Bên trong nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Đài Loan - Ảnh: AFP
Cuộc khủng hoảng toàn cầu vì đại dịch, chiến sự ở Ukraine và bây giờ là điểm nóng Đài Loan lại càng khẳng định sự nguy hiểm nếu thế giới bị đứt mạch nguồn cung con chip này.
Có một dạo nhiều người gật gù đồng tình trước ý tưởng của hai học giả Mỹ về việc ngăn Trung Quốc tấn công quân sự Đài Loan. Họ cho rằng không cần phát triển vũ khí tối tân, chỉ cần phá hủy các công ty sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan là đủ để Trung Quốc chùn tay.
Vị thế của Đài Loan trong ngành sản xuất chất bán dẫn đã nâng cao tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan đối với các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ và Tây Âu.
James Lee
Vị thế Đài Loan
Cách tiếp cận mới mẻ của hai tác giả Jared McKinney và Peter Harris đã đưa bài viết của họ lọt vào tốp được tải xuống nhiều nhất từ cơ sở dữ liệu của Đại học Chiến tranh lục quân Mỹ.
Ý tưởng là Mỹ và Đài Loan sẽ làm cho Trung Quốc tin rằng họ sẽ phá hủy các cơ sở của Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) nếu Bắc Kinh tấn công Đài Bắc. Đề xuất táo bạo này không phải không có cơ sở.
Chất bán dẫn, hay con chip như giới bình dân vẫn hay gọi, là thành phần quan trọng được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh, thiết bị y tế đến ôtô và máy bay chiến đấu. Đài Loan hiện cung cấp tới 64% chất bán dẫn cho thế giới.
Đối với các chất bán dẫn tiên tiến nhất, Đài Loan chiếm 92% sản lượng, theo một báo cáo của Boston Consulting. Đóng góp nhiều nhất cho vị thế đó là TSMC - hiện đang thống lĩnh thị trường chip toàn cầu với 54% thị phần.
Có người nhận định rằng với Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Trung Quốc xem là một phần không thể tách rời, TSMC giống như một tấm khiên có thể ngăn Bắc Kinh tái thống nhất bằng quân sự. Điều đó có thể đúng ít nhất trong ngắn hạn.
Phản ứng trước chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Trung Quốc đã trừng phạt Đài Loan bằng việc đình chỉ nhập khẩu cá và trái cây có múi của Đài Loan cũng như xuất khẩu cát.
Các lô hàng linh kiện của nhà lắp ráp iPhone Pegatron chuyển từ Đài Loan đến Tô Châu cũng bị hải quan Trung Quốc giữ lại sau khi bức ảnh lãnh đạo công ty này gặp bà Pelosi xuất hiện trên mạng.
Nhưng tuyệt nhiên không thấy có động thái trừng phạt nào của Bắc Kinh đối với TSMC, dù lãnh đạo công ty này cũng có mặt trong cuộc gặp bà Pelosi. Có vẻ như Trung Quốc hiểu rằng gây khó cho TSMC cũng chính là lấy đá tự ghè chân mình.
Theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ năm 2020, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc chiếm 60% nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn. Hơn 90% nhu cầu đó được đáp ứng bởi hàng nhập khẩu hoặc công ty nước ngoài có nhà máy đặt tại Trung Quốc.
Mặc dù đã đổ hàng tỉ USD để phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn, Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước và chiếm chưa đến 10% thị phần thế giới.
"Trung Quốc phụ thuộc vào Đài Loan trong lĩnh vực này. Trong khi các công ty Trung Quốc có thể thiết kế chất bán dẫn, họ có năng lực sản xuất hạn chế", nhà nghiên cứu James Lee ở Đài Loan nêu vấn đề với Đài Al Jazeera.
Theo ông Lee, ngành công nghiệp bán dẫn rất quan trọng với Đài Loan không chỉ về giá trị xuất khẩu mà còn là tấm khiên đảm bảo an ninh của Đài Loan.
Tỉ lệ cung cấp của Đài Loan nói chung và TSMC nói riêng trong ngành sản xuất chất bán dẫn thế giới - Nguồn: TrendForce
Thế mạnh sẽ là thế yếu?
Sự ra đời của TSMC thường gắn liền với câu chuyện về "phép mầu Đài Loan" dùng để chỉ giai đoạn vùng lãnh thổ này phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong 4 con hổ hoặc rồng nhỏ của châu Á tùy theo cách ví von của mỗi nhà phân tích.
TSMC được thành lập vào năm 1987, sau Intel khoảng 20 năm và hiện đang sử dụng gần 50.000 lao động, đóng góp gần 50% tổng doanh thu của Đài Loan trong xuất khẩu chất bán dẫn.
Trụ sở chính của công ty nằm bên bờ biển tây bắc, đối diện bên kia eo biển Đài Loan là tỉnh Phúc Kiến của đại lục. TSMC có hai nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc, nhưng các nhà máy này chỉ sản xuất chất bán dẫn ít phức tạp so với các nhà máy khác.
Rất khó để nói vị thế thống trị trong ngành sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan sẽ kéo dài trong bao lâu.
Nếu Đài Bắc mất đi lợi thế dẫn đầu trong ngành, điều đó sẽ đặt ra nguy cơ đối với an ninh của hòn đảo này.
Trong khi Đài Loan muốn thế giới và nhất là Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc vào những con chip do họ sản xuất, nhưng xu hướng chung là đang muốn giảm sự lệ thuộc đó sau những gián đoạn trong chuỗi cung ứng do COVID-19.
Đằng sau mỗi con chip siêu tinh vi là cả một hệ thống cung cấp nguyên liệu thô như hóa chất xử lý, nước siêu tinh khiết, khí neon... Không một nhà sản xuất chất bán dẫn nào có thể tìm thấy được đủ 100% những thứ cần thiết ở trong nước.
Tỉ lệ nội địa hóa 70 - 80% gần như là không thể đạt được với bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, theo ông JT Hsu - người đứng đầu bộ phận bán dẫn và vật liệu tại Boston Consulting.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài là "mối nguy tiềm ẩn lớn nhất" mà đất nước này phải đối mặt và cam kết tăng cường khả năng tự cung tự cấp.
Theo sáng kiến "Sản xuất tại Trung Quốc", Bắc Kinh dự kiến sẽ đầu tư 1,4 nghìn tỉ USD từ năm 2020 đến năm 2025 vào các ngành công nghệ cao bao gồm chất bán dẫn.
Chỉ riêng trong năm 2020, các công ty bán dẫn của Trung Quốc đã nhận được 227,6 tỉ nhân dân tệ (33,7 tỉ USD), tăng gấp 4 lần so với năm trước, theo nghiên cứu của TechNode.
Năm 2021, sản lượng vi mạch tích hợp của Trung Quốc đã tăng lên 359,4 tỉ đơn vị, tăng 33,3% so với năm trước, theo số liệu chính thức của chính phủ. Bắc Kinh cũng tăng cường "săn đầu người", tuyển mộ những nhân sự quản lý và thiên tài của các công ty Đài Loan như TSMC về làm với mức lương ngất ngưởng.
Tương lai khó đoán định của TSMC
Nếu căng thẳng Trung Quốc và Đài Loan không hạ nhiệt, việc các công ty thực hiện các bước để giảm bớt sự phụ thuộc vào TSMC chỉ còn là vấn đề thời gian.
Gần đây nhất, MediaTek, nhà cung cấp chipset điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã ký thỏa thuận với Intel để sản xuất một số sản phẩm nhất định bên ngoài châu Á. MediaTek là một công ty Đài Loan và là khách hàng lớn của TSMC.
Quốc hội Mỹ gần đây đã thông qua đạo luật "Chips và Khoa học", trong đó phân bổ hàng tỉ USD trợ cấp để lôi kéo các nhà sản xuất chip xây dựng cơ sở ở Mỹ. Một phần lý do cho dự luật này là để đa dạng hóa sản xuất chip và tạo một vùng đệm an toàn nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước với Đài CNN, khi được hỏi liệu TSMC có phải là yếu tố ngăn chặn hay là chất xúc tác cho một cuộc xung đột giữa hai bờ eo biển Đài Loan, chủ tịch TSMC Mark Liu đã né tránh trả lời trực tiếp.
"Không ai có thể kiểm soát TSMC bằng vũ lực" - ông Liu tuyên bố nhưng cũng đồng thời thừa nhận nếu xung đột xảy ra thì các nhà máy của TSMC sẽ không thể hoạt động vì sự gián đoạn nguồn cung nguyên liệu thô và dịch vụ.
Bản thân TSMC cũng nhận ra được vấn đề nằm ở đâu và đã rót tiền vào các dự án nhà máy ở Mỹ, Nhật Bản khi chính phủ các nước này có chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư.
**********
Chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi càng đưa ngành công nghiệp bán dẫn vào tiêu điểm giữa bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.
>> Kỳ tới: Xương sống kỷ nguyên điện tử
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận