20/10/2021 09:00 GMT+7

Cô gái mồ côi vào đại học, cả xóm phấn khởi, nể phục

LÂM THIÊN
LÂM THIÊN

TTO - Những ngày này, về xứ dừa Tam Quan, khi hỏi thăm nhà Nguyễn Thị Bích Trâm, ai nấy cũng hào hứng dẫn đường rồi kể thêm nhiều điều đầy tự hào.

"Em mong thay đổi được số phận của mình, sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn" - Video: LÂM THIÊN - HUỲNH VY

Cô gái mồ côi vào đại học, cả xóm phấn khởi, nể phục - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Bích Trâm hái rau do mình trồng để chuẩn bị cơm trưa - Ảnh: LÂM THIÊN

"Em không bao giờ trách ba điều gì, dù ba đã bỏ nhà đi làm suốt 2 năm nay không về. Em chỉ thấy thương ba quá, tuổi cao, bệnh đau nhiều mà lại phải làm thuê vất vả để lo cho em ăn học. Em ước gì ba em luôn khỏe mạnh để ở bên cạnh em và cho em chỗ dựa sau này".

Đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Bích Trâm (học lớp 12D1, Trường THPT Nguyễn Trân, phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) - người vừa trúng tuyển vào ngành kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với số điểm 27,25.

"Ngọn dừa nức tiếng Tam Quan"

Từ nhỏ, ba và ông bà nội là những người thân duy nhất của Trâm vì khi em 6 tháng tuổi, mẹ bỏ đi không hề có tin tức. Trâm lay lắt sống cùng ông bà nội đã già (nay ngoài 90 tuổi). Còn ba em lang bạt khắp nơi làm thuê làm mướn để nuôi em ăn học. 

Hai năm nay, việc học hành, sách vở và nhiều chi phí tăng cao nên người cha tiếp tục đi làm xa để có đủ tiền nuôi em ăn học. 

Một tháng, ba gửi về cho em 1,5 triệu đồng. Trong đó 1 triệu đồng để em lo điện nước, sách vở, dụng cụ học tập, cá nhân, còn lại là để dành ăn uống. 

Thực phẩm trong tủ lạnh của Trâm thường là rau, mấy quả trứng kèm với cá khô. Khi hết tiền, em đành mượn tạm hàng xóm mì gói để cầm cự qua ngày chờ ba gửi tiền về.

Cô gái mồ côi vào đại học, cả xóm phấn khởi, nể phục - Ảnh 3.

Tự nấu nướng là công việc quen thuộc suốt 2 năm nay từ khi cha đi làm xa - Ảnh: LÂM THIÊN

Ngày hay tin Trâm đậu đại học, cả thầy cô và hàng xóm ai cũng vui và tự hào vì cô bé kiên cường, giỏi giang này. Bà Nguyễn Thị Trang (hàng xóm của Trâm) phấn khởi nói: "Hoàn cảnh của cháu thật quá tội nghiệp. Ba cháu vất vả nuôi con ăn học, giờ cháu được thế này thì không còn gì bằng. Cháu nó quá giỏi".

Theo Nguyễn Thị Bích Trâm, những ngày qua, nhiều bà con, hàng xóm và bạn bè đến nhà hỏi thăm, chúc mừng. Đó là niềm vui, niềm động viên lớn nhất của em.

Ông Nguyễn Khê - ông nội của Trâm (năm nay đã ngoài 90 tuổi), hiện nằm một chỗ, nhưng khi biết cháu đậu đại học, ông mừng rỡ khôn xiết. "Nghe tin nó đậu đại học, tôi vui lắm. Mấy chục năm nay, đó là niềm vui lớn nhất của tôi", ông Khê khe khẽ nói.

Theo thầy Trịnh Minh Tẩn - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trân, Bích Trâm là một học sinh giàu nghị lực và có ý chí vươn lên rất cao. Trong 3 năm học vừa qua, Trâm luôn có thành tích học tập tốt, được thầy cô, bạn bè quý mến.

"Từ trước tới giờ, có thể nói hoàn cảnh của Trâm là đặc biệt nhất của các lứa học sinh tại trường. Mặc dù nhà nghèo, khó khăn nhưng em lại rất nỗ lực, không bao giờ bi quan. Ngày biết tin em đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với số điểm rất cao, tôi và các thầy cô rất vui, rất xúc động".

"Ba không sao, ba sẽ lo cho con bằng được"

Cô gái mồ côi vào đại học, cả xóm phấn khởi, nể phục - Ảnh 4.

Thầy Trịnh Minh Tẩn trò chuyện cùng với cô học trò cưng - Ảnh: LÂM THIÊN

Trao đổi với ông Nguyễn Cừ (60 tuổi, cha của Nguyễn Thị Bích Trâm) qua điện thoại, ông cho biết 2 năm nay ông làm phụ hồ tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Do nghĩ con chuẩn bị thi đại học nên ông không về quê mà ráng theo công trình làm thêm để kiếm tiền lo cho con. 

"Thời gian qua, tôi bệnh nặng quá, đi không nổi vì bị thoái hóa cột sống nên ở lại công trình không về nhà. Hằng ngày phải uống thuốc, tôi sợ về nhà rồi con mình thấy lo, học hành không được nên đâu dám về. Tôi cũng nhớ nhà, nhớ con lắm", ông Cừ tâm tình.

Nghe xong lời bộc bạch của cha mình, Bích Trâm lặng lẽ cúi đầu, đôi mắt em đỏ hoe vì thương cha.

Lúc nghe con nói 'Con đậu đại học rồi ba ơi', tôi mừng quá khóc luôn tại công trình. Ai cũng hỏi có chuyện gì, chỉ sợ chuyện không hay nhưng tôi nói con gái tôi đậu đại học. Mọi người ai nấy cũng vỗ tay rồi đến chúc mừng. Tôi vui lắm.

Ông NGUYỄN CỪ

Cũng theo ông Cừ, ông đã biết việc học đại học sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, con ông đã thực hiện được ước mơ của đời mình và đời ông thì có khổ mấy ông cũng sẽ cố gắng hết sức để lo cho con. Nếu có điều ước lúc này, ông mong mình mau chóng khỏi bệnh để có sức khỏe làm việc nuôi con tiếp tục ăn học thành đạt.

Mong ước được nhận học bổng và đi du học

Đó là mong ước lớn nhất của Bích Trâm khi nhắc đến tương lai, và cũng là lý do em chọn ngành kinh doanh quốc tế. Trâm rất muốn một ngày nào đó mình được đi đến nhiều nơi để mở mang kiến thức, tầm nhìn. "Từ trước tới nay, niềm hạnh phúc của em là được đi học. Em rất muốn việc học của mình không ngừng nâng cao.

Sở dĩ em muốn đi du học vì từ trước tới nay, em chỉ quanh quẩn ở nhà không đi đâu hết. Cả ba em cũng vậy. Ba quá khổ cực nuôi nấng em. Em mong khi được đi du học và làm việc, em sẽ có nhiều tiền để lo cho ba, đưa ba đi đây đi đó cho ba vui. Giờ tuổi ba đã cao, lại nhiều bệnh tật, em mong sao ba được khỏe mạnh để tiếp tục làm chỗ dựa vững chắc cho em sau này", Trâm chia sẻ.

Cô gái mồ côi vào đại học, cả xóm phấn khởi, nể phục - Ảnh 7.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

* Tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi hồ sơ Tiếp sức đến trường tại đây: Tiepsuc.tuoitre.vn.

'Em phải cố gắng để giúp ba mẹ thêm vững tin'

TTO - Ba tháng ròng rã ôn bài, ngày nào cậu học trò cũng bắt đầu ngồi bàn học từ 6h30 sáng. Những di chứng để lại từ căn bệnh khiến Mẫn ngồi lâu đều bị đau cứng lưng, trí nhớ kém.

 
LÂM THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên