05/01/2012 02:01 GMT+7

Công an mặc thường phục còng tay dân?

S.BÌNH
S.BÌNH

TT - Bạn đọc tên Nhật báo tin em gái anh là Trần Thị Ngọc Hiền, 16 tuổi, ngụ P.Tân Thành, Q.Tân Phú (TP.HCM) đang buôn bán thì bị hai người mặc thường phục đến hốt đồ vì cho rằng Hiền lấn chiếm lòng lề đường.

Do Hiền không biết hai người này là công an nên phản ứng và bị còng tay đưa về Công an P.Tân Thành. Anh Nhật thắc mắc trong trường hợp này công an đúng hay sai?

Theo Trần Thị Ngọc Hiền, khoảng 16g30 ngày 3-1 có bán đồ trên vỉa hè tại ngã ba Âu Cơ - Nguyễn Hồng Đào, P.Tân Thành.

Khi thấy hai thanh niên mặc thường phục đến hốt đồ, Hiền có chửi bới, chống cự và bị hai người này còng tay khống chế, sau đó xe của Công an P.Tân Thành đến chở về trụ sở.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tá Hồ Viết Tuấn - trưởng Công an P.Tân Thành - xác nhận sự việc như trên và cho biết công an phường không sai. Theo ông Tuấn, nạn lấn chiếm lòng lề đường buôn bán bát nháo xảy ra nhiều nơi trên địa bàn phường.

Trước đây, khi công an tuần tra đến những địa điểm người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường thì nhiều người gom đồ chạy ra đường rất nguy hiểm và đã có trường hợp xảy ra tai nạn.

Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng người dân không chịu tuân thủ pháp luật nên công an phường phải quyết liệt hơn nhưng đảm bảo an toàn bằng cách cho công an, dân phòng mặc thường phục xuống trước. Khi xe tuần tra của công an phường sắp đến thì những người mặc thường phục sẽ xưng là công an để hỗ trợ bắt quả tang xử lý sai phạm.

Cách làm này công an phường đã tham khảo một số phường khác trên địa bàn và trước khi triển khai thực hiện có báo cáo với Công an Q.Tân Phú và được công an quận đồng ý mới làm.

Riêng trường hợp của Trần Thị Ngọc Hiền và bà Nguyễn Thị Hồng Thảo (mẹ Hiền), công an phường nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn cứ buôn bán sai phạm.

Phải xem lại cách làm

Dù với mục đích nào thì những người đại diện cho các cơ quan công quyền cũng đều phải làm đúng pháp luật. Khi thi hành công vụ, họ buộc phải mặc sắc phục để người dân dễ dàng phân biệt với những người bình thường khác. Sắc phục đó chính là điều kiện để họ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao và người dân có nghĩa vụ tuân thủ, chấp hành. Ngược lại, nếu mặc thường phục thì họ không được phép thực hiện các hành vi quyền lực của mình.

Như trong trường hợp này, những công an mặc thường phục không được quyền xử lý hành vi buôn bán lấn chiếm lòng lề đường thông qua việc thu gom hàng hóa của đối tượng. Và càng không được còng tay người vi phạm.

Theo tôi, Công an P.Tân Thành cần xem lại cách làm trên.

S.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên