Câu chuyện khiến dư luận có nhiều bàn tán. Gặp những tình huống con mình bị bắt nạt, cha mẹ phải làm gì? Có nên có cách hành xử nóng nảy không?
Khi con bị bạo hành
Kể với Tuổi Trẻ, anh M, một phụ huynh Trường THCS tại TP.HCM vẫn chưa hết xót xa khi con mình về nhà với khuôn mặt bầm tím, dấu hằn các vết ngón tay vẫn còn nguyên vẹn.
"Khi mẹ cháu thông báo cháu bị bạn cùng lớp đánh, tôi thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Lúc đó, cảm giác trong người tôi muốn bốc hoả", anh M. bộc bạch.
Những ngày sau đó, bé T - con gái anh không muốn đến trường vì sợ bạn bè cười nhạo. Thấy con chỉ khóc, không buồn ăn uống gì nên vợ chồng anh M càng lo lắng. Đánh con gái anh M là một nam sinh cùng lớp, người rất to cao, theo miêu tả thì cao hơn 1,7m. Nguyên nhân đánh được cho là nam sinh này bực bội vì… “lúc mượn thước, con gái tôi đang sử dụng nên chưa kịp đưa”.
Sau khi biết con bị bạn cùng lớp đánh, anh gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm để hỏi rõ nguyên do.
Cô giáo chủ nhiệm xác nhận về sự việc và cho biết “bạn trai đó không được bình thường và rất dễ nổi nóng với bạn bè, cả bạn trai lẫn bạn gái, nhưng đánh bé T. là lần đầu tiên”.
Trong khi đó, gia đình phía bạn trai đánh con gái anh thì không hề có lời xin lỗi hay giải thích nào.
"Cô giáo cũng không biết phải xử lý như thế nào vì không thể đứng canh ở lớp con tôi mãi. Một mặt tôi phải nhờ bạn gái thân của con đến trò chuyện, tâm sự cùng con. Mặt khác, tôi tính xin chuyển lớp cho con", anh M bày tỏ.
Một câu chuyện khác, chị L.T.V (TP.HCM) khi đón con ở trường thì thấy bé bị rách da, chảy máu ở phần trên mí mắt. Hỏi thì con hồn nhiên kể về việc xung đột với bạn vào giờ ra chơi buổi chiều.
Sau đó, chị L.T.V lập tức được cô giáo và gia đình bạn gọi điện xin lỗi. Những ngày sau con chị lại vui vẻ đến trường bình thường.
"Tôi nghĩ việc chọc ghẹo giữa bạn bè với nhau cũng là bình thường, nên dạy con cách để vượt qua. Phụ huynh cần lắng nghe con trẻ nói, trao đổi với cô giáo chủ nhiệm để thông hiểu, rồi tìm cách để giải quyết" - chị L. T. V nói.
Khoan hãy đổ lỗi cho nhà trường và giáo viên
Theo thạc sĩ (ThS) tâm lý Võ Thị Minh Huệ, phụ huynh khi biết con mình bị bạo hành chắc chắn sẽ rất lo lắng, sợ hãi và muốn giải quyết vấn đề thật nhanh chóng.
Tuy nhiên, vấn đề này không thể chỉ giải quyết trong ngày một ngày hai và từ phía con em mình là xong. Việc đầu tiên là phụ huynh nên bình tĩnh và liên hệ ngay với nhà trường.
"Nếu con chưa báo cáo với thầy cô về tình huống mình bị bắt nạt thì phụ huynh nên báo cáo ngay. Khoan hãy đổ lỗi cho nhà trường và giáo viên vào lúc này" - ThS Minh Huệ nói.
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng phụ huynh cần phối hợp với nhà trường, đảm bảo việc con mình bị bắt nạt không còn xảy ra nữa, từ đó mới giúp con vượt qua được tổn thương tâm lý.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần gặp trực tiếp các thầy cô giáo chủ nhiệm.
“Nếu thầy cô là những người có kinh nghiệm và tâm huyết thì chắc chắn sẽ giúp đỡ để cho trẻ hòa nhập lại với bạn bè. Nên kiên nhẫn, tin tưởng và cùng có trách nhiệm với các thầy cô” - TS Tùng Lâm nói.
Nên giáo dục con cách ứng xử với các tình huống xung đột
Theo ThS tâm lý Lê Thị Minh Hoa, thường những em ít nói hoặc có vấn đề về giao tiếp thì rất dễ bị bạo hành. Xem những clip quay cảnh học sinh bị bạo hành thì đa số các em đều cam chịu để cho bạn đánh đập, giật tóc mà không hề có bất cứ một phản ứng tự vệ nào.
Do vậy, phụ huynh phải dạy con cách phản ứng và tự bảo vệ bản thân.
Theo ThS Minh Huệ, quan trọng nhất là dạy cho con về thái độ khi đối mặt với xung đột, mâu thuẫn với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh.
“Nếu đứa trẻ có thái độ thách thức thì sẽ dễ làm người khác nổi giận và dễ xảy ra xung đột, thái độ sợ sệt thì lại làm đối tượng bắt nạt “thừa thắng xông lên”. Do vậy, cần giáo dục đứa trẻ có thái độ vừa phải, đủ tự tin và mạnh mẽ, thể hiện rằng mình sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn một cách êm đẹp nhất” - ThS Minh Huệ phân tích.
Thêm vào đó, cũng cần dạy con cách chấp nhận sai sót của mình và biết cách xin lỗi.
Theo ThS Minh Hoa, có rất nhiều dạng bạo hành. Đôi khi các em chơi với nhau một cách rất vô tình, đi ngang đá bạn một cái, giựt cặp bạn một cái cũng có thể dẫn đến xung đột. Nhiều em không ý thức được rằng một số hành vi làm người khác cảm thấy khó chịu như thế cũng chính là bạo hành. Những trẻ bị bạo hành lại không có phản ứng thích hợp, bạn kia sẽ càng chọc ghẹo và đến lúc nào đấy sẽ dẫn đến xung đột lớn. Đó là những cái dễ thấy hàng ngày nhưng các em và phụ huynh lại không nhìn thấy. |
Hỗ trợ về mặt tâm lý cho con
Theo ThS Minh Huệ, những đứa trẻ bị bạo hành, đặc biệt là ở chỗ đông người, sẽ chịu những tổn thương nhất định về mặt tâm lý. Đứa trẻ sẽ cảm thấy mình bị mọi người xem thường, thương hại hay trách móc và sẽ không tự tin đến trường, cảm thấy các mối quan hệ xung quanh đều sụp đổ.
Vì vậy, những em này cần được gia đình hỗ trợ về mặt tâm lý.
Cha mẹ cần cho con hiểu rằng tình huống đã xảy ra chỉ là bất đắc dĩ và có thể những người bắt nạt con cũng không cố ý mà họ chỉ không biết giải quyết vấn đề một cách khéo léo.
“Nên cho con hiểu rằng bên cạnh những người đã gây ra tổn thương thì cũng còn rất nhiều người khác quan tâm, ủng hộ và yêu thương con, để cho an tâm trong môi trường trường học” - ThS Minh Huệ nói.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trẻ bị bạo hành rất dễ dẫn đến bệnh trầm cảm. Các gia đình có điều kiện thì nên đi gặp bác sĩ tâm lý để được giúp đỡ và được đưa ra các chẩn đoán.
ThS Minh Hoa cũng đưa ra lời khuyên: “Sau khi con bị bạo hành, dù con có lỗi hay không có lỗi thì phụ huynh cũng không được la mắng hay trách móc”.
Tự ý xông vào trường bị xử phạt thế nào? Theo luật sư Trần Ngọc Qúy (Đoàn Luật Sư TP.HCM), theo quy định của Luật Giáo Dục thì trường học thuộc hệ thống cơ sở giáo dục quốc dân, có tư cách pháp nhân, có điều lệ hoạt động, nội quy trường học theo quy định của pháp luật về giáo dục. Do đó, các cá nhân, phụ huynh học sinh khi đến trường liên hệ công việc liên quan đến học sinh đều phải tuân theo nội quy, các quy định làm việc, tiếp công dân của trường học. Việc các cá nhân bên ngoài, phụ huynh học sinh tự tiện xông vào trường học không được sự cho phép, đồng ý của lãnh đạo nhà trường, gây rối an ninh trật tự học đường là hành vi vi phạm pháp luật. Theo nghị định số 167/2013/NĐ-CP, hành vi gây rối trật tự công cộng ở trường học sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Nhà trường khi bị người bên ngoài xông vào khuôn viên gây rối trật tự, hành hung học sinh thì cần kịp thời ngăn chặn và nhanh chóng thông báo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền, làm sao đảm bảo an ninh trật tự học đường, tạo sự yên tâm cho phụ huynh và để các học sinh yên tâm học tập. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> ThS Lê Thị Minh Hoa:
>> ThS Võ Thị Minh Huệ:
>> TS Nguyễn Tùng Lâm:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận