14/09/2013 07:07 GMT+7

Có nhiều khoảng trống cần lấp đầy

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT * Ông Nguyễn Đức Thạc (Hà Nội):

Cùng nhau “lấp đầy”

Tại sao lại là “Dạy gì cho trẻ?”, bởi trước hết phải là “dạy trẻ để làm gì?” và “dạy để trẻ làm gì?”, cũng tức là mục đích, mục tiêu của dạy. Theo đó còn là tổ chức, quản lý điều hành sự dạy; kiểm tra - đánh giá chất lượng, hiệu quả dạy rồi là khen thưởng, kính tặng danh hiệu thi đua “dạy tốt” với rất nhiều lễ lạt tưng bừng. Lại nữa cùng với dạy là học, “hai trong một”, “một mà là hai” và ai dạy, cha mẹ, thầy cô, người lớn?

dk51ynbj.jpgPhóng to
Giờ ăn ở Trường mầm non Sơn Ca 11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Học sinh tự lấy cơm và thức ăn - Ảnh: H.Hg.

Và cả Internet, mạng xã hội lẫn lộn thật giả đang không ngừng dạy khôn, xui dại trẻ. Những người tự nhận, được phong, được giao phó nhiệm vụ dạy cho trẻ họ có thật “thầy ra thầy” để “trò ra trò”, “dạy ra dạy”, “học ra học”? Những gì đã và đang được đăng tải trên diễn đàn này của Tuổi Trẻ như một lẽ tự nhiên, một tất yếu đã đụng chạm đến nhiều điều, cũng là không chỉ “có một khoảng trống” mà thật sự có nhiều khoảng trống cần lấp đầy.

Xin hãy cùng nhau “lấp đầy” khoảng trống trước hết là “dạy trẻ để làm gì?”, “dạy để trẻ làm gì?”, tức là mục đích, mục tiêu của sự dạy, sự học.

* Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (phó trưởng Phòng Giáo dục - đào tạo Q.3, TP.HCM):

Khuynh hướng “bảo bọc” con

Đối với lứa tuổi mầm non (2-5 tuổi), trẻ bắt đầu tìm hiểu về thế giới xung quanh nên việc giáo dục trẻ trong giai đoạn này mang tính chất tạo “nền móng”. Điều quan trọng nhất là phải dạy trẻ có kỹ năng tự phục vụ (tự xúc cơm ăn, tự lau mặt, thay quần áo, tự đánh răng, tự dọn đồ chơi sau khi chơi...); kỹ năng giao tiếp đúng mực với người xung quanh (cách xưng hô, chào hỏi người lớn tuổi hơn mình, người bằng tuổi mình...); biết quan tâm và giúp đỡ người xung quanh (khi mẹ ốm biết lấy nước cho mẹ uống thuốc, biết lấy khăn chườm mát cho mẹ...).

Tất cả những kỹ năng đó mới nghe qua thấy rất đơn giản nhưng góp phần hình thành nhân cách cho đứa trẻ sau này. Phụ huynh cần nhắc nhở, đôn đốc, thậm chí cùng thực hành với con.

Tôi có cảm giác phụ huynh thời nay ít con nên có khuynh hướng bảo bọc con, làm thay cho bé tất cả, cung cấp cho bé đầy đủ nhu cầu về vật chất cũng như tinh thần. Thế nên có trẻ đã vào trung học vẫn chưa biết hết những kỹ năng tự phục vụ bản thân. Thế nên có trẻ rất vô tư trước mọi việc diễn ra xung quanh, kể cả khi những người thân của mình gặp phải sự cố trong cuộc sống.

* Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan (trưởng khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM):

Tôn trọng quyền của con

Con gái lớn của tôi năm nay đã 19 tuổi (sinh viên năm 2 Trường ĐH Y dược TP.HCM - PV). Nếu như một số bà mẹ cấm con yêu đương khi còn đang đi học thì tôi không cấm. Bởi tôi hiểu càng cấm đoán thì sự phản kháng càng mạnh.

Tôi biết cuộc sống ngày nay có rất nhiều cạm bẫy và tôi nói chuyện với con về cách “chủng ngừa”. Tôi khuyên con không nên tạo điều kiện để hai người quá thân mật, bởi có những lúc lý trí không thể thắng được bản năng. Việc mang thai sớm không chỉ tự đánh mất mình mà còn có thể nhiễm bệnh.

Được cái con tôi rất hay tâm sự với mẹ. Có lần cháu kể với mẹ rằng đang mến một bạn “học dở toàn diện” (trong khi con gái học rất tốt). Có thể các bà mẹ khác nghe chuyện xong sẽ ngăn cản, sẽ phân tích rằng con có thể tuột dốc theo bạn... Tôi thì không, tôi nói với con: “Có thể bạn ấy có điểm mạnh nào đó mà con chưa nhận ra, có thể bạn ấy bất mãn một điều gì đó hoặc bạn ấy không coi trọng điểm số. Nếu thích con cứ chơi với bạn ấy. Và rất có thể đến một lúc nào đó, khi phát hiện điểm không phù hợp thì con sẽ nghỉ chơi với bạn ấy”. Và sau đó một thời gian, con gái đã không còn mến bạn ấy nữa.

Tóm lại, ba mẹ hãy tôn trọng quyền của con. Hãy cung cấp cho con những kỹ năng để có thể phân biệt được đúng - sai, xấu - tốt chứ mình không thể nào kiểm soát hoặc kèm cặp con cả đời được.

* Tiến sĩ giáo dục học Võ Văn Nam (khoa tâm lý - giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM):

Giáo dục trẻ biết kiềm chế

Nếu như ở độ tuổi nhi đồng, gia đình quyết định việc hình thành nhân cách đứa trẻ thì ở độ tuổi thiếu niên yếu tố xã hội (đại diện là bạn bè đồng trang lứa của các em) tác động mạnh mẽ hơn. Ở độ tuổi này, các em có thể không tuân thủ theo pháp luật, không nghe theo lời răn dạy của ba mẹ nhưng nhất nhất nghe theo bạn bè. Các em không sợ ba mẹ la mắng mà rất sợ bạn bè nói câu “tao nghỉ chơi mày”. Các em làm mọi cách để cho bạn mình vừa lòng, kể cả việc lấy cắp tiền của cha mẹ.

Tôi từng tư vấn một trường hợp học sinh lấy cắp của gia đình 9 lượng vàng để tổ chức sinh nhật cho bạn với mục đích làm bạn vui để bạn không nghỉ chơi với mình. Do đó, điều cần trang bị cho con trẻ trong độ tuổi này là “chọn bạn mà chơi”.

Thêm nữa, chúng ta đang sống trong “thế giới phẳng”, không thể cấm đoán con trẻ không được lên mạng mà hãy giáo dục để trẻ biết kiềm chế, có nhận thức, hành động đúng đắn khi sử dụng Internet.

Dạy gì cho một đứa trẻ?Đến nghe buổi nói chuyện của GS. Ngô Bảo ChâuKhi mẹ dùng roi...Coi chừng dấu vết nghề nghiệp trên con em

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên