11/10/2021 09:28 GMT+7

'Nhận giấy báo trúng tuyển đại học, tôi mừng đến run cả người'

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Cầm trên tay giấy báo đỗ đại học, Trịnh Quốc Thống vội bốc điện thoại gọi cho cha. Sau giây phút ngắn ngủi chúc mừng con, người cha ngậm ngùi nói với cậu con trai rằng ông không đủ khả năng lo cho con 5 năm đại học.

"Nhận giấy báo trúng tuyển vào khoa công nghệ thông tin Trường đại học Nông lâm TP.HCM, tôi mừng đến run cả người" - Video: DUY THANH - LÊ HÙNG - H.VY - TRINH TRÀ

Nhận giấy báo trúng tuyển đại học, tôi mừng đến run cả người - Ảnh 2.

Trịnh Quốc Thống cắt cỏ, chăn bò giúp người cô ruột ở gần nhà - Ảnh: DUY THANH

Tần ngần cầm tờ giấy báo đỗ vào ngành công nghệ thông tin của Trường đại học Nông lâm TP.HCM, ngước đôi mắt buồn nhìn mải miết ra cánh đồng lúa sau hiên ngôi nhà tình nghĩa, Trịnh Quốc Thống (18 tuổi, ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) bộc bạch: "Đã quá gần 2 tuần so với thời điểm cuối nộp hồ sơ, học phí của sinh viên năm nhất mà tôi chưa làm thủ tục nhập học. Cánh cửa giảng đường đại học, khát khao và ước mơ cháy bỏng của tôi, có lẽ đã đóng lại thật rồi...". 

Mồ côi, học giỏi

Khi Thống mới lên 5 tuổi, em gái Trịnh Thị Tri vừa lên 2 tuổi thì mẹ qua đời. Lo tang chế cho vợ xong, ông Trịnh Quốc Thông (sinh năm 1981, cha Thống) gửi hai con thơ lại cho người mẹ già rồi vào các tỉnh phía Nam làm thuê làm mướn. Mỗi năm, ông Thông chỉ tạt về nhà 1 - 2 lần. Vài năm trước, ông đi bước nữa với một phụ nữ ở tỉnh Đắk Nông và ở hẳn với gia đình mới trên đó. Anh em Thống lớn lên nhờ sự yêu thương, đùm bọc của bà nội già yếu.

Thấy ba bà cháu sống cảnh nghèo khó, ngôi nhà cũ kỹ xuống cấp sắp sập, năm 2020 một nhóm thiện nguyện ở TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) kêu gọi quyên góp, hỗ trợ để xây cho ba bà cháu ngôi nhà tình nghĩa. 

"Dự kiến tháng 4-2020 khởi công xây nhà thì tối 8-3-2020, bà nội 80 tuổi bỗng dưng ngất xỉu. Bà mất trên đường được đưa đến bệnh viện mà không kịp thấy ngôi nhà mới được khởi công" - Thống nhớ lại. 

Mất bà, không làm gì ra tiền, Thống và em gái lại nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của người cô ruột ở cạnh nhà cùng sự thương yêu của những người bà con, xóm giềng. Ngoài học tập, Thống chỉ biết giúp cắt cỏ, chăm mấy con bò cho cô hay thỉnh thoảng theo cô đi nhổ sắn (mì) thuê cho người trong xóm.

Hiểu hoàn cảnh của Thống, ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa) đã đỡ đầu, miễn toàn bộ các khoản phải đóng của bạn trong suốt 3 năm THPT. Nhiều thầy cô giáo trong trường dạy thêm, ôn tập cho Thống nhưng không lấy thù lao. Biết ơn, Thống học luôn khá, giỏi. 

"Thống là học sinh giỏi hàng top của lớp 12C10. Em có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất lớp và xét tuyển đỗ vào đại học với điểm cao, mỗi môn hơn 8 điểm" - cô Nguyễn Thị Kim Vi, chủ nhiệm lớp 12 của Thống, cho biết.

Ước mơ bị chặn đứng!

Thống nói vì gia cảnh quá khó khăn, bạn nung nấu ước mơ và khát khao phải học tốt để vào đại học tiếp cận tri thức cao hơn, sau này tự lo cho bản thân và có điều kiện giúp em gái tiếp tục học tập. Thế nhưng, khi ước mơ đỗ đại học đã thành hiện thực thì bị chặn bởi sự nghèo khó.

"Nhận giấy báo trúng tuyển vào khoa công nghệ thông tin Trường đại học Nông lâm TP.HCM, tôi mừng đến run cả người. Tôi vội vàng bấm điện thoại hồ hởi báo tin cho ba biết. Nhưng sau giây phút hạnh phúc ngắn ngủi nhận lời chúc mừng của ba, ba nói ba quá nghèo khó, không thể lo cho tôi mỗi năm hơn 12 triệu đồng học phí, chưa kể các khoản phải đóng khác cũng như sinh hoạt phí tại TP.HCM..." - Thống bùi ngùi nhớ lại. 

Người cha an ủi Thống rằng nên gác lại giấc mơ giảng đường đại học, kiếm việc làm mướn để giúp em gái được học xong bậc THPT. Từ đó, mỗi ngày trôi qua đối với Thống là một ngày buồn dài dặc.

"Tôi cứ lẩn thẩn với hàng loạt câu hỏi không đâu vào đâu trong đầu. Chẳng lẽ cửa giảng đường đã đóng sập với mình thật sao? Tại sao mình khát khao vươn lên như vậy mà khi đạt được ước mơ đại học rồi lại phải dừng bước? Một người ốm yếu chỉ 44kg như mình thì sẽ làm mướn thế nào, nghề gì để mưu sinh và lo cho em gái?" - Thống tâm sự.

Dưới chái hiên ngôi nhà tình nghĩa của hai đứa cháu, người cô ruột của Thống - bà Trịnh Thị Hằng - quệt nước mắt xót xa: "Tui nghèo khó quá, làm nông, làm thuê nuôi 4 đứa con, 2 đứa học đại học, cao đẳng nên cũng nợ nần tùm lum. Thương hai cháu Thống, Tri nên mấy năm nay đùm bọc để hai cháu sống, học tập ở quê nhà. Nhưng Thống vô đại học ở TP.HCM thì tui không thể nào đủ sức để lo cho cháu được. Nghĩ con người ta muốn vào đại học mà không đạt, còn cháu mình đỗ điểm cao lại không thể đi học, đau xót quá nhưng đành bất lực".

Rời ngôi nhà tình nghĩa nhỏ nhắn giữa miền quê tỉnh Phú Yên của Thống giữa buổi chiều mưa nặng hạt, lòng chúng tôi cũng ngổn ngang, xót xa. Liệu có "phép mầu" nào để đưa cậu học trò mồ côi, hiếu học ấy vào giảng đường và học tập suốt 5 năm để trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin như ước nguyện hay không?

Nhận giấy báo trúng tuyển đại học, tôi mừng đến run cả người - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Nhận giấy báo trúng tuyển đại học, tôi mừng đến run cả người - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi hồ sơ học bổng Tiếp sức đến trường tại đây: tiepsuc.tuoitre.vn.

Bệnh ung thư không làm nản lòng bước chân vào đại học Bệnh ung thư không làm nản lòng bước chân vào đại học

TTO - Giây phút bi quan và đau đớn nhất của cuộc đời Trang không chỉ là thời điểm nghe tin mình bị ung thư, mà đó còn là khi phải một mình đấu tranh để bảo vệ cho sự học của chính mình.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên