01/08/2022 12:13 GMT+7

'Có năm chị em qua thi tốt nghiệp THPT, tôi đồng ý nên xét tốt nghiệp'

NGUYỄN VŨ THU TRANG (Phó hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)
NGUYỄN VŨ THU TRANG (Phó hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)

TTO - Đọc bài viết 'Giáo viên đề xuất một kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc' (Tuổi Trẻ 30-7) cho tôi suy nghĩ ‘tuyển sinh đại học toàn quốc’ là phương án tối ưu. Nên xét tốt nghiệp THPT thay cho thi.

Có năm chị em qua thi tốt nghiệp THPT, tôi đồng ý nên xét tốt nghiệp - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022 tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tôi là nhà giáo, cán bộ quản lý trường THPT. Gia đình tôi có năm chị em qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học. Con tôi thi “2 trong 1” năm 2020. 

Từ những kinh nghiệm thực tế, đó, tôi xin chia sẻ mấy ý kiến sau: 

Xét tốt nghiệp THPT thay cho thi

Đó chính là nâng cao chất lượng đánh giá quá trình học sinh nói chung, THPT nói riêng. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.  

Không ít người lo lắng, liệu các trường có “làm đẹp” quá trình tự đánh giá để tỉ lệ xét công nhận tốt nghiệp THPT đạt tuyệt đối vì “thương học trò” và “bệnh thành tích”? 

Chủ trương nào cũng có hai mặt, tạo hiệu ứng tích cực và đi kèm là khoảng tối tiêu cực. Nhận thức được điều đó, đâu là trách nhiệm của nhà quản lý giáo dục? Đâu là thiên chức nhà giáo? 

Nếu làm đúng, triệt tiêu những tiêu cực có thể nảy sinh trong tổ chức thực hiện đánh giá kết quả theo quá trình, tiến tới xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đó cũng chính là quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy, học hành!

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra giáo dục, giám sát cộng đồng (chú trọng vai trò của phụ huynh, học sinh); thành lập cụm trường, hiệu trưởng trường THPT trong cụm luân phiên làm cụm trưởng, tổ chức kiểm tra chéo trong quá trình dạy học, giáo dục. 

Song song với cụm trường là hội đồng bộ môn (toán, lý, hóa…) gắn với huyện (quận) và cấp tương đương - tập huấn giáo viên, thống nhất ma trận đề kiểm tra, đánh giá nhằm hạn chế chênh lệch kết quả đánh giá giữa các trường, và chính hội đồng bộ môn này còn tham gia kiểm tra, giám sát (theo sắp xếp của các hội đồng bộ môn) . 

Đồng thời, xem đây là những căn cứ quản lý chất lượng giáo dục, hỗ trợ đắc lực cho kiểm định chất lượng các trường THPT, công bố thứ hạng kiểm định ít nhất hai lần/5 năm học.

Các kỳ kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ nhất thiết tổ chức kiểm tra theo đề chung (tỉnh/thành phố), có kiểm tra chéo giữa các trường chặt chẽ, cần thiết đổi bài giữa các trường để quá trình chấm công bằng, khách quan. Muốn có trung thực cần chấp nhận “nặng nề” trong một thời gian nhất định, có thể ví đó là “học phí” của học thật, thi thật.

Song song với quá trình trên là đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp phân luồng sau tốt nghiệp THPT; nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục dạy nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để học viên vừa được học nghề tốt, ra trường có cuộc sống ổn định với nghề và khi có nhu cầu thì tiếp tục theo học trở lại. 

Mới đây, có cụ 72 tuổi tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc - một minh chứng sống động của vừa học, vừa làm, học tập suốt đời. Nếu làm tốt, có thể phân luồng từ 20 -30% số học sinh sau tốt nghệp THPT.

Một kỳ thi ‘tuyển sinh đại học toàn quốc’

Có năm chị em qua thi tốt nghiệp THPT, tôi đồng ý nên xét tốt nghiệp - Ảnh 2.

Nhà giáo Nguyễn Vũ Thu Trang - Ảnh: NVCC

Mô hình này chúng ta đã làm từ nhiều năm trước nên khâu tổ chức không quá lo lắng. 

Hiện, các đại học, trường đại học đang dần được trao quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh. Một số đại học tổ chức thành công kỳ kiểm tra năng lực, một số trường đại học chủ động xây dựng nhiều phương thức xét tuyển đại học. 

Bên cạnh những mặt tốt, cũng bộc lộ hạn chế, tồn tại. Sự khắc phục không thể một sớm, một chiều. Vả lại, không phải trường đại học nào cũng đủ điều kiện để thực hiện có chất lượng nhằm đảm bảo nguồn tuyển sinh đáp ứng yêu cầu đào tạo. 

Vì thế, duy trì một kỳ thi ‘tuyển sinh đại học toàn quốc’ là phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay, có thể xem đây là “thời kỳ quá độ” tiến đến kỳ thi tuyển sinh đại học thực sự đổi mới căn bản và toàn diện gắn với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục.

“2 trong 1” như một cái áo quá chật, cần thay mới, từ năm học 2023-2024 đã có thể xét công nhận tốt nghiệp THPT và tổ chức kỳ thi “tuyển sinh đại học toàn quốc”, tại sao không?

Giáo viên đề xuất một kỳ thi Giáo viên đề xuất một kỳ thi 'tuyển sinh đại học toàn quốc'

TTO - Tôi đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó xét công nhận tốt nghiệp như bậc THCS. Những học sinh nguyện vọng học lên ĐH tham gia một kỳ thi do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức vào cuối tháng 7 hằng năm, là 'tuyển sinh đại học toàn quốc'.

NGUYỄN VŨ THU TRANG (Phó hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên