17/04/2013 07:05 GMT+7

Công bằng thuế và tiếng nói của công chúng

THANH HƯƠNG
THANH HƯƠNG

TT - Tháng 4, mùa thuế, cũng là lúc báo chí quốc tế lại dậy lên những câu chuyện về vấn nạn gian lận thuế.

Lãnh đạo các nước, như Tổng thống Pháp François Hollande, vừa tuyên bố sẽ mạnh tay với những “thiên đường trốn thuế” và buộc các ngân hàng và công ty lớn công khai hoạt động ở nước ngoài, các đạo luật về kê khai và giám sát tài sản...

Nhưng điều đó cũng không làm giảm bớt sự giận dữ của công chúng khi tổ chức Liên hiệp Phóng viên điều tra quốc tế công bố những thông tin chấn động về hoạt động trốn thuế và chuyển giá, trong đó có ít nhất 32.000 tỉ USD trốn thuế từ 170 nước, số tiền lớn bằng GDP của cả Mỹ và Nhật Bản cộng lại. Dân chúng giận dữ bởi khi kinh tế khủng hoảng, các chính phủ thường xuyên cắt giảm ngân sách và người lao động phải thắt lưng buộc bụng để đóng thuế, thì giới nhà giàu lại ung dung hưởng lợi.

Tại Việt Nam, dường như câu chuyện cũng không khác mấy. Các thông tin cho thấy hàng chục ngàn công ty đã phải ngưng hoạt động, giải thể, phá sản do tình hình kinh tế khó khăn. Các chuyên gia kinh tế và giới truyền thông đang ráo riết vận động cho chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%, và giảm thuế thu nhập cá nhân để kích cầu tiêu dùng. Thế nhưng, bên cạnh đó là thông tin về nghi vấn chuyển giá và trốn thuế của hàng loạt tập đoàn đa quốc gia, hay nghi vấn gian lận thuế của các “sao” là ca sĩ, nghệ sĩ có thu nhập lớn nhiều năm qua nay cũng được xới lên.

Có khác chăng là dường như cơ quan thuế của các nước chưa từng chùn tay trước một nhân vật cỡ lớn nào (bộ trưởng nước Pháp vừa phải từ chức vì hành vi gian lận thuế thu nhập cá nhân), hoặc diễn viên đoạt giải Oscar hay nghệ sĩ danh tiếng cỡ nào.

Trong khi đó, ở nước ta, như lời của một chủ doanh nghiệp, chuyện trốn thuế của doanh nghiệp cả trong nước lẫn đầu tư nước ngoài được nhắc đến trên mặt báo chỉ là phần nổi của một tảng băng ngầm, và chắc chắn có sự tiếp tay của một bộ phận nhân viên ngành thuế. Đây là chuyện nhiều người biết nhưng không ai nói ra, bởi ai cũng có lợi: doanh nghiệp trốn được thuế, nhân viên thuế vụ được chia chác phần trốn thuế. Chỉ có đất nước là nghèo đi, người dân và các doanh nghiệp đóng thuế chân chính phải mang thêm gánh nặng đó.

Cái khác biệt nữa, giữa câu chuyện trốn thuế trong nước và quốc tế, chính là áp lực của công chúng. Nếu như hàng loạt “sao” của Hàn Quốc, Pháp, Mỹ... bị công chúng tẩy chay và mất hàng loạt hợp đồng quảng cáo vì bị phát hiện trốn/gian lận thuế, thì trên những trang web của nhiều câu lạc bộ fan của các sao Việt đồng thanh “chửi” những bài báo phanh phui nghi vấn trốn thuế của “thần tượng” của họ.

Nếu việc rủ nhau tẩy chay các thương hiệu như Starbucks, Amazon... vì trốn thuế là chuyện thường của người tiêu dùng các nước, thì ở Việt Nam, doanh nghiệp trốn thuế dường như là chuyện của ngành thuế, không phải là chuyện của thường dân. Dường như Việt Nam cũng là một “thiên đường trốn thuế” theo nghĩa môi trường pháp lý đã lỏng lẻo, vẫn chưa có một môi trường áp lực đạo đức và danh dự, vốn là lá chắn hành vi trốn thuế hữu hiệu trước cả pháp luật đối với những ai, những doanh nghiệp nào không muốn hủy hoại thương hiệu và danh tiếng của mình.

Đã có tiếng nói phản bác rằng bởi vì tiền thuế ở Việt Nam chưa được sử dụng hợp lý nên người đóng thuế không tha thiết với thuế cũng là chuyện thông cảm được. Họ viện dẫn những chương trình đầu tư công, chi tiêu công thiếu hiệu quả để biện minh cho việc “trốn thuế là dễ hiểu”. Thế nhưng, hãy nhớ rằng chỉ có những người phải đóng thuế trung thực và công bằng mới thật sự quan tâm rốt ráo tới việc giám sát sử dụng ngân sách và tiền thuế của Chính phủ, mới kiên quyết đấu tranh chống lại tham nhũng cả trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của công dân lẫn trong đầu tư và chi tiêu công.

THANH HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên