16/12/2006 06:04 GMT+7

Cô đầu phố Khâm Thiên

NGUYỄN KHẮC KỲ
NGUYỄN KHẮC KỲ

TT - Một số người cùng khổ đã trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp ở Liên khu III Hà Nội (nay thuộc quận Đống Đa). Họ còn sống hay đã hi sinh, chưa ai nhắc đến.

Những Vệ út trên chiến hào vệ quốc (kỳ cuối)

vHnJxCI9.jpgPhóng to
Nữ tự vệ thủ đô Hà Nội năm 1946 - Ảnh tư liệu
TT - Một số người cùng khổ đã trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp ở Liên khu III Hà Nội (nay thuộc quận Đống Đa). Họ còn sống hay đã hi sinh, chưa ai nhắc đến.

Lớp học đặc biệt

Đó là các em nhỏ mồ côi được nuôi dưỡng ở trại Bảo Anh (nay là trụ sở Hội Người mù 135 Nguyễn Thái Học). Trước ngày toàn quốc kháng chiến, một số em đã được gửi đến các đoàn thể, cơ quan và nhất là các đơn vị quân đội để làm liên lạc viên. Đó là những người nghèo sống ở khu vực sau ga Hà Nội, làm đủ các thứ nghề như bốc vác, đi ở làm thằng nhỏ, con sen, kéo xe. Họ cũng đã ở lại tham gia kháng chiến ở Liên khu III Hà Nội. Và đó là các cô đầu ở phố Khâm Thiên. Họ cũng ở lại chiến đấu cùng với các đơn vị quân đội và tự vệ thuộc Liên khu III.

Họ đều là những người bạn thân của tôi. Bởi từ những năm 1944-1945, tôi đã nuôi dạy các em mồ côi ở trại Bảo Anh. Tôi dạy trong Hội Truyền bá quốc ngữ (sau Cách mạng Tháng Tám dạy bình dân học vụ), trước còn tổ chức và dạy ở các xã ngoại thành. Các học viên của lớp học này là bà con lao động ở khu vực sau ga Hà Nội. Tôi cũng dạy một lớp bình dân học vụ đặc biệt nhất, mà học viên toàn là chị em cô đầu ở phố Khâm Thiên.

Sau ngày 19-8-1945, tôi vào bộ đội, làm việc ở Cục Quân y (Bộ Quốc phòng). Theo chế độ sinh hoạt của sĩ quan nên buổi tối và ngày chủ nhật không phải ở nhà tập thể mà vẫn được về ở nhà mình, nên vẫn có điều kiện tiếp tục công việc ở khu phố. Từ 19-12-1946, cơ quan rút lên Việt Bắc, tôi được tuyển làm liên lạc viên đặc biệt nên thỉnh thoảng cũng có việc phải vào mặt trận Hà Nội, do đó lại có dịp được đi qua đất Liên khu III đang tác chiến và được gặp lại một số bạn bè.

Ở đây tôi kể chuyện về mấy chị em làm nghề hát ả đào ở phố Khâm Thiên. Năm 1946, tôi đang dạy ở lớp bình dân học vụ nhờ trong nhà Hội Tế sinh (ngõ Sinh Từ), chị Quỳnh Vân bạn của tôi (sau là vợ anh Vũ Quang) là cán bộ phụ nữ khu vực nhờ tôi thu xếp dạy thêm cho một lớp ở Khâm Thiên, mà phải dạy buổi trưa vì học viên toàn là cô đầu, tối họ còn bận.

Buổi khai giảng cái lớp này cũng thật đặc biệt. Học viên bợm trạo, bát nháo, không chút gì nghiêm túc. Một vài học viên có giấy bút còn một số người đến tay không, mà số này quậy phá nhất. Vì không phải là buổi tiếp khách, học mà mặc áo trắng quần dài trắng nhàu bẩn, mỏng manh. Thời ấy xem là “khó coi”. Sau mấy lời khai mạc, chị Quỳnh Vân giới thiệu hai giáo viên và một chị cũng là cô đầu làm trưởng lớp. Tôi định nói vài lời để bắt đầu buổi học, một chị táo tợn nói to: “Anh giáo cho em hỏi: anh có dạy những chữ “sờ em xem” không?”.

Tôi lặng đi một lúc để cơn cười lắng xuống.

- Có đấy các chị ạ. Chỉ độ một tuần hay mười hôm nữa các chị sẽ học đến.

- Ấy chết, thầy lại gọi trò là chị thì dạy làm sao được. Có ai gọi chúng em là chị bao giờ.

- Không đâu, chúng tôi thật sự coi các chị như chị em các lớp khác. Những người lớn tuổi chưa biết chữ đến lớp học, chúng tôi quí mến và nhiệt tình giúp đỡ. Cuộc đời xô đẩy các chị vào cảnh làm ăn như vậy chắc không phải tự mình thích thú mà tìm đến chỗ này.

Không còn ai nói, cả lớp trầm xuống.

Tôi nói vài lời nghiêm túc, chân thành mong muốn mọi người chịu khó học tập để được sáng mắt sáng lòng. Thế rồi lớp học ấy cũng như các lớp học khác, mọi người duy trì nề nếp học tập tốt. Chúng tôi suy nghĩ tìm tòi nhiều cách để bài học có sức hấp dẫn, học viên không chán, không bỏ lớp. Chúng tôi kể chuyện, đọc thơ, ca dao, có khi vận động học viên hát dân ca, ngâm Kiều. Tuy học viên chưa đọc được, họ xúc động vì hợp cảnh mình và cũng thấy mình sẽ tự đọc được, viết được những câu hay như thế. Cách giảng dạy này khuyến khích và gây ấn tượng mạnh đối với họ.

gIRAhTk1.jpgPhóng to
Tham gia chiến trận ở Hà Nội năm 1946 có rất nhiều phụ nữ. Trong ảnh là Lều Thị Lương và Nguyễn Thị An (thứ nhất và thứ tư từ phải sang) - Ảnh tư liệu
Có ai ghi công báo tử

Bên cạnh nhiệm vụ thanh toán nạn mù chữ, giáo viên còn thường xuyên giúp học viên giác ngộ chính trị, nâng cao hiểu biết về chế độ xã hội mới, từ bỏ thói hư tật xấu; sửa đổi lối sống cũ, sống có văn hóa, không tự ti mặc cảm, mạnh dạn tham gia các buổi họp với tổ dân phố, làm các công tác xã hội ở địa phương... Tiếc thay, từ tháng 11-1946, tình hình Hà Nội căng thẳng, nhân dân và cơ quan tản cư nhiều. Các lớp bình dân học vụ cũng giải tán. Học viên cũng theo gia đình về quê, ai khỏe mạnh ở lại làm thuê, vào tự vệ, cứu thương, đào đường đắp ụ. Có nhiều chị cô đầu cũng ở lại.

Không còn lớp học bình dân học vụ thì tôi giúp Hội Phụ nữ Hàng Bột đào tạo cấp tốc lớp cứu thương tháo vát của anh em hướng đạo như mang vác người bị thương không cần cáng, cố định vết thương gãy xương... đề phòng khi ở mặt trận không có sẵn hộp thuốc và dụng cụ như ở bệnh viện. Từ ngày 19 -12, trong nội thành đánh nhau. Từ ngoài liên lạc vào mặt trận gặp nhiều khó khăn. Một hôm có công tác, tôi phải đi từ Việt Trì, qua Chèm, Ngã Tư Sở sang đường số 1. Qua Ngã Tư Sở tìm tổ liên lạc để xin người dẫn đường. Chiều muộn, tôi đang phân vân tìm đường bỗng thấy một chị mặc măngtô tím dài, quần buộc túm, tay cầm thanh kiếm Nhật. Biết là tự vệ, tôi đi về phía chị. Chị cũng chú ý đến tôi, thấy cũng áo quần bộ đội, có mang súng ngắn. Chị yên tâm và hỏi xem giấy tờ. Chị đọc còn chậm, một lúc hân hoan ngẩng mặt lên nhìn tôi: “A, anh Kỳ, anh Kỳ! Anh là bộ đội à, thích nhỉ. Bọn chúng em cũng xin được vào tự vệ ở đây, có mấy đứa trước cũng học anh đấy. Rồi chúng em sẽ dẫn anh đi đường tắt, vừa nhanh, vừa an toàn”. Trong trạm có nhiều anh chị tự vệ chiến đấu, riêng mấy chị học viên cô đầu rất vui mừng khi gặp lại tôi. Các chị mời tôi cùng ăn để được nói chuyện nhiều. Tôi hỏi sao các chị không đi tản cư, các chị nói: “Chúng em còn biết về đâu, có chuyện không hay mới phải bỏ làng ra đây sống cuộc đời nhơ nhuốc, còn mặt mũi nào trở về làng cũ. Chúng em cũng liều sống chết ở đây thôi. Các anh bảo làm gì thì chúng em làm”.

Nghe các chị tâm sự, lòng tôi bùi ngùi thương cảm. Các chị chịu chết ở đây còn hơn về làng chịu nhục, đơn giản thế thôi. Lúc chia tay, chúng tôi bịn rịn nghĩ chắc không có ngày gặp lại. Hai chị dẫn tôi qua Khương Thượng, xa khu sân bay, tới đường 1 rồi chỉ đường tới nơi tôi cần đến. Lúc chào tôi, các chị nghẹn ngào muốn khóc, muốn ôm tôi thân mật. Tôi cũng tần ngần nhìn theo hai chị quay về, vai vác kiếm khuất dần vào bóng tối.

Ngày nay, người ta cũng nhắc nhớ đến các anh chị giao liên, thanh niên xung phong với những công lao, thành tích, cuộc sống gian khổ, cảnh hi sinh anh dũng của họ. Nhưng chưa thấy ở đâu nói đến các chị cô đầu ở Hà Nội. Cho đến bây giờ tôi vẫn thường nhớ đến các bạn nghèo của mình. Tôi trăn trở một điều là những người ấy khi lập công hay khi hi sinh, có ai ghi công hay báo tử cho họ không? Giấy tờ gửi về đâu và báo cho ai?

NGUYỄN KHẮC KỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên