14/05/2011 09:24 GMT+7

Cơm công nhân từ bếp tới bàn

HOÀNG LỘC - ANH THOA
HOÀNG LỘC - ANH THOA

TT - Một suất ăn công nhân được nhà thầu chế biến như thế nào? Phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi nhận toàn cảnh bức tranh của bữa cơm công nhân với đủ trò “giật gấu vá vai”, teo tóp đến đau lòng...

Kỳ 1: Màn trình diễn nhanh gọn trong bếp

Read this on Tuoitrenews.vn

YHtAjDMP.jpgPhóng to

Thịt được xử lý ngay trên nền gạch bẩn (ảnh chụp tại một cơ sở của Công ty MH, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, Bến Cát, Bình Dương) - Ảnh: H.L.

Sáng 23-4, có mặt tại một cơ sở thuộc Công ty MH, chuyên nấu khẩu phần ăn cho các công ty trong Khu công nghiệp Mỹ Phước 1 (Bến Cát, Bình Dương), chúng tôi tận mắt chứng kiến “công nghệ” chế biến khẩu phần ăn kinh hoàng của cơ sở này.

“Chiến trường” trên nền gạch

Thức ăn ít, nấu không ngon

Kết quả khảo sát của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bình Dương cuối năm 2010 cho biết: “48,1% công nhân cho biết phải làm việc hơn 8 giờ/ngày. Bữa cơm công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản là ăn ngon và ăn no. Nguyên nhân có thể do chất lượng và số lượng thức ăn (50,6% và 37,8% cho rằng thịt cá ít và kém tươi). Trong khi đó, 82,6% công nhân cho biết rất quan tâm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và 24,1% cho rằng bếp ăn tập thể chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, 31,5% công nhân cho ý kiến cần cải thiện điều kiện bữa ăn. Song hầu hết ý kiến đều phản ảnh thức ăn ít và không ngon, số ít cho rằng nhà ăn chỉ cung cấp một vài thực đơn và lặp lại hằng tuần.

Có ba công nhân gồm một đầu bếp, hai phụ bếp đang hì hục chuẩn bị cho 150 suất ăn. Trong căn nhà rộng liên tục vang lên những tiếng quăng xoong, chậu loảng xoảng, giữa sàn nhà nhầy nhụa mỡ, be bét cơm vụn dư thừa và một số phế phẩm nằm lăn lóc.

Trên bàn cạnh đó, hai thợ phụ lúi húi bốc khẩu phần ăn vào khay thức ăn. Thức ăn gồm cải thìa luộc, gà chiên và trứng luộc. Tất cả đều được đựng trong ba chậu thau nhôm lớn thủng lỗ chỗ và rách tả tơi. Tại đây, chúng tôi chứng kiến màn ném, chặt thịt gà như luyện võ và màn chế biến thịt gà nhanh như ảo thuật.

Từ trong kho đá chứa thực phẩm, người đầu bếp tên Đoàn ì ạch mang ra một bao tải lớn đựng thịt gà. Ngay lập tức anh ta nâng cao bao tải quá đầu ném huỳnh huỵch xuống nền gạch nhoe nhoét cơm, rau thải. Cú ném mạnh khiến bao tải gà lăn như một quả bóng. Không vỡ.

Lần tiếp theo anh ta cố rướn hết sức ném “phựt” khiến khối thịt gà trong bao tải vỡ làm đôi. Một miếng bay vèo vào tận trong nhà cách đó 5m, miếng kia nằm ngay dưới chân. Đứng quan sát, chúng tôi chứng kiến tất cả bốn lần anh ta thực hiện màn ném, đá thịt gà ngay trên nền gạch bẩn.

Bên cạnh là một “bãi chiến trường” khi một đống khay inox đang được hai thợ phụ dùng vòi tưới thay cho công đoạn rửa bằng tay. Sau một lúc săm soi khối thịt, người thanh niên nhanh chóng dùng chân đi dép lê lùa những miếng thịt nằm vung vãi lẫn trong cơm, rau thải và nước rửa chén giữa nền nhà cho vào nồi. Đôi dép lê dùng để lùa thịt gà là đôi dép người thanh niên đi khắp nơi, từ nhà vệ sinh đến ngoài đường. Một số miếng thịt thối được vứt ra nền nhà trước đó cũng được người thanh niên tống vào nồi.

Đến màn chặt thịt gà. Người thanh niên tiếp tục đặt thớt giữa nền nhà nhầy nhụa, hỗn tạp cơm, rau, nước rồi bặm môi chặt. Từng khối thịt cứng vì đông đá quá lâu ngày nhanh chóng được chặt bôm bốp thành những miếng nhỏ và lăn lóc giữa nền nhà bê bết nước. Bỏ qua công đoạn rửa sạch thịt, người thanh niên hốt thẳng đống thịt vào một thau lớn, cho gia vị rồi dùng tay trần nhào trộn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại cơ sở này những loại thực phẩm như rau, chả cá, canh... đều được thực hiện y như khâu làm thịt gà. Nghĩa là tất cả đều được vứt giữa nền nhà. Kể cả khay dùng đựng thức ăn cho công nhân chỉ được rửa qua loa bằng cách dùng vòi tưới.

yXDd38OP.jpgPhóng to
Nước lạnh được đổ vào xô để “chế biến” thành canh (ảnh chụp tại cơ sở nấu suất ăn công nghiệp ở vòng xoay An Phú, Dĩ An, Bình Dương) - Ảnh: H.L.

Chế biến canh từ nước lạnh

Sáng 24-4, chúng tôi có mặt tại một cơ sở nấu suất ăn công nghiệp ở vòng xoay An Phú (Dĩ An, Bình Dương) do ông chủ tên Bảo quản lý. Tại cơ sở này, dù ngày chủ nhật nhưng vẫn có trên mười thợ phụ quần quật chuẩn bị khẩu phần ăn cho trên 1.000 suất tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2. Từ khâu cắt thịt, bóc trứng, xào rau, nấu canh... đều được phân công từng người đảm nhiệm. Đặc biệt, tại đây khâu nấu canh được thực hiện bằng một “công nghệ” vô cùng đơn giản, nhanh gọn. Trong phần canh mang đến cho công nhân ăn chỉ có 30% là canh đã được nấu sôi và có tới 70% nước lạnh trộn lẫn vào.

Bỏ qua công đoạn phi hành mỡ, rau ngót sau khi rửa được một thanh niên to con bốc bỏ vào một nồi nước đang sôi sùng sục. Rau bỏ vào “luộc” được 5 phút, người thanh niên nhanh chóng vớt ra chia đều vào bốn xô lớn cạnh đó. Nước cũng được chia đều chứa khoảng 1/3 xô. Sau đó, anh ta lần lượt đổ vào mỗi xô canh thêm hai xô nước lạnh. Tất cả đầy lên. Việc cuối cùng của anh ta là cho vào mỗi xô canh một ít hành phi. Vậy là thoáng chốc nhà bếp đã chế biến xong món canh rau ngót láng váng mỡ hành.

Tại cơ sở này, ngoài công nghệ “phù phép” canh từ ít thành nhiều bằng nước lạnh, ở khâu chế biến thịt bò cũng vô cùng cẩu thả. Tại góc dành để nấu nướng, sau khi lỡ làm đổ thịt bò xuống nền nhà be bét nước một thanh niên thản nhiên bốc ngay vào chảo tiếp tục xào nấu. Khâu bóc vỏ trứng cạnh bên có tất cả bốn công nhân ngồi thực hiện thì sau một hồi làm việc một thanh niên gác hẳn cả hai chân lên vành thau đựng trứng. Trong màu nước vẩn đục, nhiều quả trứng bị dập toe toét lòng đỏ vẫn được ngâm và khi vớt ra cho luôn vào chảo dầu đang sôi.

------------------------------------

Khi phụ bếp bốc vào khay ba miếng thịt gà, người quản lý đi tới cầm từng miếng lên, phán: “Miếng này to quá, ba miếng hơi nhiều, bớt lại một miếng đi”. Rồi anh ta nhanh chóng bỏ miếng thịt gà vào khay khác, để lại hai miếng chỏng chơ cùng mấy cọng rau cải...

Kỳ tới: Chiêu thức quanh “suất ăn công nghiệp”

HOÀNG LỘC - ANH THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên