Oanh nhắn tin cho Duyên, dặn kỹ: "Từ Hauptbahnhof lấy tàu Railjet đi Bregenz Bahnhof. Tàu chạy khoảng hai giờ sẽ tới ga Attnang-Puchheim.
Nhớ phải chuyển tàu Regional Express đi Steinach Irdning nhé. Đó mới là hướng đến làng cổ Hallstatt. Cậu muốn đi chuyến sớm thế thì đừng ngủ gật kẻo tàu đưa sang Thụy Sĩ đấy. Tiếc là tớ ốm chứ không đã đi cùng rồi".
Duyên đời nào ngủ gật. Cô vẫn đến Hallstatt nhưng không thăm mỏ muối. Tuyệt nhiên không có ý tìm đỉnh Aussichtspunkt Hallstatt để có bộ ảnh đẹp như Kiên đã đánh dấu mũi tên đỏ trên bản đồ. Những tấm biển "Hãy lặng yên ngắm cảnh", "Xin đừng ồn ào ảnh hưởng đời sống người dân"... làm Duyên có cảm giác đang vụng trộm bước vào đời sống Hallstatt.
Cái cây dáng dấp bonsai bị tròng cổ biển "Không chụp ảnh khu vực riêng tư" giương những con mắt lá pha màu vàng đỏ nâu nhìn Duyên buồn bã. Không đi sâu vào làng nữa, Duyên lặng lẽ lên nhà thờ xứ nằm trên lưng núi. Để cho phải phép, cô rón rén qua khu nghĩa trang, rồi tì ngực vào bức tường dài như bancông lớn nhìn ra một góc Hallstatt.
Khi ấy mặt trời mới ló khỏi đỉnh Alps, vừa kịp rọi một dải sáng non và mỏng vào không gian quánh ẩm màu xanh xám của núi, của nước, của các mái nhà nhấp nhô bên hồ. Ngưng đọng và tĩnh lặng. Duyên rơm rớm nước mắt. Chắc cô cứ đứng đây thôi, ngắm thế này là đủ. Rồi đợi giờ tàu về lại Vienna. Mà Duyên đi Áo chuyến này là cho cô, bởi nể Kiên, hay vì Oanh?
Tin nhắn chết tiệt của hãng hàng không làm hỏng chuyến đi của cô mất rồi. Nó vẫn hiện lên trêu ngươi trong điện thoại: "Chúng tôi đang tìm hành khách của chuyến bay SN 2907 sẵn sàng đặt lại vé khởi hành chuyến ngày mai. Để đền bù, chúng tôi xin tặng 250 EUR và một đêm khách sạn. Quý khách nào quan tâm đề nghị này, làm ơn đến quầy gần nhất đổi vé".
Tối qua, Duyên định không bay ngay đi Vienna mà đợi chuyến hôm sau. Cô có vội gì đâu. Không nhất thiết phải đến làng Hallstatt, tàu xe mất gần chục tiếng đồng hồ. Chỉ cần thăm Oanh đang ốm ở Vienna, ngắm phố cổ và tranh thủ xem một buổi hòa nhạc là đủ.
Cô sẽ có 250 EUR trong tay. Sáu năm nay theo Kiên sang châu Âu làm nghiên cứu sinh, Duyên chỉ đóng vai người vợ tảo tần. Chưa bao giờ cô có cơ hội kiếm được 250 EUR sau một đêm thức dậy. Thêm khoản này cô sẽ mua chiếc bếp từ hai mâm xách về tặng mẹ, món quà tự kiếm duy nhất sau chừng ấy thời gian sống xứ người.
Kiên làm xong luận án tiến sĩ, Duyên nhìn thời hạn giấy tạm trú chỉ còn vừa vặn một tháng để sắp xếp đồ đạc rời khỏi châu Âu. Bao việc dồn một lúc. Lo làm tiệc mừng bảo vệ thành công tiến sĩ cho Kiên chiêu đãi giáo sư, đồng nghiệp, bạn bè. Lo vào viện nhổ cho xong cái răng khôn để hưởng nốt bảo hiểm y tế.
Cân nhắc giữ đồ gì bỏ lại món gì cho vừa đủ một tạ hàng theo cả nhà bay về. Nếu vẫn ở trong nước, giờ này Duyên đã điều hành cả một phòng thí nghiệm chứ đâu phải chuẩn bị lại hồ sơ, thăm dò cơ hội xin chân nhân viên quèn như bây giờ.
Muốn vợ có niềm vui bất ngờ, Kiên mua vé rồi mới nói: "Em tranh thủ đi Áo một chuyến nhé. Tiện thăm Oanh luôn. Anh sẽ trông hai con và dọn nhà, đóng gói sẵn đồ đạc".
Ao ước đi Áo bấy lâu, thế mà nhìn vé Kiên đưa Duyên chẳng vui lên được chút nào. Người cô trống rỗng. Khát khao duy nhất là được nằm xuống chiếc giường kia, thứ không thể mang về được, đánh một giấc thật dài thật sâu. Thèm không phải nghe tiếng con khóc con ho. Thèm quên hết lời ra tiếng vào của nhóm chị em cũng theo chồng sang làm nghiên cứu: "Dốt quá. Phải thúc chồng tìm việc, hoặc xin kéo dài thời gian nghiên cứu để ở lại. Thiếu gì cách. Học xong về nước thì đỗ tiến sĩ cũng bằng không".
Chỉ cãi chồng một vài chi tiết tham quan, Duyên vẫn đi đúng lịch trình anh vạch ra. Kiên nhắn đã đặt vé tiếp cho cô nghe hòa nhạc ở Mozart House buổi 18 giờ hôm sau: "Sáng thăm Oanh, chiều dạo phố cổ, tối xem hòa nhạc, anh tính vậy là đẹp rồi".
Chục phút sau, Oanh cũng nhắn: "Sáng nay tớ đi viện khám lại, chiều về thấy mệt quá. Mai tớ muốn dậy muộn nên cậu đến buổi tối được không. Khoảng 19 giờ đến ăn cơm luôn nhé". Làm sao Duyên dám nói với Oanh rằng giờ đó cô đã có hẹn với Mozart? Người ốm dễ phật lòng, hay tự ái. Xem Mozart hay gặp Oanh?
Ngày thứ hai ở Vienna biến thành vật vờ, chờ đợi. Rời cung điện Schönbrunn, Duyên về khách sạn đổi giày cao gót. Cũng sáu năm rồi không đi giày cao gót. Các ngón chân nhói đau mỗi khi gót giày mắc lại giữa khe đá trên mặt phố cổ dẫn vào Mozart House.
Buổi diễn lúc 18h bất ngờ bị hủy. Nhân viên trực tha thiết mời Duyên chuyển sang buổi 19h30. Duyên muốn hét lên rằng giờ đó đã hẹn thăm bạn ốm. Sáng mai cô phải bay rồi. Thế mà cô chỉ hiền lành yếu ớt lắc đầu, không quên nhắc nhở hoàn lại 50 EUR tiền vé.
Run rẩy vì lạnh và đói, Duyên bước vào căn hộ của Oanh cách đó hai trạm tàu điện ngầm. Mùi nem rán và mùi dầu nóng ôm ấp lấy cô. Oanh đang quấn tấm khăn mỏng lên đầu vừa rụng hết tóc, người gầy rộc.
"Đã bảo tớ chỉ ghé thăm nhanh rồi về cho cậu nghỉ ngơi. Ăn uống quan trọng gì đâu mà bày vẽ nem rán thế này".
Oanh lại gần, ngắm kỹ Duyên rồi mới nói: "Tưởng sang đây sống mấy năm phải nghĩ khác, hóa ra vẫn tẩm như ngày nào. Nhờ đằng ấy tới chơi, chồng con tớ mới lại được ăn nem đấy. Chúng nó thèm lắm mà mấy tháng nay mẹ mệt không làm được. Hôm nay bảo nhà có khách, các con thích thì tự cuốn nem, bố rán, mẹ chỉ đạo thôi. Thế mà răm rắp đâu ra đấy. Mừng rơi nước mắt".
Tuột đôi chân bị bó chặt và tê buốt khỏi giày cao gót, lần đầu tiên sau hai ngày ở Vienna, Duyên có cảm giác được chạm mặt đất, vững chãi và nhẹ nhõm lạ kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận