23/11/2019 14:01 GMT+7

Con rất sợ bố hỏi 'lớp có đứa nào được điểm 9, điểm 10 không'

HẠNH LINH
HẠNH LINH

TTO - Bố bảo đã là con của bố thì phải giỏi, đừng làm nhục mặt bố mẹ với người ngoài. Mỗi bữa cơm bố hay hỏi 'Bài kiểm tra toán được mấy điểm? Lớp có đứa nào được điểm 9, điểm 10 không?'...

Con rất sợ bố hỏi lớp có đứa nào được điểm 9, điểm 10 không - Ảnh 1.

Minh họa: Sà Và Ná


Những áp lực của bố đã thui chột đi những ước mơ nhỏ nhoi nhất của tôi, khiến tôi không có nổi một ước mơ của riêng mình"

Hạnh Linh

Trong mỗi bữa cơm, bố cứ nhắc đến con nhà này học giỏi thế nào, con nhà kia bị "rèn" ra sao? Nói chung là bố muốn chúng tôi nhìn vào để noi gương và không được thua. Có lẽ cuối mỗi năm học, áp lực đối với tôi sẽ nhiều hơn, nhất là năm nay tôi chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia…

Tôi cảm thấy mệt mỏi nhỡ may kết quả học tập của mỗi học kỳ không được như ý của bố. Bố bảo đã là con của bố thì phải giỏi, đừng làm nhục mặt bố mẹ với người ngoài. Tất nhiên, "bài ca đậu thì học, trượt thì ở nhà" của bố cứ liên miên từ năm này sang năm khác như thế, ngay từ khi tôi còn học cấp 2.

Mỗi lần tôi bị điểm thấp thôi, bố sẽ so sánh. Bố sợ tôi thua kém bạn bè nên lại chê tôi "ăn hại". Thế nên mỗi ngày trôi qua, tôi chỉ biết học sao để mai này thi đỗ đại học.

Không phải tôi cố gắng thi đỗ để được theo đuổi ước mơ. Quan trọng là tôi muốn thoát khỏi "xiềng xích" của bố. Tôi muốn bay bổng, muốn được học theo cách của mình, muốn được sống cho mình chứ không phải những bài giảng phải thế này, thế khác của bố. 

Tôi cũng muốn mỗi bữa cơm không còn bị tra tấn bởi lời của bố: "Bao giờ thi 1 tiết?", "nay có kiểm tra 15 phút không?", "hôm nay có phải lên bảng kiểm tra bài cũ không?", "bài kiểm tra toán hôm kia được mấy điểm? Trong lớp có đứa nào được điểm 9, điểm 10 không?"…

Hôm qua đi học về, bố lại nói: "Lớp 12 rồi, thi đến nơi nên ráng ôn thi rồi đỗ nha con". Đôi khi tôi phải chuẩn bị trước câu trả lời để đối phó với bố. Bố toàn nói rằng bố phải khắt khe, phải khích như vậy để tôi cố gắng học vượt mặt bạn bè. Thế nhưng cái tôi nhận được chỉ là nỗi bức bối và áp lực. 

Nhiều khi tôi không sao tập trung vào bài vở được. Không hiếm bữa tôi sợ về nhà sau tan trường lại phải "trả bài" cho những câu hỏi khó của bố. Bố bảo phải cho tôi vào khuôn khổ thì mới nên người được.

Áp lực của tôi là cố gắng đỗ đại học để được tự do. Sắp sửa bước vào kỳ thi quan trọng của đời học sinh, tôi càng lo lắng hơn vì số lần bố nhắc đến nhiệm vụ phải đỗ càng tăng lên. Bố bảo tôi phải làm bố mẹ nở mày nở mặt với xóm giềng, họ hàng. 

Tôi biết mong muốn của bố không sai, tôi cũng không giận bố nhưng vẫn bất mãn với cách "rèn" của bố, tôi khao khát tự do. Những áp lực của bố đã thui chột đi những ước mơ nhỏ nhoi nhất của tôi, khiến tôi không có nổi một ước mơ của riêng mình.

Ở trên lớp tôi không sao tập trung vào bài được. Tôi hay nhìn ra ngoài sân trường và cảm thấy buồn, trống rỗng vì không thể vượt qua được chính mình. Tôi sợ mỗi buổi đi học về phải trả lời những câu hỏi của bố. 

Càng gần đến kỳ thi, tôi càng căng thẳng với suy nghĩ: "Liệu mình có đáp ứng được những kỳ vọng của bố?". 

Đến bao giờ bố mới cho tôi được học, được thi, được đi theo ước mơ của mình? Tôi phải làm sao?

Mẹ có biết con đã phải đánh đổi gì để lấy điểm 9, 10 cho mẹ? Mẹ có biết con đã phải đánh đổi gì để lấy điểm 9, 10 cho mẹ?

TTO - Tâm sự của một đứa con ra sức học 'cho mẹ vui' ngay trước thời điểm kết thúc năm học 2017-2018 khiến người đọc xót xa.

HẠNH LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên