22/09/2024 09:00 GMT+7

Con chỉ tạm nhận một phần trợ cấp mất sức của mẹ thôi

Nhận được giấy báo nhập học khoa công nghệ thông tin, Trường đại học Vinh, Võ Thị Thanh An (18 tuổi) ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, Thanh Hóa nặng trĩu nỗi lo khi mẹ già yếu, bệnh tật và số tiền học phía trước.

Thực hiện: HÀ ĐỒNG - NHÃ CHÂN - DIỄM HƯỜNG - TÔN VŨ

Trong ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp, chật chội núp dưới hàng cây xanh ở thôn 12, xã Xuân Bình, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa), bà Nguyễn Thị Vân, 60 tuổi - mẹ của Võ Thị Thanh An - kể lại câu chuyện hạnh phúc muộn mằn của mình khi sinh được con gái ở tuổi đã cao và nỗi khó khăn trăm bề trong cuộc sống.

Mẹ cạo mủ cao su bấp bênh, có ngày con nhịn đói đi học

Nữ sinh vào đại học từ nghề cạo mủ cao su thuê của người mẹ già - Ảnh 1.

Võ Thị Thanh An luôn xác định chỉ có con đường học hành mới thoát khỏi đói nghèo - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Trong ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp, chật chội núp dưới hàng cây xanh ở thôn, bà Nguyễn Thị Vân kể mình có chồng ở tuổi đã cao, chồng bệnh phải chạy chữa nhiều năm nên đến năm 2006, bà Vân mới sinh An khi đã 42 tuổi với khó khăn chồng chất.

Sau khi Nông trường chè Bãi Trành giải thể, bà Vân nghỉ chế độ mất sức lao động, cùng chồng và con gái về tá túc ở xã Xuân Bình với 7 thước ruộng nước cấy lúa một vụ do UBND xã cấp. Thiếu đất sản xuất nông nghiệp, để có tiền nuôi con ăn học, suốt những năm qua, nghề kiếm sống của bà Vân là đi cạo mủ cao su thuê.

Từ lúc 3-4h sáng hằng ngày, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì bà Vân lại lỉnh kỉnh đồ nghề vào rừng cao su ở địa phương để cạo mủ thuê. Muỗi đốt kín chân, sương mù bao phủ mùa lạnh thấm vào người, đau nhức khớp gối nhưng cứ nghĩ phải làm việc cật lực để có tiền nuôi An ăn học, bà Vân lại gắng sức kiếm cạo được nhiều cây hơn.

Bà Vân cho biết: "Nhiều năm nay giá mủ cao su xuống thấp, mỗi ngày đi cạo mủ cao su thuê cũng chỉ được từ 60.000 - 80.000 đồng. Bố của An bị bệnh tật rồi mất năm 2023, để lại bao khó khăn cho hai mẹ con. Mỗi khi có tiền làm công, trước khi đi cạo mủ cao su, tôi còn chuẩn bị cho An phích nước sôi, gói mì tôm để ở bàn cho con ăn sáng. Có đận kinh tế khó khăn, An nhịn đói đến trường vậy".

Nữ sinh vào đại học từ nghề cạo mủ cao su thuê của người mẹ già - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Vân căn dặn con gái trước khi An nhập học đại học

Chia sẻ về chặng đường phía trước lo cho con gái học đại học, bà Vân dù đã tính trước là dành suất trợ cấp mất sức lao động từ Nhà nước của mình để An trang trải cuộc sống ở thành phố Vinh, nhưng trong lòng bà vẫn canh cánh nỗi lo.

Số tiền 11 triệu đồng để An nộp học phí đầu năm học, bà Vân vừa phải vay mượn người thân. Còn số tiền 30 triệu đồng nợ trước đó khi lo chăm chồng lúc già yếu, con gái học cuối cấp vẫn chưa trả được. Chuẩn bị bước qua tuổi 60, bà Vân mang trong mình bệnh gan, huyết áp, xương khớp khiến sức khỏe giảm sút, da vàng bủng nhưng bà vẫn gắng đi cạo mủ cao su thuê để lấy tiền cho An học đại học.

"Con gái đỗ đại học là niềm vinh dự. Tôi sẽ dành suất trợ cấp để An trang trải việc học tập ở thành phố Vinh. Còn chút sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục đi cạo mủ cao su thuê, làm mảnh ruộng, nuôi thêm con gà để có thêm thu nhập".

Mẹ giúp con lúc đầu rồi con sẽ làm thêm

Nữ sinh vào đại học từ nghề cạo mủ cao su thuê của người mẹ già - Ảnh 4.

Gia cảnh nghèo khó nhưng Võ Thị Thanh An luôn có nghị lực vươn lên trong cuộc sống và học tập

"Con chỉ nhận một phần tiền trợ cấp mất sức lao động của mẹ thôi, còn lại mẹ để dành chi tiêu lúc ốm đau, bệnh tật, bồi dưỡng sức khỏe. Nhập học xong, con sẽ xin đi làm thêm kiếm tiền ở thành phố Vinh để trang trải khi học đại học"- An nói với mẹ.

Khi cha mất cũng là năm An bước vào năm học lớp 12. Nỗi đau mất cha cộng với nỗi lo chặng đường học hành phía trước sẽ tốn kém chi phí tưởng như khiến An gục ngã.

Ngoài giờ học ở trường, Võ Thị Thanh An chăm sóc đàn gà bán lấy tiền mua sách vở, đồ dùng học tập.

An cố gắng học tập với quyết tâm thoát nghèo và đỗ vào khoa công nghệ thông tin, Trường đại học Vinh với 25,2 điểm (toán 9 điểm, hóa học 8,4 điểm, vật lý 7,8 điểm) là thành quả xứng đáng dành cho nữ sinh miền núi vượt qua nghèo khó vươn tới chân trời tri thức.

Nữ sinh vào đại học từ nghề cạo mủ cao su thuê của người mẹ già - Ảnh 5.

Võ Thị Thanh An chăm sóc đàn gà của gia đình, chuẩn bị bán để lấy tiền cho An nhập học đại học

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Dương - bí thư Đảng ủy xã Xuân Bình, huyện Như Xuân cho biết: "Cháu Võ Thị Thanh An sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo của xã nhưng luôn cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện tốt.

An là đoàn viên tích cực tham gia hoạt động Đoàn thanh niên, công tác xã hội tại địa phương và là quần chúng ưu tú của thôn 12, xã Xuân Bình. Tháng 8 vừa qua, Võ Thị Thanh An đã được kết nạp vào Đảng. Đây là vinh dự, động lực để An tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong trường đại học và cuộc sống".

Nữ sinh vào đại học từ nghề cạo mủ cao su thuê của người mẹ già - Ảnh 6.

Võ Thị Thanh An thắp hương lên bàn thờ cha trước khi nhập học đại học

Chia sẻ về cô học trò nhỏ nhắn, kiệm lời của nhà trường, thầy giáo Lê Bá Long - hiệu trưởng Trường THPT Như Xuân 2 - tâm sự: "Ngay từ khi bước vào lớp 10A đến lúc học xong lớp 12A, em Võ Thị Thanh An luôn cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học tập tốt.

Những năm qua, có nhà tài trợ đến trao học bổng cho học sinh, nhà trường đều dành cho An. Tiền học thêm, tiền gửi xe, nhà trường đều miễn phí cho An để em yên tâm học tập, phấn đấu trên con đường vươn tới tri thức".

Cuối buổi trò chuyện với chúng tôi, An được các chị ở Đoàn thanh niên xã Xuân Bình và Huyện Đoàn Như Xuân hướng dẫn đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng "Tiếp sức đến trường năm 2024" của báo Tuổi Trẻ.

"Dù phía trước còn nhiều khó khăn nhưng mình sẽ không bỏ cuộc và luôn nhớ lời cha căn dặn lúc lâm chung, nhớ lời mẹ động viên trước lúc nhập trường là chỉ có con đường học hành, tri thức mới thoát khỏi cảnh đói nghèo." - Võ Thị Thanh An tâm sự.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ. Chương trình đăng ký học bổng đã kết thúc ngày 20-9-2024.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Bỏ kết quả đại học ở TP.HCM, chọn quê nhà vì không có tiền - Ảnh 5.

Nữ sinh vào đại học từ nghề cạo mủ cao su thuê của người mẹ già - Ảnh 7. Cô bé mồ côi từng được tiếp sức đến trường, nay là 'cô giáo thủ khoa' chọn về miền núi khó khăn

Ngọc Thanh giờ là giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi). Mỗi ngày cô vẫn kể câu chuyện của mình, mong bọn trẻ Ca Dong không vì khó khăn mà chùn bước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên