Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp (DN) nào có hàng hóa vi phạm cũng đồng ý công bố thông tin và chọn cho mình một giải pháp chống giả để “tuyên chiến” trực diện với vấn nạn này.
Ông Nguyễn Thành Danh, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương, thừa nhận công tác chống hàng gian - hàng giả trong thực tế vẫn chủ yếu chỉ nhắm vào các sản phẩm, hàng hóa đang lưu thông trên thị trường, mà chưa có kế hoạch cụ thể để ngăn chặn ngay từ đầu.
Và khi phát hiện có hàng giả - hàng nhái, một số DN còn tìm cách giấu thông tin vì sợ ảnh hưởng đến doanh số.
Ngoài chuyện quản lý hàng nhập khẩu chưa được chặt chẽ trong khi nhiều văn bản, quy định pháp luật điều tra, xử lý hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ còn chồng chéo, ông Danh cho rằng việc nhiều DN vẫn còn sợ công bố thông tin về sản phẩm bị làm giả, chưa có giải pháp và chiến lược bảo vệ thương hiệu lâu dài cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác chống hàng giả ở VN vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Theo ông Nguyễn Viết Hồng - tổng giám đốc Vina CHG, đơn vị cung cấp giải pháp chống giả toàn diện mang tính pháp lý ở VN, việc nhiều DN không muốn công khai thông tin về sản phẩm bị làm giả xuất phát từ tâm lý e ngại người tiêu dùng sợ mua nhầm hàng giả.
Tuy nhiên, việc “ém nhẹm” thông tin này trên thực tế gây ra hại nhiều hơn lợi. “Việc nhập nhằng giữa sản phẩm giả, kém chất lượng và sản phẩm chính hãng là rất nguy hiểm đối với thương hiệu của DN.
Khi mua sắm, người tiêu dùng cần và có quyền biết sản phẩm mình mua có chất lượng đúng như công bố hay không. Mua phải hàng giả mà nhầm tưởng là hàng chính hãng sẽ khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu” - ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, DN cần công bố cụ thể, chi tiết, công khai và rộng rãi những thông tin về sản phẩm đang bị làm giả đến người tiêu dùng trên các phương tiện truyền thông.
Việc này không chỉ giúp bảo vệ uy tín thương hiệu DN mà còn thể hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng và xã hội của DN.
Đặc biệt, ông Hồng cho rằng DN phải ứng dụng khoa học công nghệ chống giả để giúp người tiêu dùng phân biệt rõ, nhanh chóng giữa hàng chính hãng và hàng giả.
Một trong những giải pháp hữu hiệu, đơn giản và tiết kiệm nhất hiện nay là dán tem chống hàng giả áp dụng công nghệ cao lên sản phẩm.
Hiện có khá nhiều DN ở VN, cả các DN nước ngoài đầu tư ở VN cũng đang áp dụng cách này và đạt được hiệu quả khả quan.
Tuy nhiên theo ông Hồng, DN cần lưu ý là chỉ in tem ở những nơi được cấp phép và có đầy đủ giấy tờ pháp lý để đảm bảo được quyền lợi của DN khi có sự cố liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận