10/08/2022 11:18 GMT+7

Con chip, cuộc sinh - tử trong khủng hoảng thế giới - Kỳ cuối: Lao đao vì cuộc chiến bán dẫn

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Siêu cường "chọi", nhiều nước khác cũng bị ảnh hưởng. Cuộc chạy đua sản xuất chất bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy.

Con chip, cuộc sinh - tử trong khủng hoảng thế giới - Kỳ cuối: Lao đao vì cuộc chiến bán dẫn - Ảnh 1.

Biểu tượng của Công ty TSMC tại trụ sở ở Tân Trúc, Đài Loan - Ảnh: AFP

Đại gia công nghệ tụt hậu

Nếu ví ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn như một đường đua, Mỹ là vận động viên chạy ngược chiều.

Vài thập niên hòa bình sau Thế chiến II đã tạo thuận lợi cho thương mại giữa các nước, biến "chuỗi cung ứng" (supply chain) trở thành khái niệm thời thượng, có ý nghĩa sống còn cho nền kinh tế thế giới. 

Thành tựu rực rỡ của thập niên 1990s càng khuyến khích các công ty đa quốc gia ở Mỹ tin rằng việc trực tiếp sản xuất linh kiện, vật liệu là việc làm không khôn ngoan về mặt kinh tế. Thay vào đó, việc đẩy mạnh xu thế sản xuất, gia công ở nước khác hoặc đặt hàng thuê ngoài (outsource) đã mang tới lợi nhuận khổng lồ cho các công ty này.

Những gã khổng lồ như Qualcomm, Apple hay NVIDIA là biểu tượng cho hình mẫu siêu công ty không nhà máy (fabless), say đắm với vị thế thống lĩnh thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, mô hình fabless đã tạo ra một nghịch lý cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Mỹ, khiến họ trông như tỉ phú phải... xoay tiền mỗi ngày.

Số liệu năm 2020 cho thấy các công ty bán dẫn đặt trụ sở tại Mỹ áp đảo thị trường, chiếm 47,2% thị phần trên thế giới. Nhưng nhận xét như CNBC, thực tế công nghệ sản xuất chất bán dẫn của Mỹ tụt lại phía sau trong khoảng 15 năm qua. Họ có những thương hiệu chip bán dẫn hàng đầu, nhưng bản thân họ không sản xuất chất bán dẫn để chế tạo chip. Hiện nay, Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) hay Samsung Electronics (Hàn Quốc) mới là những người nắm trong tay công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất.

Đối với các quốc gia như Việt Nam, IPEF có thể tạo cơ hội phối hợp với Mỹ để đảm bảo khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Ông Okun nói với Tuổi Trẻ

Khác với fabless, cả TSMC và Samsung đều là những công ty mô hình xưởng đúc (foundry), tức có dây chuyền, nhà máy, và công nghệ sản xuất "chất bán dẫn" (semiconductor). Xét về thị trường xưởng đúc, TSMC là công ty lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu, trong khi Samsung chiếm khoảng 16-17%. Các công ty Mỹ như NVIDIA được gọi là "công ty bán dẫn" nhưng thực tế chú trọng vào thiết kế sáng tạo, và phải lệ thuộc nguồn cung chất bán dẫn và sản xuất chip bán dẫn từ TSMC.

Trong cùng thời gian đó, Trung Quốc biến thành một "công xưởng của thế giới", nơi thiết bị điện tử nắm vai trò quan trọng, chiếm khoảng 30% tỉ trọng xuất khẩu của nước này. Tuy vậy, Chính phủ Trung Quốc cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc tránh lệ thuộc vào nhập khẩu linh kiện, do đó đặt mục tiêu tự chủ và triển khai các kế hoạch dài hạn để khắc phục.

Để ứng phó việc lệ thuộc nguồn cung bán dẫn từ nước ngoài, Trung Quốc công bố chính sách bán dẫn mới vào năm 2014. Chính sách "Made in China" năm 2015 cũng tập trung vào công nghệ lõi, cho phép dành nguồn tài chính lớn thúc đẩy sản xuất bán dẫn. Theo Viện Brookings (Mỹ), hiện nay có hơn 50.000 tổ chức tại Trung Quốc đăng ký hình thức hoạt động là "công ty bán dẫn".

"Căng thẳng leo thang nói chung, và những hạn chế của chính quyền Mỹ về thương mại ở lĩnh vực công nghệ nói riêng, đã khiến Trung Quốc càng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất bán dẫn trong nước. Giới lãnh đạo Trung Quốc kết luận một cách chính xác rằng việc tiếp tục dựa vào Mỹ trong các công nghệ quan trọng sẽ đặt Trung Quốc vào một vị trí vô cùng dễ tổn thương. Phá vỡ sự phụ thuộc này là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc", ông Stephen Olson, chuyên gia kinh tế tại Quỹ Hinrich, nhận xét với Tuổi Trẻ.

Nỗ lực của Trung Quốc ghi nhận những thành tựu nhất định. Chỉ 5 năm trước, doanh thu từ các thiết bị bán dẫn của Trung Quốc còn dừng lại ở 13 tỉ USD (chiếm 3,8% toàn cầu). Nhưng tới năm 2020, ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc chứng kiến tỉ lệ tăng trưởng chưa từng thấy: 30,6%, đạt 39,8 tỉ USD tổng doanh thu hằng năm, theo Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn (SIA, trụ sở ở Washington, Mỹ). Cú đột phá này giúp Trung Quốc chiếm 9% thị trường bán dẫn toàn cầu năm 2020, hai năm liên tiếp vượt mặt Đài Loan, bám sát Nhật Bản và Liên minh châu Âu (10%).

Cần lưu ý, đó là thống kê về "thị trường bán dẫn" chứ không phải "sản xuất chất bán dẫn". Khó khăn của Trung Quốc hiện nay là nước này chưa đủ khả năng tấn công vào thị phần sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, lĩnh vực mà Đài Loan chiếm tới 90%. Nhưng các chuyên gia dự đoán nếu tiếp tục đầu tư, Trung Quốc sẽ là đối thủ đáng ngại.

Con chip, cuộc sinh - tử trong khủng hoảng thế giới - Kỳ cuối: Lao đao vì cuộc chiến bán dẫn - Ảnh 3.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cầm trên tay Dự luật hỗ trợ sản xuất chip và khoa học - Ảnh: AFP

Mỹ "quay xe", thế giới nín thở

Trong cuộc chạy đua bán dẫn, Đài Loan trở thành nhân tố quan trọng bậc nhất trên bàn cờ kinh tế và địa chính trị. Không ngẫu nhiên khi Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã có cuộc gặp với Chủ tịch TSMC Mark Liu. Điều này xuất hiện những đồn đoán rằng Mỹ đang mở ra cho TSMC sự lựa chọn chuyển sản xuất về đất Mỹ, phù hợp với chính sách trợ cấp mới của Washington.

Hôm 28-7, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật về hỗ trợ sản xuất chip và khoa học (CHIPS and Science Act). Dự luật này là gói hỗ trợ 52 tỉ USD cho việc thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn nội địa Mỹ, cải thiện năng lực cạnh tranh với Trung Quốc. 

Theo Bloomberg, đáng chú ý Chính phủ Mỹ cũng khuyến khích các công ty nhận trợ cấp bằng việc đính kèm cam kết không tăng cường sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc. Trong khi đó, tạp chí Fortune nhận định màn cạnh tranh Mỹ - Trung đang gây áp lực buộc các công ty bán dẫn Đài Loan phải "chọn phe".

"Tôi không thể đoán chính xác những gì bà Pelosi và ông Liu đã thảo luận, nhưng tôi hình dung rằng bà Pelosi có thể đã nhấn mạnh mong muốn của Mỹ về việc tăng cường sản xuất trên đất Mỹ. Sau cùng, TSMC sẽ ra quyết định phù hợp nhất với lợi ích của họ, thay vì theo bất kỳ lời thúc giục nào của bà Pelosi hay các quan chức khác của Mỹ. Tùy vào các tính toán rộng hơn, có thể TSMC sẽ tăng cường sản xuất ở Mỹ hoặc không, tuy nhiên dự luật về chip và khoa học chắc chắn ảnh hưởng tới tính toán kinh doanh của TSMC", ông Olson nói.

Ông Steven Okun, cố vấn cấp cao của Công ty tư vấn chiến lược quốc tế McLarty Associates, trong khi đó cho rằng TSMC được kỳ vọng sẽ nằm trong số những đối tượng đủ điều kiện nhận trợ cấp từ dự luật của Mỹ.

Gói trợ cấp 52 tỉ USD nêu trên phản ánh kế hoạch "Build Back Better" của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Các cam kết của chính quyền Biden - Harris về việc "Made in all of America" thực chất không khác, thậm chí có nguy cơ bảo hộ cao hơn so với cựu tổng thống Donald Trump. Việc kéo sản xuất bán dẫn về đất Mỹ là một trong những minh chứng.

Theo ông Olson, đối với các sản phẩm công nghệ quan trọng, nhiều khả năng phần còn lại sẽ chứng kiến Mỹ cố gắng đưa chuỗi sản xuất về nước hết mức có thể. Hiện nay, Mỹ có nhận thức cao về rủi ro đi kèm với các chuỗi cung ứng ở xa, vì vậy Washington mong muốn giảm thiểu rủi ro ấy. Nếu chuyện lôi tất cả chuỗi cung ứng về Mỹ là không hoàn toàn khả thi, Mỹ cũng vẫn cố gắng duy trì chuỗi sản xuất ở gần hoặc "friend-shore", tức xây dựng chuỗi cung ứng với các đối tác tin cậy nhất.

"Còn quá sớm để đánh giá tác động chính xác đối với Việt Nam, nhưng có lẽ sẽ có một số gián đoạn (tích cực hoặc tiêu cực) đối với các khuôn khổ, hợp tác hiện có", vị chuyên gia này nhận định.

Con bài IPEF

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã giới thiệu Sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), và đây có thể là nước đi quan trọng cho tương lai ngành bán dẫn nói riêng và chuỗi cung ứng nói chung.

IPEF ra đời nhằm xác định các mục tiêu chung về tạo thuận lợi thương mại, các tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, phi carbon hóa, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng... Theo ông Okun, hiện tại với 14 thành viên, bao gồm 7 trong số 10 quốc gia ASEAN, việc đạt được các thỏa thuận IPEF nhằm nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng liên quan tới chất bán dẫn, sẽ có tác động lớn hơn đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Con chip, cuộc sinh - tử trong khủng hoảng thế giới - Kỳ 3: Con chip và cuộc đua giữa 3 châu lục Con chip, cuộc sinh - tử trong khủng hoảng thế giới - Kỳ 3: Con chip và cuộc đua giữa 3 châu lục

TTO - Dù Mỹ, châu Âu có những công ty hàng đầu phát triển công nghệ bán dẫn, phần lớn các nhà sản xuất chip lớn nhất hiện nay lại đang ở Đông Á, bao gồm vùng lãnh thổ Đài Loan.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên