23/05/2012 07:02 GMT+7

"Có việc làm gì không, giúp em với..."

NGUYỄN ĐƯỚC (Quận 5, TP.HCM)
NGUYỄN ĐƯỚC (Quận 5, TP.HCM)

TT - Cạnh phòng trọ tôi đang thuê là phòng trọ của hai chị em quê ở Quảng Nam cũng đang thuê trọ. Người chị tên Y, đang làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân bán linh kiện máy vi tính ở quận Bình Thạnh, còn người em đang học năm 4 khoa thủy lợi Đại học Bách khoa TP.HCM sắp ra trường.

Hơn một tuần nay Y không đi làm, hỏi ra mới biết Y đang bị thất nghiệp. Doanh nghiệp nơi Y làm đang gặp nhiều khó khăn nên phải cắt giảm lao động, trong đó có Y. Chủ doanh nghiệp nói nhân viên đã gắn bó với công ty nhiều năm nay cần cảm thông cho sự khó khăn chung này, công ty vẫn còn lưu giữ hồ sơ, khi nào kinh doanh tốt hơn sẽ liên lạc lại.

Từ khi thất nghiệp Y tranh thủ đi tìm việc. Xem trên báo, trên mạng thấy chỗ nào có thông tin tuyển dụng phù hợp với năng lực, Y cũng tìm đến nộp hồ sơ mong sao có được việc làm ổn định cuộc sống và lo cho đứa em ăn học, nhưng đến nơi nào cũng đều nhận được trả lời cứ để hồ sơ đó và chờ điện thoại liên lạc mời phỏng vấn.

Có lần chiều gặp tôi đi làm về, Y buồn buồn hỏi: “Anh xem có việc làm gì, hay quen biết với ai thì giới thiệu giúp em với. Ở nhà 10 ngày rồi em thấy nản quá, em đang khó khăn, nào là lo cho em ăn học, tiền nhà trọ cũng đã đến nữa...”. Nghe Y nói, tôi thật sự hết sức ái ngại và xót xa cho hoàn cảnh của hai chị em, nhưng làm sao giúp được khi chính bản thân tôi công việc nhiều lúc cũng bấp bênh. Tôi cũng như Y, từ quê vào học xong ra trường ở lại TP.HCM làm việc, có quen ai thân thiết đâu mà nhờ vả.

Cách đây mấy hôm, cha Y đã tranh thủ từ quê Quảng Nam vào thăm hai con. Người cha mới bước vào tuổi 50 mà giống như đã ngoài 60 do cái vẻ hom hem, lam lũ của người nông dân quê nghèo. Anh cho biết nghe hai con đang gặp khó khăn nên tranh thủ mang vào vài chục ký gạo, chục trái đu đủ xanh, vài chai dầu phộng ở quê vào tiếp tế cho con.

Ngồi trò chuyện với tôi, anh than với chất giọng đặc sệt của người xứ Quảng: “Ngày hai chị em tụi nó thi đại học, tui mong nó đậu trường ở Đà Nẵng cho gần nhà, đỡ phải tốn kém chi phí, nhưng cuối cùng nó lại đậu trường trong này. Thôi thì đành phải ráng cho tụi nó ăn học đàng hoàng chứ biết làm sao. Đời tụi tui ở quê dốt nát không lẽ để cho tụi nhỏ dốt như mình thì xót xa lắm. Chú xem có việc chi giúp và chỉ bảo cho em với”.

Thời gian gần đây, tin tức trên báo đài nói về nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân... đang đứng trước bờ vực giải thể, phá sản hoặc phải cắt giảm lao động để giảm chi phí. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều người lao động phải thất nghiệp, cuộc sống của họ sẽ lâm vào khó khăn như hai chị em Y. Chỉ mong sao Nhà nước có những giải pháp căn cơ, hữu hiệu để giúp doanh nghiệp vượt khó, ổn định lại sản xuất, để những người lao động đang làm việc xa quê như chúng tôi có được việc làm ổn định trở lại nhằm đảm bảo cho cuộc sống của mình và người thân bên cạnh cũng như người thân ở quê nhà bớt lo lắng.

NGUYỄN ĐƯỚC (Quận 5, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên