06/11/2015 10:35 GMT+7

Còn 25 triệu người chưa có bảo hiểm y tế

LAN ANH
LAN ANH

TT - Rất nhiều chính sách hỗ trợ chưa đến tay người dân, thủ tục hành chính còn cực kỳ rắc rối khiến người muốn tham gia... không dễ mua bảo hiểm.

Người dân chờ đợi thanh toán viện phí bằng bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trong số này, có khoảng 20 triệu người làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, chính sách hiện hành là được Nhà nước hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ BHYT nhưng họ vẫn chưa tiếp cận được khoản hỗ trợ này do hơn một năm ban hành chính sách.

Hiện mới có 1/63 địa phương có danh sách người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình của địa phương mình, 62 địa phương còn lại chưa có danh sách, do đó chưa thể nhận khoản hỗ trợ.

Bên cạnh đó, có khoảng 2 triệu người cận nghèo, thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ bảo hiểm.

Tuy nhiên việc cập nhật danh sách người cận nghèo cũng rất chậm trễ và cho đến nay mới có 4 triệu trong số 6 triệu người cận nghèo có thẻ BHYT, khi viện phí tăng với nhóm trả viện phí trực tiếp, 2 triệu người chưa có thẻ còn lại sẽ gặp khó khăn.

Trong cuộc trao đổi trên truyền hình cuối tuần rồi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết việc tăng viện phí (bằng cách đưa phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp trực và lương thầy thuốc vào viện phí) nhằm chuyển phần hỗ trợ cho bệnh viện từ ngân sách sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng.

Tuy nhiên khi trả lời báo chí tuần trước, đại diện Bảo hiểm xã hội VN cho biết chưa có kế hoạch tăng phần hỗ trợ từ ngân sách cho người cận nghèo, người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, ngoài khoản hỗ trợ 30 - 70% hiện nay.

Như vậy khi chuyển hoàn toàn lương vào viện phí từ 1-3-2016 (tháng 11 và 12-2015 mới chuyển một phần lương vào viện phí), mỗi năm sẽ có khoảng 10.000 tỉ đồng vốn dành trả lương cán bộ y tế được để lại ngân sách, trong khi kế hoạch hỗ trợ mới lại chưa rõ ràng (ngoài cấp thẻ BHYT miễn phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và hỗ trợ một phần cho người cận nghèo, người làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình như hiện hành).

Khi bàn đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu BHYT 2015 đạt 75% dân số vào giữa năm 2015, đại diện Bảo hiểm xã hội VN cho biết không nên tăng viện phí trước khi mở rộng diện bao phủ BHYT, như thế sẽ vô hình trung tạo áp lực cho người dân.

Tuy nhiên, hiện viện phí sắp tăng, còn mục tiêu BHYT thì phải đến năm 2020 mới bao phủ được 80% dân số. 20% chưa có thẻ còn lại phần lớn là lao động tự do, thuộc nhóm kinh tế khó khăn.

Đà Nẵng: có sổ tạm trú là mua được BHYT

Tại Đà Nẵng, khảo sát ở một số phường trên địa bàn cho thấy thủ tục mua BHYT tự nguyện tương đối dễ dàng. Chiều 2-11, chúng tôi tới điểm bán BHYT tại phường Thuận Phước (Q.Hải Châu) để hỏi về thủ tục mua BHYT nhưng chưa có hộ khẩu thường trú tại thành phố này.

Nhân viên bán BHYT cho biết nếu là người ở nơi khác đến thì chỉ cần có sổ tạm trú do chính quyền cấp và photo CMND là có thể mua BHYT.

Sau khi giải thích xong, nhân viên này đưa cho chúng tôi một bản tự khai các thông tin thành viên trong gia đình, ai đã có hoặc chưa có BHYT để làm thủ tục mua BHYT. Sau khi khai thông tin, người đại diện phải đưa cho tổ trưởng dân phố xác nhận và đưa lên UBND phường để mua BHYT. 

Khi đến phường Thạch Thang (Q.Hải Châu), cán bộ điểm bán BHYT tại đây cho biết đối với người có hộ khẩu ở Đà Nẵng thì việc mua BHYT rất dễ dàng. Đối với người ở nơi khác đến, cần phải có sổ tạm trú, không cần hộ khẩu ở quê quán, photo CMND của người đi mua và các thành viên trong gia đình là có thể mua được BHYT.

Đ.CƯỜNG

Cần Thơ: không ở chung nhà cũng bắt mua

Ông Nguyễn Văn C. (ở P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều) đã mua BHYT ba năm liền cho hai vợ chồng, nhưng lần này hết hạn thẻ, ông liên hệ để mua lại thì không được.

Trong hộ khẩu gia đình ông có 7 người, trong đó 2 người em đã đi địa phương khác làm ăn sinh sống gần 10 năm nay (chưa về tách hộ khẩu), cán bộ bán BHYT nói quy định là phải nộp giấy photo tất cả sổ hộ khẩu, người nào có thẻ BHYT rồi thì photo luôn và phải mua hết các thành viên trong sổ hộ khẩu. 

“Sao lại có những quy định gây khó khăn cho người tham gia BHYT như vậy, người đó không có chung nhà mà vẫn bắt mua BHYT là sao?”, ông C. nói.

T.LŨY

* Ông Lê Văn Khảm (phó vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế):

Đại lý bảo hiểm chưa làm hết trách nhiệm

Đại lý bảo hiểm không phải là ngồi đấy để thu bảo hiểm, mà phải nắm vững chính sách để hướng dẫn cho người dân. Nhưng vấn đề là chính đại lý cũng không nắm rõ chính sách, khi họ không hiểu rõ thì họ lại đòi thêm giấy nọ giấy kia vì họ sợ làm sai.

Trong khi lẽ ra đại lý không được làm phát sinh thêm thủ tục, cản trở quyền tiếp cận với thẻ BHYT của người dân.

L.ANH

* Bà Nguyễn Thị Thu (phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM):

Sẽ chấn chỉnh các đại lý

Theo quy định của Luật BHYT, học sinh sinh viên thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHYT (nhóm đối tượng 4b) tại nhà trường và được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30%. Còn khi người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình chỉ cần lập mẫu thống kê thành viên hộ gia đình tham gia BHYT, tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT đối với trường hợp tham gia lần đầu.

Sau khi hoàn tất việc kê khai đầy đủ các chỉ tiêu trong mẫu, chủ hộ (hoặc người đại diện) ký cam đoan những nội dung kê khai là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không phải sao chụp thẻ BHYT của thành viên hộ gia đình đã tham gia BHYT, không phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc về trách nhiệm quản lý của UBND xã, phường.

Thời gian qua Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã hướng dẫn, tập huấn cho tất cả đại lý thu BHYT của 322 xã, phường và các đại lý thu BHYT thuộc hệ thống bưu điện với những nội dung trên.

Những vướng mắc về thủ tục khi tham gia BHYT tại các đại lý phường mà người dân phản ảnh, Bảo hiểm xã hội TP.HCM ghi nhận và sẽ có chấn chỉnh với các đại lý.

THỦY DƯƠNG

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên