09/04/2019 09:49 GMT+7

Con mèo Brexit của bà Bộ trưởng Loiseau

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Ngày 10-4, chưa đầy 20 ngày sau cuộc họp lần trước, nguyên thủ của các nước Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa phải họp khẩn cấp lại ở Brussels (Bỉ) để ra quyết định về vấn đề Brexit.

Con mèo Brexit của bà Bộ trưởng Loiseau - Ảnh 1.

Bà Nathalie Loiseau mỉa mia sự bế tắc của Brexit thông qua việc đặt tên con mèo của mình là Brexit - Ảnh: AFP

Sự bế tắc của việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) có thể gói gọn trong câu chuyện liên quan đến con mèo của bà bộ trưởng phụ trách châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau.

Trong trả lời phỏng vấn cho tờ Journal du Dimanche, bà Loiseau cho biết bà đặt tên con mèo của mình là Brexit và lý do là "con mèo đó mỗi sáng kêu gào ầm ĩ vì muốn ra ngoài nhà, nhưng khi tôi dậy mở cửa thì nó lại lưỡng lự, chần chừ không chịu đi ra và khi tôi tống nó ra ngoài thì nó quay lại nhìn tôi đầy oán giận".

Nước Anh chia rẽ

Trong lịch sử hiện đại của nước Anh, hiếm có vấn đề nào gây chia rẽ như vấn đề Brexit. Khi được hỏi liệu có muốn tiếp tục ở lại hay rút ra khỏi EU, nhiều cử tri Anh đã không nghĩ ngợi nhiều về những tác động của Brexit khi họ đặt bút viết đồng ý hay không đồng ý vào tờ phiếu trưng cầu ý dân.

Ngày nay nhiều người dân Anh đổ lỗi cho Chính phủ Anh đã không cho họ biết rõ về việc Brexit sẽ tác động đến họ như thế nào trước khi viết vào tờ phiếu trưng cầu ý dân. Sự chia rẽ trong xã hội và chính giới Anh ngày càng rõ hơn khi thời hạn Brexit đang đến cận kề.

Ngày 23-3, hơn 1 triệu người Anh đã xuống đường ở thủ đô London trong một cuộc tuần hành được coi là lớn nhất trong hơn 10 năm trở lại đây kể từ sau cuộc tuần hành phản đối chiến tranh Iraq.

Dưới khẩu hiệu "Hãy để người dân quyết định", những người tuần hành kêu gọi tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân khác về việc ra khỏi EU. Sự vui buồn, chia rẽ của việc Anh rời khỏi EU cũng có thể thấy rõ trong phản ứng của từng người dân với việc Chính phủ Anh từ ngày 1-4 đã quyết định bỏ cụm từ "Liên minh châu Âu" trên hộ chiếu của công dân Anh, một điều khiến nhiều người thích nhưng cũng làm không ít người bất bình.

Còn đối với giới chính trị tinh hoa của Anh, chưa bao giờ sự chia rẽ giữa các đảng và ngay trong nội bộ đảng lại bộc lộ rõ như vậy.

Chỉ trong vòng 2 tháng, Hạ viện Anh đã 3 lần bỏ phiếu bác dự thảo thỏa thuận về Brexit giữa Anh và EU (trong đó có nhiều nghị sĩ Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng May). Điều duy nhất mà các nghị sĩ Anh nhất trí được với nhau là đề nghị kéo dài thời hạn Anh rút ra khỏi EU.

Một EU bất lực

Trước cách thức Anh xử lý vấn đề Brexit, các lãnh đạo EU dù ít hay nhiều cũng đều tỏ rõ sự không hài lòng, dù có lập trường ôn hòa như Thủ tướng Đức Merkel hay cứng rắn hơn như Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez... Sự không hài lòng này thể hiện rõ trong cuộc gặp khẩn của các nhà lãnh đạo EU ngày 22-3 để gia hạn Brexit.

Trong cuộc gặp, thủ tướng Anh đã phải hứng chịu các phát biểu chỉ trích và yêu cầu cho biết Anh sẽ giải quyết vấn đề Brexit như thế nào mà không thể đưa ra các câu trả lời và cam kết nào cụ thể.

Dù thất vọng nhưng EU cũng bất lực, một lần nữa lại buộc phải kiên nhẫn với nước Anh. Dù muốn hay không, EU cũng khó có thể buông nước Anh với "Brexit cứng" vì điều đó sẽ tác động tiêu cực đến các nước EU nhưng cũng không muốn vấn đề dai dẳng này kéo dài, chiếm hết chương trình nghị sự của châu Âu.

Như Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez nói EU đã đi xa hết mức có thể và bây giờ quả bóng đang nằm trên sân của Quốc hội Anh.

Một lần nữa, ngày 10-4, nguyên thủ của 27 nước EU phải tụ họp tại Brussels để thảo luận về Brexit. Trong bối cảnh tất cả các nước EU đang phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu và cùng với đó, một số nước còn tổ chức bầu cử địa phương vào cuối tháng 5, việc cứ phải chạy theo yêu cầu của Anh là một điều không dễ chịu gì.

Con đường nào phía trước?

Đã có những cái lắc đầu ngán ngẩm của các nhà lãnh đạo EU sau khi thủ tướng Anh đề nghị EU cho phép kéo dài thời hạn rời khỏi EU đến ngày 30-6 tới.

Chắc chắn trong cuộc gặp lần tới, bầu không khí sẽ còn nóng hơn và Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục phải hứng chịu sự chỉ trích từ các nhà lãnh đạo châu Âu khác. Nhưng dù thế nào, nếu Hạ viện Anh không thể nhất trí về thỏa thuận trước ngày 10-4, các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ có thể đứng trước hai lựa chọn.

Một là bác đề xuất của Anh về việc kéo dài thời hạn Brexit; đồng nghĩa với việc chấp nhận một Brexit không có thỏa thuận. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu các nhà lãnh đạo EU dám chấp nhận một Brexit cứng, gây thiệt hại cho cả nước Anh và cả các nước EU nhưng đồng thời cũng đặt dấu chấm hết cho cơn đau đầu Brexit để tập trung vào các vấn đề khác.

Hai là chấp thuận cho Anh kéo dài thời gian ra khỏi EU. Đây là khả năng có thể xảy ra hơn cả vì dù khó chịu như thế nào, EU cũng không muốn một vụ ly hôn gây rối loạn. Tuy nhiên chắc chắn EU không hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Anh mà sẽ đưa thêm vào đó các điều kiện để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của EU.

Hạ viện Anh buộc thủ tướng phải hoãn Brexit Hạ viện Anh buộc thủ tướng phải hoãn Brexit

TTO - Hạ viện Anh phê chuẩn luật buộc Thủ tướng Theresa May phải tìm cách trì hoãn Brexit để ngăn khả năng nước này rời khỏi liên minh châu Âu (EU) vào ngày 12-4 mà không có thỏa thuận nào.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên