30/07/2023 09:16 GMT+7

Con trai đậu thủ khoa, người mẹ nhặt rác lần đầu được tặng hoa

'Thấy mọi người gọi tới bảo cháu đậu thủ khoa gì đó thì thiệt bụng tui cũng mừng nhưng hỏi mãi mới hiểu thủ khoa nó là gì', mẹ thủ khoa Phan Văn Trường tâm sự.

Trường cùng ba mẹ tại xưởng phân loại rác

Trường cùng ba mẹ tại xưởng phân loại rác

Ít lâu nữa Phan Văn Trường (đường Hoàng Văn Thái, Đà Nẵng) sẽ bắt đầu quãng đời sinh viên đại học. Với điểm thi gồm toán 9,8; vật lý và hóa học đều 9,75, Trường trở thành thủ khoa khối A toàn Đà Nẵng và là á khoa của khối trên toàn quốc.

Cha phụ hồ, mẹ phân loại rác

Bà Nguyễn Thị Bích Thu, mẹ của Trường, làm nghề nhặt rác và không rành đọc, viết chữ được chữ mất. Chồng bà Thu là ông Phan Văn Quy làm nghề phụ hồ.

Từ khi biết tin con trai bà Thu đậu ĐH Bách khoa Đà Nẵng và đạt điểm vị trí thủ khoa khối của thành phố, không khí ở xưởng phân loại rác nằm dưới chân quả đồi ở quanh bãi rác rôm rả hơn.

Chúng tôi gặp bà Thu trong xưởng rác nóng hầm hập, tối bưng. Người phụ nữ này cùng mấy chị em cùng hoàn cảnh trong mớ nhôm nhựa, rác thải từ sáng tới tối để kiếm những đồng bạc lẻ.

"Mỗi ngày tui kiếm được chừng 200.000 đồng. Cứ quần quật từ sáng tới tối ở bãi rác này khuya về mới thấy mặt con. Thấy mọi người gọi tới bảo cháu đậu thủ khoa gì đó thì thiệt bụng tui cũng mừng nhưng hỏi mãi mới hiểu thủ khoa nó là gì" - bà Thu nói.

Nhà bà Thu nằm sâu trong con hẻm cạnh bãi rác. Đó là ngôi nhà cấp 4 vừa được sửa sang, tường được lát gạch tinh tươm. Ông Quy - cha của Trường - ái ngại khi đón người lạ vào thăm.

Ông bảo rằng không nghĩ con mình là thủ khoa. Hai vợ chồng biết con học tốt, chỉ có Trường cho nên dành hết sức vun vén. Cả hai xác định rằng qua lớp 12 thì Trường vào đại học như bao học trò khác, không ngờ con ông đem đến niềm vinh dự quá lớn cho cha mẹ.

"Bữa đó tui đang lụi cụi xách hồ ở công trường xây dựng bên cạnh ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Thấy điện thoại cứ đổ chuông liên tục, nghĩ rằng họ gọi mời mua hàng, rồi cuộc gọi lừa đảo nên tui không nghe.

Tới lúc mệt quả vô bóng râm nghỉ uống nước rồi nhờ anh bạn mở máy coi tin nhắn hộ thì họ reo lên bảo rằng người ta bảo con tui đậu thủ khoa" - ông Quy kể.

Người đàn ông dáng vẻ khắc khổ, mặt hiền khô có cậu con đậu thủ khoa này giải thích việc ông không xem được tin nhắn: "Hồi nhỏ cha mẹ tui khổ quá. Nhà đông anh em nên tui học giữa lớp 3 thì bỏ. Mấy chục năm nay đi làm tiền thì biết đếm nhưng chữ thì đọc lõm bõm, dịch chậm như trẻ con mới lớp vỡ lòng".

Ông nội của Trường là ông Phan Văn Thanh cũng bảo rằng vợ của ông Quy cũng không biết chữ. "Chữ thì không hẳn là không biết nhưng nói thật là không đọc được, chỉ biết viết sơ sơ thôi" - ông Thanh nói.

Phan Văn Trường - Ảnh: B.D.

Phan Văn Trường - Ảnh: B.D.

Niềm vui của cả gia đình

Khi chúng tôi nói muốn chụp một tấm ảnh nơi bà Thu làm việc trong bãi rác, Trường bảo rằng "từ nhỏ tới giờ mẹ xấu hổ nên không thích chụp ảnh". Nghe vậy, ông Quy nói: "Mẹ Thu giờ thích chụp ảnh rồi. Mấy chị em chỗ nhặt rác cứ khen là sao khổ cực mà con giỏi thế nên mẹ cũng mừng. Một số người ở đó bảo chụp mấy chị em một tấm vì Thu có con đậu đại học nên mẹ cũng đồng ý chụp".

Trường và ông Quy dẫn chúng tôi ra bãi rác. Hai ông bà đứng hai bên cậu con trai duy nhất để "lần đầu tiên chụp chung của cả nhà". Ông Quy nói hai vợ chồng ông quần quật quanh năm nuôi con, vì không biết chữ nên không hướng dẫn cho Trường được. Mấy chục năm làm lụng, cuộc sống hai vợ chồng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Miếng đất cất căn nhà cấp 4 nằm sâu trong hẻm cũng được cha mẹ cho rồi dựng lên mấy hàng gạch, quây tôn để ở.

Mới đây khi thấy Trường đã lớn, cần có phòng riêng, đỡ tủi thân khi đón thầy cô, bạn bè vào thăm thì ông Quy tự mua gạch men, sơn về hì hục tự sửa lại nhà cho tươm tất. "Tui tính làm 70 triệu đồng thôi vì mình có 50 triệu, còn lại thì vay. Nhưng làm xong hoàn chỉnh hết 150 triệu. Thôi ráng vay người chút, người chút cho tươm tất cái nhà, nợ nần mình trả dần" - ông nói.

Trường nói rằng dù cha mẹ vất vả, công việc không ổn định nhưng cậu không bao giờ cảm thấy thiếu thốn hay thua thiệt bạn bè.

"Cháu cũng không để ý nhiều đến vật chất. Cha mẹ yêu thương và lo cho cháu ăn học đầy đủ là quá may mắn rồi. Giờ vào đại học cháu hiểu càng áp lực hơn, nhưng dẫu sao vẫn may mắn hơn nhiều bạn bè" - Trường nói.

Từ năm lớp 10 Trường đã xác định sẽ theo ngành công nghệ thông tin và nay đã toại nguyện vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).

Lần đầu tiên mẹ được tặng hoa

Bó hoa của Phan Văn Trường dành tặng mẹ - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Bó hoa của Phan Văn Trường dành tặng mẹ - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Trong góc nhà của Trường có một bó hoa tươi đang được cắm trong chiếc ca nhựa đựng nước. Trường cho hay đó là bó hoa mà cậu được UBND quận Liên Chiểu tặng kèm bằng khen, tiền thưởng vinh danh hôm quận tuyên dương học sinh đạt thành tích cao.

Cầm bó hoa này về tới nhà, Trường tặng mẹ. Đó là bó hoa tươi đầu tiên mà người nhặt đồng nát như bà được tặng, với hạnh phúc dâng đầy.

Giải nhất học sinh giỏi môn hóa TP Đà Nẵng

Cô Trương Thị Kim Loan - chủ nhiệm lớp 12/8 Trường THPT Nguyễn Trãi, lớp Trường học - cho biết thành tích của Trường là điều thầy cô ở trường đoán được. Không chỉ học tốt ba môn toán, lý, hóa mà các môn học khác Trường đều làm hài lòng các giáo viên phụ trách.

"Em học rất tốt, từng đạt giải nhất môn hóa học kỳ thi học sinh giỏi của Đà Nẵng. Có được kết quả như vậy là nhờ nỗ lực tự học, cùng phương pháp dạy hợp lý của các thầy cô. Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn, kết quả của Trường thực sự đáng để các học sinh phải nhìn vào" - cô Loan nói.

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Nữ sinh 2 điểm 10 thi tốt nghiệp: "Chọn học gần nhà để phụ mẹ chăm em"Nữ sinh 2 điểm 10 thi tốt nghiệp: 'Chọn học gần nhà để phụ mẹ chăm em'

'Em thích học ngành luật nhưng chọn sư phạm để bớt gánh nặng học phí cho mẹ, vừa có thể ở gần nhà phụ mẹ chăm các em', nữ sinh Hồ Thị Thùy Nga tâm sự.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên