnh hưởng đến tinh thần các sĩ quan liên lạc chúng tôi. Sau sự vụ đó, LHQ phải làm việc với hai bên quân chính phủ, quân nổi dậy để thống nhất: trong bất kỳ tình huống nào, riêng những trường hợp tải thương thì máy bay của LHQ phải được phép bay bất cứ lúc nào mà các lực lượng của hai bên không được gây khó dễ. LHQ yêu cầu phải trang bị xe bọc thép cho cả sĩ quan liên lạc khi làm việc ở Yei".

_______________________________

Kỳ tới: Người hai lần đến châu Phi

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên