Công nhân làm việc tại Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita's) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp (DN), các DN không dễ được hưởng thuế suất ưu đãi như cam kết tại EVFTA nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt do thị trường này đưa ra.
Ông Nguyễn Hoài Nam (phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN):
Tin vui với xuất khẩu thủy hải sản
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường thủy sản quan trọng hàng đầu của VN khi chiếm 23-25% tổng lượng xuất khẩu hằng năm. Do đó, việc EVFTA có hiệu lực tác động tích cực đến xuất khẩu của ngành sang thị trường EU trong thời gian tới. Bởi sau khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 840 dòng thuế đối với thủy sản của VN vào EU sẽ về mức 0% ngay, các dòng thuế khác sẽ về 0% trong vòng 3-7 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, kèm theo các ưu đãi về thuế sẽ có những thách thức đối với xuất khẩu về các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật. Ví dụ như quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng. Về cơ bản, cam kết FTA nói chung không giúp gỡ bỏ hay giảm bớt các tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan. Riêng cam kết EVFTA sẽ làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan tới đánh bắt hải sản.
Ông Gabor Fluit (thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại VN):
Doanh nghiệp Việt và EU đều hưởng lợi
Việc EVFTA được EU phê chuẩn là tin vui và có tác động tích cực tới DN của VN cũng như EU. Với các DN Việt, việc xuất khẩu sang EU sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi thuế giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức thuế mà EU dành cho các nước nghèo trong khu vực Asean như Lào, Campuchia và Myanmar, tạo cơ hội để DN VN mở rộng thị trường.
Các hàng hóa mà VN xuất khẩu sang EU nhiều như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản... sẽ càng có thêm nhiều cơ hội tăng cường đưa hàng vào châu Âu. Các sản phẩm còn mới hoặc chưa xuất khẩu vào châu Âu như thịt gà, thịt heo... cần có thêm thời gian bởi phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm rất cao mà EU đang áp dụng.
Ở chiều ngược lại, các DN châu Âu cũng sẽ tận dụng cơ hội giảm thuế để đưa hàng hóa vào thị trường VN. Đó là các loại nông sản như táo, lê, khoai tây, lúa mì, thịt gà. Giá thịt heo của VN đang ở mức rất cao do tác động của dịch tả heo châu Phi nên các DN châu Âu cũng đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu loại thịt này vào VN.
Nhìn chung phần lớn nông sản từ EU vào VN không cạnh tranh trực tiếp với nông sản trong nước mà có yếu tố bổ sung cho nhau. Việc giảm thuế sẽ hỗ trợ DN hai bên tăng cường trao đổi và cuối cùng là người tiêu dùng hưởng lợi khi tiếp cận được nhiều loại hàng hóa hơn với giá phải chăng hơn.
Ông Diệp Thành Kiệt (phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN - Lefaso):
Chỉ hưởng lợi nếu tự chủ được nguyên liệu
Khi EVFTA có hiệu lực, thuế của khoảng 37% dòng sản phẩm da giày sẽ về mức 0% ngay, phần còn lại giảm dần sau 3-7 năm. Túi xách được hưởng ngay thuế suất 0% nếu sản xuất và đóng gói tại VN. Tăng trưởng xuất khẩu sang EU được dự báo ở mức 5-10% trong 5 năm đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cũng sẽ tăng thêm khoảng 3%/năm.
Tuy nhiên, để được hưởng thuế suất thấp, các DN sẽ phải đáp ứng được quy định về xuất xứ thông qua hàm lượng giá trị trong khu vực (regional value content - RVC) khi sử dụng nguyên liệu từ VN và các nước thành viên trong EVFTA. Và theo thống kê chưa đầy đủ của Lefaso, chỉ có 30% DN trong ngành này tự chủ được nguyên liệu, 60-70% DN còn lại chủ yếu làm gia công.
Ngoài ra, sau khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ mặc nhiên bỏ ngay chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP với ngành da giày VN, hiện dao động dưới 8%. Như vậy, các DN không đáp ứng các quy định của EVFTA để được hưởng thuế suất thấp theo cam kết EVFTA cũng sẽ không được tiếp tục hưởng quy chế GSP.
Ông Hà Duy Tùng (phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính):
Sẽ xóa ngay gần 50% dòng thuế nhập khẩu từ EU
Bộ Tài chính đang hoàn tất để trình Chính phủ ban hành nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện EVFTA. Dự kiến tại kỳ họp tháng 5-2020, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua hiệp định này. Trường hợp Quốc hội thông qua vào kỳ họp này, rồi phía VN và EU thông báo đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong tháng 6-2020, EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.
Ngay sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, VN sẽ xóa bỏ 48,5% số dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ khu vực này, theo cam kết tại EVFTA. Và sau 10 năm, khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ châu Âu sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Với số dòng thuế còn lại, VN sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận