15/05/2011 02:47 GMT+7

Cơm công nhân từ bếp tới bàn - Kỳ 2: Phù phép quanh "suất ăn công nghiệp"

ANH THOA - HÀ MI- HOÀNG LỘC
ANH THOA - HÀ MI- HOÀNG LỘC

TT - Vào thời điểm cuối năm 2010, giá trung bình một suất ăn khoảng 10.000 đồng. Tuy nhiên, người nấu ăn cho rằng vẫn có thể nấu với giá 9.000 đồng. Giá tiền trung bình một suất ăn này thấp hơn so với giá đĩa cơm bụi trên phố.

Read this on Tuoitrenews.vn

YDy18U9g.jpgPhóng to

Dùng chân để xử lý nguyên liệu bữa ăn (ảnh chụp tại một cơ sở của Công ty MH tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, Bến Cát, Bình Dương) - Ảnh: H.L.

Kỳ 1:Màn trình diễn nhanh gọn trong bếp

Đa số cơ sở nấu ăn cho biết để ký được hợp đồng và duy trì việc nấu ăn tại doanh nghiệp phải chi thêm “phí giao tiếp” trên giá tiền một khẩu phần ăn. Như vậy trên thực tế giá tiền một suất ăn thật sự của công nhân sẽ thấp hơn nhiều so với giá trị trong hợp đồng.

Suất cơm của “tiền đong gạo đếm”

Tham gia một buổi chia khẩu phần cơm của cơ sở nấu suất ăn công nghiệp ở vòng xoay An Phú (thị xã Dĩ An, Bình Dương), chúng tôi thấy không khí chia khẩu phần ăn nơi này khá căng thẳng so với các công đoạn khác. Một phụ bếp liên tục nhắc nhở: “Trứng gà một quả, còn trứng cút năm quả, đừng quá!”. Bàn bên cạnh, một đầu bếp khác đếm từng cọng rau, miếng thịt bò...

Tính toán chi li là thế nhưng sau cả giờ loay hoay chia, hàng chục phần cơm vẫn thiếu đồ ăn, người phụ bếp lại đi bớt các khẩu phần ăn khác để “phần nào cũng có đồ ăn”.

Tại cơ sở thuộc Công ty MH nằm trên đường số 5 Khu công nghiệp Mỹ Phước 1 (Bến Cát, Bình Dương), chúng tôi chứng kiến kho chứa thực phẩm chất đống hàng loạt rau, củ, quả, trong đó một số rau đã chuyển thành màu vàng ố. Nằm sát bờ tường phía ngoài là hai sọt cà chua chín rũ, nhiều quả thối rữa.

Một thợ phụ ở đây cho hay: “Toàn bộ thực phẩm gồm thịt, rau, củ... được nhập về gần một tuần để xài dần. Hết lại gọi điện cho mối mang đến”. Tại bàn sắp đồ ăn vào khay hôm đó ba món được bày ra gồm gà chiên, trứng và rau luộc. Món rau luộc nục bấy thu hút đầy ruồi nhặng.

Khi một thợ phụ bốc vào khay ba miếng thịt gà thì người quản lý đi tới cầm lên từng miếng thịt cân nhắc: “Miếng này to quá, ba miếng hơi nhiều, bớt lại một miếng đi”. Rồi nhanh chóng bỏ miếng thịt gà kia vào khay khác, để lại hai miếng chỏng chơ cùng mấy cọng rau cải.

Một chiêu thức khác: để “bóp” tối đa khẩu phần ăn của công nhân, nhiều cơ sở còn sử dụng chiêu thức ngâm gạo nhiều giờ liền trong nước. Khi nấu hạt gạo sẽ nở phình to hết cỡ nên rất lợi về cơm.

H., từng phụ bếp trong một công ty tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, tiết lộ: tiền chi phí cho một suất ăn của công nhân chỉ tầm 10.000 đồng gồm các thực phẩm như rau, thịt, trứng... nhưng thực tế hầu hết các loại thực phẩm trên đều chỉ đạt chất lượng loại 2, loại 3, thậm chí thực phẩm quá đát. Những cơ sở hay sử dụng các loại rau bị sâu, già... ít người mua nên giá thành chỉ bằng một nửa các loại rau ngon bán trên thị trường.

Giá nào cũng có

Chị Hồng, một người nấu ăn nhiều năm cho nhiều doanh nghiệp ở TP Biên Hòa, Đồng Nai chia sẻ: “Bây giờ công nhân muốn ăn một miếng ngon khó lắm!”. Theo chị, với giá cả như lúc này một suất ăn công nhân 20.000 đồng mới đảm bảo được dinh dưỡng. Còn với mức giá doanh nghiệp hợp đồng (chưa kể chi hoa hồng cho đối tác) suất ăn cho công nhân thấp như hiện nay, chủ bếp ăn cũng phải tính toán theo kiểu “tiền nào của nấy” để kiếm lời.

Chính vì vậy mà nguyên liệu gạo, thịt, rau... cũng có năm bảy đường. Chị Hồng cho biết đang ký hợp đồng với một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cung cấp mỗi bữa ăn 200 suất (mỗi suất 13.000 đồng).

“Nếu mua rau, thịt, gạo có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng thì không thể nào lời được. Bởi tôi biết tính toán cách chế biến cùng với mua thực phẩm nào giá rẻ nhất thì làm ra một suất cơm đến tay công nhân cũng đã 12.000 đồng rồi. Có lương tâm thì lời ít, còn không thì người ta mua nguyên liệu là rau dạt, thịt ôi được tẩm mới như thật. Giá hợp đồng cỡ nào đầu bếp cũng nấu được, chỉ có công nhân hưởng thụ bữa ăn của giới chủ là thiệt thôi” - chị Hồng thẳng thừng.

Để nhận nấu cơm cho công nhân ở các công ty, các cơ sở nấu suất ăn công nghiệp thường đi khảo sát để xem “sức ăn” của công nhân. Nếu công nhân ngành công nghiệp nặng, lao động thể lực thì doanh nghiệp “lắc đầu” hoặc đòi mức giá cao.

Một người quản lý Công ty V (chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 2) cho biết: “Nếu tổ chức bếp ăn tại doanh nghiệp thì chi phí sẽ đỡ tốn kém hơn, bữa cơm công nhân sẽ chất lượng hơn. Cụ thể tổ chức bếp ăn tại công ty thì mức giá thấp nhất hiện nay là 13.000 đồng. Còn nếu đặt cơm nấu ở nơi khác đưa đến thì mức giá thấp nhất hiện nay là 15.000 đồng. Nhưng chúng tôi phải xem sức ăn của công nhân mới đưa ra được mức giá, nếu công nhân ăn nhiều thì phải tăng giá”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi hiện nay dù giá cả biến đổi, nhiều doanh nghiệp đặt cơm cho công nhân vẫn chỉ với mức giá 10.000 đồng, thậm chí chỉ dưới 9.000 đồng. Để kiếm được lợi nhuận bù đắp vào khoản tiền hoa hồng phải chung chi, rồi chi phí nhân công, thuê mặt bằng, các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp đã tìm đủ cách “bóp” bữa cơm công nhân. Mua hàng quá đát, bớt xén trong khẩu phần ăn... là nguyên nhân chính khiến khẩu phần ăn của công nhân ngày một teo tóp.

Một nhân viên của Công ty MH (chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Bình Dương) khoe: “Hiện nay chúng tôi đang nấu suất ăn cho một công ty gia công dệt may ở thị xã Thuận An với giá cơm chỉ 9.300 đồng. Giá cả lên, nấu khẩu phần ăn như thế rất khó khăn nhưng làm được hết. Về nguyên liệu chế biến, nếu giá thị trường mua 90.000 đồng thì chúng tôi chỉ mua với giá hơn 80.000 đồng”.

“Hoa hồng” cắt xén bữa ăn

Ông H.S.Đ., phó giám đốc Công ty MH (chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Bình Dương), chào mời: “Nếu anh đưa tụi tôi vào được công ty nấu ăn thì sẽ chi ngay cho anh 5 triệu trước để “ngoại giao”. Sau đó, hằng tháng sẽ trích ra 5% hoa hồng trên tổng số tiền mà doanh nghiệp đặt suất ăn công nghiệp”.

Chi phí trích “hoa hồng”, chi phí nhân công, phí vận tải chuyên chở... đều được các cơ sở khấu trừ ngay vào khẩu phần cơm công nhân. Ông Đ. cho biết: “Tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, chúng tôi đang cung cấp suất ăn cho khoảng 500 công nhân Công ty S, nhưng nói thật do quen biết nên hằng tháng chỉ chung chi hoa hồng khoảng vài triệu đồng cho quản lý nhân sự, thường thì phải chung chi cho ba người quản lý vụ cơm nước”.

Tại doanh nghiệp Tư Ru ở ấp Lồ ồ, xã An Tây, huyện Bến Cát, Bình Dương, bà Liễu, một quản lý ở đây, ngã giá: “Nếu ký được hợp đồng sẽ chung ngay cho anh 4 triệu đồng tiền hoa hồng và hằng tháng sẽ chung thêm khoảng 2,5 triệu đồng (tùy theo doanh số). Mấy công ty kia tụi tôi cũng trích hoa hồng gửi vào tài khoản riêng”.

________________________

Công nhân thì than khó ăn, doanh nghiệp thì bảo cố gắng xoay xở, còn cơ quan chức năng cũng bó tay vì chỉ có thể kiến nghị doanh nghiệp nâng chất bữa ăn chứ không thể bắt buộc được.

Kỳ cuối: Loay hoay bài toán khó

ANH THOA - HÀ MI- HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên