26/10/2015 00:10 GMT+7

​Bảo hiểm y tế - giải pháp bền vững cho điều trị HIV/AIDS

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Điều trị ARV sớm và hiệu quả có thể làm chậm quá trình chuyển sang giai đoạn AIDS, làm giảm nguy cơ lây truyền ra cộng đồng và làm tăng chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV/AIDS.

Theo thống kê từ UNAIDS (Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS), trong năm 2013 thế giới chỉ có thêm 2,1 triệu ca nhiễm HIV, ít hơn năm 2005 với 2,9 triệu người nhiễm mới. Các nhà khoa học cũng cho biết con người có thể ngăn chặn dịch AIDS. Tuyên bố này hoàn toàn khả thi với sự ra đời của thuốc ARV. 

ARV - thuốc kháng virus là thuốc đặc trị HIV/AIDS hữu hiệu nhất trên thế giới hiện nay, có tác dụng ức chế sự nhân lên của HIV trong cơ thể. Điều trị ARV sớm và hiệu quả có thể làm chậm quá trình chuyển sang giai đoạn AIDS, làm giảm nguy cơ lây truyền ra cộng đồng và làm tăng chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV/AIDS.

Tuy đây chưa phải là thuốc có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh, nhưng nếu người nhiễm duy trì điều trị liên tục và suốt đời thì sẽ giảm thiểu được nguy cơ tử vong, giảm khả năng lây lan và giúp tiến tới kết thúc dịch AIDS trong tương lai. Những diễn biến thực tế ở các nước trên thế giới hiện nay đã và đang củng cố luận điểm trên là có cơ sở.

Cuba chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ngăn chặn thành công HIV và bệnh giang mai truyền từ mẹ sang con vào năm 2015. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi đây là “một trong những thành công lớn nhất có thể đạt được trong việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng”. Đây là một chiến thắng lớn trong cuộc chiến lâu dài chống lại HIV cũng như các bệnh lây qua đường tình dục, đồng thời là một bước quan trọng hướng tới một thế hệ không còn AIDS. 

hinh-4-1445843967.jpg

Thêm vào đó, WHO cũng cho biết Campuchia đang trên đà thực hiện cam kết không có trường hợp nhiễm mới nào vào năm 2020. Theo giới chức y tế địa phương, hiện nay Campuchia có gần 75.000 người nhiễm HIV nhưng số ca nhiễm mới đã giảm khoảng hơn 13.000 trường hợp giai đoạn đầu thập niên 1990 đến năm 2009. Thành công của đất nước Campuchia đến từ những nỗ lực của chính phủ trong việc tập trung ngăn chặn HIV từ các đối tượng hành nghề mại dâm, các bà mẹ nhiễm HIV và quan trọng hơn cả là cung cấp thuốc ARV cho người bị nhiễm nhằm hạn chế sự lây lan của virus này.  

Việt Nam đã sử dụng thuốc ARV rộng rãi từ năm 2004 và áp dụng chính sách cấp thuốc ARV miễn phí cho người bệnh đủ tiêu chuẩn điều trị. Tuy nhiên, nguồn tài trợ quốc tế cho mua thuốc ARV tại Việt Nam – trong những năm vừa qua chiếm tới gần 95% tổng kinh phí – đang bị cắt giảm và sẽ kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017.

Đây thực sự là một thách thức với Chính phủ Việt Nam vì nếu không có nguồn kinh phí thay thế khoản tài trợ, người nhiễm HIV không được điều trị liên tục thì có thể dẫn đến tử vong sớm hay xuất hiện virus kháng thuốc, khiến bệnh càng nghiêm trọng hơn, đe doạ không chỉ đến tính mạng người bệnh mà còn là mối nguy lây nhiễm cho cả cộng đồng.

Trước tình thế đó, cần một sự hỗ trợ kinh phí cho thuốc ARV để duy trì điều trị HIV/AIDS bền vững và hiệu quả, nhằm tiếp tục duy trì điều trị cho gần 100.000 người nhiễm HIV đang theo chương trình điều trị ARV. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp trước mắt, nhằm bù đắp khẩn cấp khoản thiếu hụt kinh phí khi tài trợ rút đi. Bảo hiểm y tế mới thực sự là giải pháp lâu dài và bền vững cho điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV. 

Nếu tham gia bảo hiểm y tế, người nhiễm HIV sẽ được chi trả từ 80% chi phí khám, chữa bệnh, bao gồm cả chi phí mua thuốc ARV. Nếu người nhiễm HIV thực hiện khám chữa bệnh tại tuyến xã hoặc thuộc đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi... thì sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh. 

Đặc biệt trong bối cảnh không còn tài trợ, người nhiễm HIV nhiều khả năng phải tự chi trả toàn bộ chi phí chữa bệnh thì bảo hiểm y tế là giải pháp đảm bảo việc điều trị bằng thuốc ARV được ổn định, bền vững và ít tốn kém nhất. 

Nếu thực hiện được cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong việc duy trì nguồn thuốc ARV ổn định, mục tiêu xoá bỏ HIV/AIDS vào năm 2030 sắp tới mới có thể thực hiện được và Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á chấm dứt đại dịch HIV/AIDS.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên