13/09/2013 12:45 GMT+7

Coi chừng dấu vết nghề nghiệp trên con em

DẠ NGÂN
DẠ NGÂN

TT - Những người là lính nói chung (quân nhân, công an, cảnh sát...) thường có tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán nhưng cũng rất dễ có những lời quân lệnh với con.

Dạy gì cho một đứa trẻ?Đến nghe buổi nói chuyện của GS. Ngô Bảo ChâuKhi mẹ dùng roi...

Những người làm nghề kế toán thường tính toán nhanh nhưng cũng rất hay nói chuyện tiền nong nọ kia trước mặt con.

Những người làm nghề mô phạm thường mực thước chân chỉ nhưng cũng dễ cứng nhắc và yêu cầu khuôn khổ thái quá với con.

Những người là văn nghệ sĩ thường mẫn cảm, thoải mái nhưng cũng ít khi tránh khỏi những câu chuyện “quá sức chịu đựng” trước mặt con.

Vân vân và vân vân.

Nghề viết văn của tôi được nhiều mặt cho con, ví như thói quen đọc sách, sự mê say thế giới của hiểu biết và thật sự sống theo phương châm “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Hơn thế, bạn bè khách khứa nhà mình thường đem đến cho con sự ngưỡng mộ và cả thú vị. Nhưng mặt trái của nghề này là sự cau có thường trực khi mình đang “cày” một cái gì. Con nó thấu hiểu sớm điều đó và tuổi thơ của con thường phải nghe ngóng: mẹ đang bực bội tức là mẹ đang thai nghén hay viết một cái gì, mẹ vui đùa nhiều với con tức là mẹ đang bí, mà bí là không chắc có gì để in, vì vậy, không chắc có gì để đi chợ!

Dạy gì cho trẻ? Thật sự chúng ta không biết mình phải dạy gì. Nghĩ phải dạy gì tức là đã nghĩ một cách máy móc rồi đó. Mỗi ngày có biết bao điều đến với ta và xuất hiện trong đầu ta, làm chủ được mình mỗi ngày đã khó huống chi từ công sở hay nơi kiếm sống về nhà còn nghĩ hôm nay ta dạy gì cho con?

Bản thân mỗi chúng ta là một tấm gương di động trong nhà và cả ngoài đường cho trẻ. Đừng nghĩ con trẻ không nhìn là không thấy. Chúng cảm hành vi cha mẹ bằng tất cả giác quan non nớt và nhạy cảm của chúng. Chúng ta ăn, chúng ta nói (cả khi nói chuyện điện thoại), chúng ta ngồi với nhau (cả khi nằm trên giường vợ chồng của mình), chúng ta kê lại cái gối, chúng ta bật công tắc đèn đọc, chúng ta cầm lên cuốn sách, chúng ta ra khỏi giường, chúng ta xếp mền dọn gối kéo thẳng drap, chúng ta đánh răng, chúng ta chải tóc... tất cả đều từ văn hóa nền và tâm hồn, tính cách chúng ta được hình thành từ thơ bé. Chúng ta không được quên rằng trẻ nhìn chúng ta và ghi nhận, thẩm thấu như một cánh đồng lúa thẩm thấu ánh sáng và sương chiều, những yếu tố sẽ làm nên hạt lúa.

Nhưng chỉ có như vậy thì chúng ta thành những tấm gương câm. Cần trò chuyện với con mọi lúc mọi nơi, mọi việc. Một ông bố chan hòa và hay lam hay làm nhất định đứa con sẽ hiền từ, tốt bụng. Nhưng một người mẹ hay làm chưa đủ. Một người mẹ là một cái đài truyền thanh của con mình, chúng cần điều đó còn hơn cơm ăn và nước uống. Vấn đề là nói cái gì và nói như thế nào. Khoa học đã chứng minh một đứa trẻ hay là đứa được mẹ thai giáo từ lúc còn trong bụng mẹ. Chúng ta, những người mẹ khi còn trẻ rất cần giao tiếp bằng lời với con mọi lúc để chúng phát triển ngôn ngữ, để chúng hiểu và a tòng với mẹ về quan niệm và cùng với mẹ trong hành vi.

Rất nhiều gia đình có những đứa con cộc cằn, không có ngôn ngữ giao tiếp và tâm tư chúng như những con ốc vì bà mẹ (chứ không ảnh hưởng từ ông bố) lầm lì, kín bưng, nặng nhọc đeo đá.

Mười năm đầu của đứa trẻ quan trọng nhất, quan trọng hơn bất kỳ giai đoạn nào. Và người mẹ luôn là quan trọng nhất với con, lúc ấy. Hãy mở lòng, hãy biết hát hò dù chút ít, hãy nhẹ nhõm vui tươi, hãy nhớ mình luôn là một diễn viên sáng giá mà khán giả là con mình đang chờ đợi với tất cả sự khát khao vươn tới, thành tâm và trong suốt.

Vì vậy, nếu là quân nhân hãy thận trọng khi hành xử và ra lệnh. Nếu là kế toán hãy ít tính toán với chung quanh. Nếu là cô giáo hãy phóng khoáng với những bộc lộ cái tôi của con. Và nếu là văn nghệ sĩ - giờ đã làm bà tôi vẫn nhắc nhở mình - hãy nói năng cẩn trọng về tất cả những vấn đề đao to búa lớn trước một đứa trẻ.

DẠ NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên