30/06/2023 09:40 GMT+7

Có thể ngăn dịch 'đến hẹn lại lên'?

Những dịch bệnh được xem như "đến hẹn lại lên" như tay chân miệng, sốt xuất huyết đã trở nên căng thẳng hơn trong năm nay.

Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ đó, câu hỏi được đặt ra là có thể chuyển trạng thái từ tất bật điều trị sang chủ động phòng ngừa những dịch bệnh này như một số bệnh truyền nhiễm đang lưu hành khác hay không?

Vấn đề này được quan tâm hơn, khi tại buổi làm việc ngày 23-6 với UBND TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay vừa có một công ty sản xuất vắc xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược và dự kiến đến cuối năm vắc xin này sẽ được cấp phép.

Ca nặng nhiều, thuốc giới hạn

Số ca mắc tay chân miệng đã liên tục tăng trong tháng 5 và 6 năm nay. Trong tuần gần nhất, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết số mắc tay chân miệng đã tăng 26,5% so với tuần trước đó.

Tích lũy từ đầu năm, cả nước đã ghi nhận xấp xỉ 15.000 ca bệnh với 6 ca tử vong. So với cùng kỳ 2022, số mắc tay chân miệng giảm nhưng số tử vong lại tăng 3 ca và lý do theo đánh giá của các chuyên gia là do tỉ trọng ca mắc chủng EV71 (chủng gây bệnh cảnh nặng) chiếm tỉ lệ cao.

"Các giám sát vi sinh học phân tử hiện cho thấy chủng EV71 gây bệnh tay chân miệng tại miền Nam thuộc tuýp B5, đây là nhóm tác nhân cùng tuýp C4 gây bệnh cảnh nặng tại miền Nam từ năm 2011 đến nay" - báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM cho biết.

Vì sao lại thiếu thuốc đặc trị? Do khó ở khâu nhập khẩu, sản xuất hay ở đâu mà cứ liên tục có tình trạng có dịch lại thiếu thuốc? Thông tin của Tuổi Trẻ cho biết thuốc Immunoglobulin là chế phẩm sản xuất từ máu, trong những năm dịch COVID-19 việc hiến - nhận máu gặp khó khăn dẫn đến sản xuất chế phẩm này cũng gặp khó theo.

Tuy nhiên, cũng có vấn đề liên quan đến khâu dự trù của bệnh viện khi nhiều bệnh viện không có dự trù (đặt hàng) nên khi có dịch và bệnh nhân cần thuốc thì chính đơn vị nhập khẩu cũng khó xoay xở.

Với dịch sốt xuất huyết, năm 2021 rất nhiều dịch truyền cao phân tử sử dụng cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải hủy vì hết hạn, có những bệnh viện đặt hàng số lượng lớn nhưng đến khi hàng về và không có bệnh nhân thì… họ không lấy hàng, nhà nhập khẩu bị ế, hủy hàng dẫn đến năm 2022 họ không nhập nữa.

Nhưng năm 2022 dịch sốt xuất huyết lại tăng cao và không có đủ dịch truyền cao phân tử cho bệnh nhân.

"Immunoglobulin điều trị tay chân miệng đặt hàng có thể sản xuất ngay (nếu có đủ nguyên liệu), còn dịch truyền cho bệnh nhân sốt xuất huyết thì đặt hàng 3-4 tháng mới có, nhà nhập khẩu rất ngại tình trạng bệnh viện hoặc là lấy rất nhiều nếu có dịch, hoặc là không lấy, năm nay thuốc đặc trị thiếu là vì vậy" - một chuyên gia chia sẻ.

Việt Nam hiện chưa có vắc xin phòng bệnh chân tay miệng dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhi trở nặng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Việt Nam hiện chưa có vắc xin phòng bệnh chân tay miệng dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhi trở nặng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cơ hội nào cho vắc xin ngừa tay chân miệng, sốt xuất huyết?

Nhiều bệnh truyền nhiễm đang lưu hành ở Việt Nam hiện nay đều đã có vắc xin phòng ngừa. Như DPT-VGB-HiB phối hợp "5 trong 1" sử dụng trong tiêm chủng mở rộng phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib; BCG phòng lao; Jevax và IMOJEV phòng viêm não Nhật Bản; bOPV phòng bệnh bại liệt và mới nhất là vắc xin phòng ngừa dịch COVID-19.

Trong khi đó, việc không có vắc xin nhưng dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành, khó tránh khỏi đến mùa dịch lơ là là ca mắc tăng.

Chỉ riêng tại TP.HCM, từ ngày 19 đến 25-6 số ca mắc và nhập viện vì bệnh tay chân miệng tại TP.HCM tiếp tục tăng nhanh, song song đó bệnh sốt xuất huyết cũng có chiều hướng tăng dần.

Chỉ trong vòng sáu ngày, toàn TP.HCM ghi nhận 779 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước (360 ca). Số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 1,8 lần và 2,8 lần.

Cùng thời điểm này, TP.HCM ghi nhận có gần 200 ca mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước. Vì thế hy vọng có vắc xin sẽ đỡ được những ca bệnh nặng, ca tử vong mỗi mùa dịch.

Nhiều năm trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc tay chân miệng, bác sĩ Dư Tuấn Quy (Bệnh viện Nhi đồng 1) nói nhiều thời điểm cùng đồng nghiệp phải "căng mình" chăm sóc điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Vào thời điểm nóng bỏng năm 2018, mỗi ngày khoa nhiễm - thần kinh của bệnh viện tiếp nhận đến 240 ca tay chân miệng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp (TP.HCM) - chia sẻ không vội kỳ vọng quá nhiều bởi nếu có vắc xin cũng chưa hẳn là "cây đũa thần" giải quyết mọi tình huống.

"Vắc xin gì, nước nào sản xuất, dành cho nhóm nào, chủng loại nào, hiệu quả ra sao là những vấn đề phải tìm hiểu thấu đáo dù có được vắc xin sớm là điều rất mừng, ai cũng chờ đợi" - ông Hòa nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Dương Hữu Thái - viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) - cho biết hiện nay ở một số nước trên thế giới, vắc xin phòng sốt xuất huyết và tay chân miệng đã được đăng ký cấp phép.

Còn ở trong nước, theo ông, cũng có thể đang có các nhà sản xuất tìm cách phát triển vắc xin ở các mức độ khác nhau như sản xuất, hợp tác nghiên cứu hoặc gia công.

Khi trong nước chưa sản xuất được các loại vắc xin này, ông Thái cho rằng việc chủ động định hướng nhập khẩu vắc xin phòng ngừa là điều rất cần thiết.

"Việt Nam là quốc gia nằm trong bản đồ dịch tễ của các loại bệnh này nên việc có vắc xin phòng ngừa là việc rất cần tính toán, không nhất thiết phải sản xuất trong nước.

Dĩ nhiên, việc phát triển vắc xin không phải một sớm một chiều nhưng sẽ có nhiều con đường đi. Việc này nằm ở nhà hoạch định chính sách nhiều hơn, chứ không còn nằm ở các nhà sản xuất và nhập khẩu vắc xin" - ông Thái nói.

Theo Cục Quản lý dược, hiện có một công ty ở Đài Loan phát triển vắc xin ngừa tay chân miệng, Viện Pasteur TP.HCM đã tham gia khâu nghiên cứu ở Việt Nam.

"Không phải vì cần vắc xin mà đánh đổi vấn đề an toàn, hiệu quả của vắc xin, nhưng chúng tôi cũng đề nghị họ có thể nộp hồ sơ theo hình thức cuốn chiếu, tức là có dữ liệu nào, nghiên cứu nào, hồ sơ nào có thể nộp trước để xem xét trước.

Hiện chưa có kết quả nghiên cứu tại Việt Nam nhưng họ có nghiên cứu ở Trung Quốc trước đó và nhận định chủ quan của tôi cho rằng kết quả có thấy những "hứa hẹn" rằng có thể sắp tới sẽ có vắc xin này" - vị đại diện này chia sẻ.

Khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) những ngày qua tiếp nhận nhiều trẻ mắc tay chân miệng - Ảnh: D.PHAN

Khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) những ngày qua tiếp nhận nhiều trẻ mắc tay chân miệng - Ảnh: D.PHAN

Thuốc chỉ giải "cơn khát"

Một chuyên gia về dược chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng dù có rất nhiều nỗ lực thì cuối tháng 6 này có khoảng 6.000 chai thuốc điều trị tay chân miệng được cung cấp cho các bệnh viện và chỉ là "giảm cơn khát" thuốc.

Phải nói rõ là không phải bệnh nhân tay chân miệng nào cũng cần loại thuốc đặc trị này, nhưng ca nặng không có thuốc thì rất khó khăn.

Theo đại diện Cục Quản lý dược, hiện có nhiều công ty có số đăng ký Immunoglobulin nhưng hàng thiếu trên toàn cầu.

"Sau chuyến hơn 6.000 chai cuối tháng 6, chúng tôi được biết sắp tới có thêm một chuyến Immunoglobulin sẽ về" - đại diện cục cho biết.

Doanh nghiệp cũng đang đàm phán

Đại diện một trung tâm tiêm chủng lớn trong nước cho biết hiện Việt Nam chưa có vắc xin phòng ngừa dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết. Đơn vị này cũng đang trong giai đoạn nỗ lực đàm phán với một số nhà phát triển vắc xin.

"Tuy vậy, vắc xin tay chân miệng mới chỉ ở dạng tiềm năng, tức chưa được cấp phép lưu hành theo kiểu thương mại. Còn vắc xin sốt xuất huyết trước đây chúng tôi cũng có một vài cuộc tiếp xúc đàm phán với các công ty nước ngoài nhưng nhận thấy hiệu quả chưa cao" - vị đại diện này nói.

Đó là lý do tại sao một số doanh nghiệp trong nước "dè chừng" xin phép nhập khẩu hai loại vắc xin này.

Vị này nói: "Với doanh nghiệp, chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp cận với các loại vắc xin đã được chứng minh rất tốt về mặt khoa học, phải chắc chắn mới dám nhập bởi mặt hàng này rất rủi ro".

Trong trường hợp các loại vắc xin đáp ứng các yêu cầu khoa học, doanh nghiệp hoàn toàn có đủ năng lực để nhập khẩu nhanh nhất và tiêm chủng cho cộng đồng.

Vắc xin Dengvaxia là vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới được phê chuẩn vào năm 2015 - Ảnh: MGH Journal

Vắc xin Dengvaxia là vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới được phê chuẩn vào năm 2015 - Ảnh: MGH Journal

Nhiều nước sử dụng vắc xin phòng tay chân miệng, sốt xuất huyết

Trên thế giới đã có các loại vắc xin phòng tay chân miệng, sốt xuất huyết và các loại vắc xin này mang lại hiệu quả tích cực.

Vắc xin sốt xuất huyết

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc sốt xuất huyết và đây là căn bệnh đe dọa khoảng một nửa dân số thế giới.

Năm 2015, vắc xin ngừa sốt xuất huyết đầu tiên được phê chuẩn trên thế giới là vắc xin Dengvaxia của Hãng dược Sanofi (Pháp). Cho đến nay, theo Hãng tin Reuters, Dengvaxia được cấp phép tại ít nhất ở 12 nước gồm Mexico, Philippines, Brazil, El Salvador, Costa Rica, Paraguay, Guatemala, Peru, Indonesia, Singapore, Thái Lan và Mỹ (mới cấp phép năm 2022).

Dengvaxia gồm 3 liều tiêm dưới da, mỗi liều cách nhau 6 tháng. Khác với các vắc xin khác, Dengvaxia được khuyến nghị chỉ dùng với những người đã từng nhiễm vi rút sốt xuất huyết.

Sanofi thừa nhận năm 2017 rằng với những ai chưa từng mắc bệnh mà mắc bệnh sau khi tiêm vắc xin thì nguy cơ bị bệnh nặng và phải nhập viện sẽ lớn hơn.

Việc chỉ định dùng vắc xin này cho lứa tuổi nào là tùy vào đánh giá của mỗi nước, không hoàn toàn giống nhau.

Chẳng hạn, Bộ Y tế Singapore khuyến nghị dùng vắc xin này cho những người trong độ tuổi từ 12 - 45, trong khi CDC Mỹ chỉ cho phép dùng vắc xin Dengvaxia với trẻ từ 9 - 16 tuổi. CDC Mỹ không cấp phép dùng Dengvaxia cho người trên 16 tuổi vì chưa đủ dữ liệu về hiệu quả của vắc xin này với người thuộc độ tuổi đó.

Về hiệu quả tổng thể, theo CDC Mỹ, Dengvaxia giúp tăng hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết, giảm nguy cơ phải nhập viện và bị bệnh nặng tới 80%.

Vắc xin này giúp con người kháng lại bốn chủng vi rút gây sốt xuất huyết là 1, 2, 3 và 4 theo phân loại của WHO. Hiện vẫn còn những tìm hiểu thêm về thời hiệu của Dengvaxia và tới nay, theo CDC Mỹ, Dengvaxia có thể có hiệu lực trong ít nhất 6 năm.

Ngoài các cơ sở y tế thông thường, ở Mỹ, vắc xin này cũng được bán ở các hiệu thuốc.

Cũng theo Bộ Y tế Singapore, ngoài Dengvaxia hiện có khoảng sáu ứng cử viên vắc xin sốt xuất huyết khác đang ở các giai đoạn phát triển lâm sàng khác nhau.

Trong đó có vắc xin QDENGA của Hãng dược Takeda (Nhật Bản) cũng đang nổi lên như một ứng viên tiềm năng hơn cả. Vắc xin QDENGA tới nay đã được cơ quan y tế tại Brazil, Indonesia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào so sánh trực tiếp giữa vắc xin của Sanofi và vắc xin của Takeda nhưng Hãng tin Reuters dẫn đánh giá của các chuyên gia y tế EU vào tháng 10-2022 cho rằng QDENGA có phổ bảo vệ rộng hơn, bao gồm cả trẻ em và những người trên 45 tuổi. QDENGA bắt đầu có mặt tại một số nước châu Âu từ đầu năm 2023.

Vắc xin tay chân miệng

Cho tới nay, dòng vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng được nhắc tới nhiều nhất là nhóm vắc xin EV71 bất hoạt do Viện Nghiên cứu các sản phẩm sinh học Vũ Hán (Trung Quốc) phát triển.

Năm 2016, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Trung Quốc đã cấp phép cho vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng B-EV71 cho trẻ từ 6 - 35 tháng tuổi.

Theo nghiên cứu đánh giá về tính sinh miễn dịch và độ an toàn của vắc xin này công bố ngày 29-7-2022 trên tạp chí y khoa The Lancet, vắc xin này đã được chỉ định dùng cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 35 tháng và đã được chứng minh là an toàn, hiệu quả và sinh miễn dịch tốt.

Nghiên cứu trên Lancet cũng chỉ ra đánh giá của nhóm các nhà khoa học cho rằng B-EV71 cũng an toàn cho trẻ từ 36 - 71 tháng tuổi.

Theo báo cáo công bố vào cuối năm 2020 của WHO, hiện có nhiều loại vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng đang được phát triển tại Trung Quốc và đã có ít nhất 3 loại vắc xin EV71 bất hoạt được cấp phép tại nước này.

Kể từ năm 2016, khoảng 72,6 triệu liều vắc xin EV71 đã được tiêm cho trẻ và chưa ghi nhận phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Khi so với tổng số ca đã chết vì bệnh tay chân miệng giai đoạn 2010-2015, số ca chết vì bệnh này trong giai đoạn 2018 - 2019 đã giảm lần lượt 93% và 96%.

Hiện có một số vắc xin EV71 đang được phát triển tại Trung Quốc và một số nước và vùng lãnh thổ khác như Singapore, Đài Loan…

Ngày 17-11-2022, Indonesia cấp phép cho việc dùng vắc xin có tên thương mại là Inlive (thuộc dòng vắc xin EV71 bất hoạt), do Công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) sản xuất, với trẻ từ 6 tháng tới 3 tuổi.

Tại Trung Quốc, vắc xin Inlive được mở rộng cho trẻ từ 6 đến 71 tháng tuổi kể từ năm 2021 trong phòng bệnh tay chân miệng.

D.KIM THOA (tổng hợp)

WHO kêu gọi tiêm chủng bù vắc xin quy mô lớnWHO kêu gọi tiêm chủng bù vắc xin quy mô lớn

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế nào về công tác tiêm chủng tại Việt Nam? Trước mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cần làm gì?


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên