Bitiya và gia đình đã cho phép phóng viên New York Times chụp ảnh cô với tấm khăn che mặt như thế này để tố cáo bọn tội phạm đã cưỡng hiếp cô bé - Ảnh: New York Times |
Trong một thời gian rất dài, tại một làng quê phía bắc Ấn Độ, các cô gái trẻ luôn là con mồi bị bọn yêu râu xanh săn đuổi. Bởi thực tế sau rất nhiều vụ việc, chỉ cuộc đời của các cô gái bị hủy hoại, còn chưa hề có kẻ thủ ác nào phải trả giá.
Nhưng thực trạng đó có lẽ đang dần thay đổi, một phần nhờ vào lòng dũng cảm của một cô gái nhỏ bé ở đây. Vì luật pháp Ấn Độ không cho nói tên thật của các nạn nhân bị cưỡng hiếp nên ở đây chúng ta gọi cô bé là Bitiya, người được mệnh danh là “cơn ác mộng của quỷ râu xanh”.
Câu chuyện về Bitiya được kể lại trên báo New York Times giống như một bài học về lòng dũng cảm dám vượt qua nỗi xấu hổ, thậm chí là ô nhục, để đấu tranh đến cùng với cái ác, với nạn bạo lực tình dục hoành hành tại một số nơi của Ấn Độ.
Trong cách phân chia đẳng cấp ở ngôi làng Bitiya đang sống, cô bé thuộc tầng lớp dưới đáy. Năm 2012 khi em 13 tuổi, trong lúc đang làm việc trên cánh đồng, Bitiya bị bốn gã đàn ông thuộc tầng lớp trên bắt trói lại và thay nhau cưỡng hiếp. Chúng còn quay video cảnh làm nhục em và đe dọa nếu Bitiya nói cho ai biết việc đó, chúng sẽ phát tán video này và giết cả anh trai em.
Quá sợ hãi nên thoạt tiên Bitiya im lặng. Sáu tuần sau đó, cha Bitiya phát hiện một cậu bé 15 tuổi đang xem đoạn video khiêu dâm và ông kinh ngạc nhận ra trong đó hình ảnh đứa con gái tội nghiệp. Những gã đàn ông kia đã bán đoạn video này tại một cửa hàng ở địa phương với giá 1 USD/bản.
Trong đoạn băng Bitiya đang la khóc, còn những gã đàn ông thay nhau giữ chặt em. Nhìn tình cảnh đó, gia đình hiểu Bitiya đã bị làm nhục và bố cô bé tới gặp cảnh sát địa phương để tường trình vụ việc.
Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó. Những người lớn tuổi trong làng khi biết chuyện đã cho rằng Bitiya cần bị đuổi học vì gây ảnh hưởng xấu tới các nữ sinh khác. Bitiya kể: “Họ nói tôi là đứa con gái hư và sẽ gây tác động xấu với các bạn gái khác. Tôi rất đau khổ vì điều đó”.
Tuy nhiên về sau do áp lực công luận, nhà trường buộc phải cho Bitiya vào học trở lại, song những người già trong làng vẫn không buông tha. Họ cấm gia đình cô bé không được nhận trợ cấp lương thực của chính quyền như một cách để trừng phạt vì tội phản ứng lại quyết định của làng.
Các điều tra sau đó đã bắt giữ bốn gã đàn ông cưỡng hiếp Bitiya, tuy nhiên chúng vẫn được tại ngoại chờ xét xử nhờ nộp tiền bảo lãnh. Vụ việc còn lôi thôi một thời gian dài sau đó và trong khoảng thời gian này, bố Bitiya qua đời vì đau tim sau một phiên điều trần trước tòa.
Gia đình cô bé lo sợ những kẻ tầng lớp trên sẽ giết nốt người anh trai 16 tuổi của em nên đã giữ rịt cậu này trong nhà. Người anh không việc làm lại khiến gia cảnh nhà Bitiya đã khốn lại càng thêm khó.
Vào thời điểm này, những kẻ bị truy tố tội cưỡng hiếp Bitiya đã mang tới gia đình cô bé 15.000 USD xin đền bù để được bãi nại. Bitiya chưa bao giờ có một số tiền lớn đến thế nhưng cô bé đã phỉ nhổ vào mặt lũ đê tiện và nói rằng ngay cả khi chúng đền bù gấp đôi cô cũng sẽ không chấp nhận.
“Tôi muốn bọn chúng phải ngồi tù - Bitiya nói - Để mọi người thấy rằng những kẻ như vậy sẽ phải bị trừng phạt vì tội lỗi chúng gây ra”.
Ông Bitiya cũng đồng lòng với suy nghĩ của cháu gái. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị cám dỗ trước khoản tiền đó”.
Bitiya nói cô không cảm thấy xấu hổ vì kẻ phải đeo sự ô nhục đó chính là những gã đàn ông đã cưỡng hiếp cô.
Thế rồi sự quyết liệt của gia đình Bitiya rốt cuộc đã tạo được ảnh hưởng với cộng đồng. Những nghi phạm bị bắt đã phải bán đất để trả tiền vay nợ cho bảo lãnh. Mọi người dân trong làng giờ cũng hiểu ra chính các cô gái bị cưỡng hiếp mới là người thật sự phải gánh chịu hậu quả đau đớn. Trước Bitiya từng có nhiều vụ cưỡng hiếp xảy ra nhưng đây là lần đầu tiên người dân làng nhận thức rõ điều này.
Madhavi Kuckreja, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã giúp Bitiya, cho rằng quyết tâm của cô bé và gia đình cô cho thấy một giải pháp để chống lại nạn bạo lực tình dục. Bà nói: “Đã có sự phá vỡ im lặng. Mọi người đang dám nói ra và tố cáo”.
Chắc chắn nếu có nhiều cô bé Bitiya hơn nữa, nhiều “cơn ác mộng” hơn sẽ đến với lũ yêu râu xanh, và dần dà chúng sẽ không còn cơ hội gieo rắc nỗi sợ hãi ám ảnh vẫn luôn đè nặng lên những cô gái trẻ từng là nạn nhân của chúng.
Bitiya và gia đình cô bé đã cho phép phóng viên New York Times chụp ảnh cô với tấm khăn che mặt như thế này để tố cáo bọn tội phạm đã cưỡng hiếp cô bé - Ảnh: New York Times |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận