"Giờ dạy của tôi tại các lớp khác hoạt động học tập vẫn diễn ra bình thường. Riêng lớp 7C tôi vào lớp là học sinh chống đối, không học, ném dép, ra vào tự do...".
Mình cô giáo "chịu trận"?
Kể về ngày bị nhóm học sinh dồn vào góc lớp, ném dép vào người, chửi bới, lăng mạ, cô P.T.H., giáo viên môn trải nghiệm hướng nghiệp và âm nhạc tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, vẫn bàng hoàng.
Theo cô H., đây không phải lần đầu bản thân cô bị học sinh vây nhốt trong lớp. Từ cuối học kỳ II năm trước, học sinh lớp 7C đã có những biểu hiện không tôn trọng giáo viên bằng cách không thực hiện nhiệm vụ của học sinh. Đỉnh điểm là 2 tháng gần đây.
Cô giáo bị học sinh nhốt, ném dép: các bên liên quan nói gì?
"Việc tôi bị học sinh nhốt trong lớp, đuổi hay chửi, đấm vào lưng giữa sân trường... diễn ra thường xuyên. Ngày nào dạy xong bị các em lớp 7C nhốt trong lớp tôi cũng đều báo cáo với hiệu trưởng, tuy nhiên hiệu trưởng không xử lý. Ngoài ra hiệu trưởng còn nói với tôi: không dạy học được thì nghỉ đi đừng báo cáo tôi, nếu còn báo cáo tôi sẽ xử lý cô", cô H. kể.
Nhắc lại về những clip lan truyền trên mạng, cô H. cho biết trong buổi học hôm 29-11, học sinh lớp 7C không thực hiện đúng nội quy, nề nếp và nhiệm vụ của học sinh.
Cụ thể, khi vào lớp các em không học, đi ra đi vào tự do, mở nhạc DJ, cùng các bạn hò reo, nhảy như nhạc đám cưới trước sự can ngăn của giáo viên.
Cô H. cho biết học sinh còn quây cô giáo vào bàn giáo viên, đội mũ, khoác áo lên đầu và phe phẩy trước mặt cô. Có bạn cầm thước kẻ, chống xuống dưới đất dọa nạt, chửi cô, có bạn còn chọc gậy vào bộ phận sinh dục của cô. Khi hết giờ thì các em đóng cửa và dồn cô giáo vào góc lớp.
"Sau khi xảy ra sự việc ở lớp 7C, tôi thoát được ra ngoài và sang lớp 6A dạy học. Lớp 6A các em chăm ngoan, thực hiện đúng nội quy, tôn trọng cô giáo.
Khi hết tiết học ở lớp 6A, một số học sinh lớp 7C vẫn kéo sang cùng một số bạn khác, a dua nhét rác vào cặp tôi, ném tạ vào đầu, vai. Các em quây vào mỗi em đấm tôi một quả. Tôi thấy choáng quá nên ngất", cô H. kể lại.
Giải thích về hình ảnh cầm guốc đuổi học sinh, cô H. cho biết sau khi bị ngất và tỉnh dậy cô đã nhắc học sinh giải tán nhưng các em không nghe. Trái lại, có một số em đã "trêu ngươi, khiêu khích" nên cô H. đã xách đôi giày lên để dọa học sinh, nhưng không đánh bạn nào.
Nguyện vọng chuyển trường
Cô H. sinh năm 1985, từng tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm nghệ thuật Vĩnh Phúc, sau đó học liên thông lên đại học. Từ năm 2011, cô H. chính thức công tác tại Trường THCS Văn Phú. Năm học 2017-2018, cô H. đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Cô H. bày tỏ những ngày qua cô rất buồn khi bị học sinh đối xử như các clip lan truyền, cô đã phải uống rất nhiều thuốc để ổn định tâm lý, sức khỏe.
Theo cô H, sau sự việc, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, các em học sinh cũng biết sợ hơn. Tại tiết học hoạt động trải nghiệm hôm thứ hai (4-12) cô đã dạy lại lớp 7C, tuy nhiên một số học sinh vẫn có phản ứng cãi lại giáo viên.
"Với các học sinh vi phạm, tôi mong thời gian tới sẽ có sự kết hợp ba bên, gồm phụ huynh - nhà trường - giáo viên, cùng giáo dục các em đến nơi đến chốn. Cơ quan chức năng vào cuộc ai sai người đó chịu. Thật ra các em còn nhỏ, bây giờ mà để các em ở nhà không đi học cũng không biết việc gì sẽ xảy ra, các em sẽ đi đâu, về đâu", cô H. nói.
Cô H. cho hay, từ vài năm về trước cô đã có ý định nghỉ việc khi cảm thấy bị đồng nghiệp kỳ thị, xa lánh, cô lập, bị đối xử không được công bằng.
"Khi nào khỏe tôi sẽ làm đơn xin chuyển trường. Tôi sẽ xin chuyển về một nơi khác để yên tâm công tác, nơi có những đồng nghiệp mới, cách nhìn mới", cô H. chia sẻ.
Từng có đơn phản ánh về cô giáo H.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 7-12, ông Nguyễn Duy Sáng - hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú, cho biết trước đây nhà trường từng nhận được đơn phản ánh về đạo đức, hành vi của cô H. từ 2 phụ huynh. Trong đó, có đơn phản ánh của phụ huynh H.T.D. đã được ông Sáng xử lý và trả lời phụ huynh.
Cô H. đã xây dựng gia đình và có một con trai đang học lớp 4. Ông Sáng đánh giá chuyên môn của cô H. "vừa phải".
Về tính cách, ứng xử với đồng nghiệp, học sinh của cô H., ông Sáng đề nghị không chia sẻ vì các cơ quan chức năng đang làm việc.
Về sự việc cô H. bị học sinh dồn vào góc lớp, ném dép, ông Sáng cho biết sự việc xảy ra vào ngày 29-11, tuy nhiên ngày 30-11 cô H. mới gửi đơn trình báo.
"Hôm 29-11 tôi về muộn nhất trường, khi xuống phòng thấy cô H. nói hôm nay em vẫn bình thường và ra về bình thường, sức khỏe tốt. Hôm sau không thấy cô H. đến lớp tôi gọi điện hỏi sao cô không đến lớp thì cô nói bị ốm, xin phép nghỉ. Đến khoảng 13h chiều 30-11 cô H. đến trường gửi đơn".
Lý giải việc học sinh dồn cô giáo vào góc lớp mà hiệu trưởng không biết, ông Sáng cho hay khi xảy ra sự việc ông không có mặt tại trường.
Cô giáo vẫn "khiêu chiến" và có lời nói thiếu chuẩn mực với học sinh
Còn chị Đ.H., phụ huynh của một học sinh tham gia "dồn cô giáo vào góc lớp", cho biết những ngày qua vợ chồng chị và cháu Đ.T.T. đã tích cực phối hợp với Công an huyện Sơn Dương để phục vụ công tác lấy lời khai.
Theo chị Đ.H., cháu T. sau khi đi học về cho biết cô giáo đã lấy giày cao gót dồn học sinh, cháu T. bị đánh 2 phát vào lưng tại lớp 6A, sau đó cháu dùng ghế phản kháng lại.
Chiều 29-11, chị Đ.H. đã cho con đi khám tại Trạm y tế xã Văn Phú, bác sĩ kết luận chấn thương phần mềm bàn tay trái, bả vai hai bên. Cũng trong chiều cùng ngày, chị Đ.H. đã gửi đơn trình báo đến công an xã và hiệu trưởng nhà trường.
"Lương tâm của tôi bây giờ là nếu con hư, học sinh nhốn nháo như thế tôi không bênh. Nếu với tất cả các giáo viên bộ môn đều bị học sinh ứng xử giống với cô H. thì tôi cho là quá láo, thế nhưng chỉ có một mình cô H. bị như vậy thôi. Ngày 4-12 cô H. vẫn lên lớp 7C khiêu chiến các học sinh.
Học sinh bị bức xúc, chèn ép nhiều quá rồi.
Gia đình tôi sẵn sàng "học sinh sai học sinh chịu, cô giáo sai cô giáo chịu". Theo tôi phải chuyển cô H. khỏi Trường THCS Văn Phú.
Còn rất nhiều con em sau này sẽ chịu ảnh hưởng bởi những phát ngôn không chuẩn mực từ giáo viên này", chị Đ.H. nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận