06/05/2023 09:28 GMT+7

Cổ động viên đặc biệt ở Campuchia: Giữ hồn Việt qua sân bóng

Làn da ngăm ngăm, ánh mắt hồn nhiên, miệng hô vang hai chữ "Việt Nam" với chất giọng trọ trẹ... - một lực lượng các cổ động viên nhí đặc biệt đã song hành cùng đội tuyển U22 Việt Nam qua hai vòng đấu đầu tiên.

Hai con gái của chị Tuyết lần đầu mặc áo dài khi đến sân cổ vũ đội tuyển U22 Việt Nam - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Hai con gái của chị Tuyết lần đầu mặc áo dài khi đến sân cổ vũ đội tuyển U22 Việt Nam - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Đó là các bé trai, bé gái con cái của những gia đình người Việt ở Campuchia. Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam với tinh thần cháy bỏng đã đổ đến Phnom Penh những ngày qua để theo chân đội nhà. Và lẩn trong số đó cũng là không ít những người đàn ông, phụ nữ với vẻ ngoài khắc khổ, làn da chai sạn mà khi thoạt nhìn chúng tôi tưởng họ là người bản địa.

"Tôi không phải người Khmer. Tôi là người Việt, quê ở Châu Đốc. Tôi sang đây đã hơn 20 năm rồi", anh Điệp (41 tuổi) nói với chúng tôi. Và dù đã sinh sống, lập gia đình tại đất khách hơn nửa đời người, anh Điệp vẫn chưa quên được cái cơn thèm được xem đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu. 

"Tôi phải đi đến hai lần mới lấy được vé vào sân. Sẵn đã phải xếp hàng lấy vé rồi mình dắt theo vợ con luôn. Con tôi chưa bao giờ xem Việt Nam đá cả. Tôi muốn cho cháu được xem thử", anh Điệp kể.

Cũng trên khán đài sân Visakha, chúng tôi gặp một lực lượng cổ động viên vô cùng "hùng hậu", đó là gia đình bảy người của anh Út - chị Mỹ Anh. Với những năm cô cậu con trai và con gái, anh Út và chị Mỹ Anh vẫn hào hứng xếp hàng lấy vé rồi dắt cả nhà đến sân. 

"Tôi muốn các con của mình ủng hộ đội tuyển để các cháu biết về quê hương. Dù sang đây định cư đã lâu nhưng tôi vẫn muốn duy trì nếp sống người Việt cho các cháu. Các con tôi đứa nào cũng biết nói tiếng Việt", anh Út kể.

Trong khi đó, chị Diệp Thị Tuyết (Russey Keo) cùng hai cháu gái Diệp Thúy Ngân, Diệp Thúy Hằng còn mặc áo dài đến sân cổ vũ các chàng trai Việt Nam đá bóng. 

"Hai con tôi đều sinh trưởng ở Phnom Penh. Sẵn các cháu muốn mặc áo dài nên đợt này tôi đặt mua từ Châu Đốc mang sang. Áo dài là trang phục truyền thống, mình cần phải khoe ra cho người nước ngoài thấy chứ!", chị Tuyết nói.

Hầu hết các gia đình người Việt ở Campuchia đều đã định cư tại đây từ hơn 20 năm trước. Rời xa quê hương lâu ngày nhưng họ vẫn chưa bao giờ quên nguồn cội của mình. Cộng đồng người Việt tại Campuchia có tinh thần gìn giữ tiếng nói, chữ viết cho thế hệ con cháu rất tốt.

Ông Hoàng Xuân Khoa, hội trưởng cộng đồng người Việt tại Siem Reap, cho biết trong ngày 6 và 7-5 bà con ở đây sẽ đến các địa điểm thi đấu để ủng hộ các VĐV Việt Nam thi đấu. 

Ông Khoa nói: "Bà con người Việt ở đây đa phần đều gặp trục trặc về giấy tờ tùy thân nên khó có chuyện được trở về Việt Nam coi một trận bóng đá hay các môn thể thao khác. SEA Games 32 là dịp để chúng tôi được cổ vũ cho đoàn thể thao nước nhà".

"Vận động viên dự SEA Games là đại sứ cho tinh thần Việt Nam"'Vận động viên dự SEA Games là đại sứ cho tinh thần Việt Nam'

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã phát biểu như vậy khi đến thăm Làng vận động viên SEA Games 32 để động viên tinh thần thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam trước thềm ngày khai mạc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên