21/11/2018 11:59 GMT+7

Cô đã gieo vào lòng em mầm thiện

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Có lẽ, cô là người mà em sẽ mãi không quên được, bởi ngay từ hồi tiểu học em đã được cô dành cho tình thương rất đặc biệt.

Cô đã gieo vào lòng em mầm thiện - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Diên cùng học trò trong lần dâng hoa ngày Nhà giáo Việt Nam năm học 1994-1995

Cô là cô Nguyễn Thị Diên, dạy em năm lớp 4. Khi đó Trường tiểu học Quế Lộc ở huyện miền núi Quế Sơn (nay là Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn lụp xụp, có chỗ còn mái tranh, không cửa.

Học trò đi bộ đến trường với đôi dép đứt, cũ, hiếm hoi lắm mới có được dép mới. Cứ mỗi lần tới đầu năm học, phụ huynh lại đứng ra làm hàng rào trường bằng vỉ gai, không có cổng trường. 

Hồi đó, cô và các thầy cô ở trung tâm huyện lên trường quê em công tác giống như bị "cách ly" vì phải qua một con đèo đầy đá, khó đi, heo hút, đêm thắp đèn dầu soạn bài.

Công tác tại trường, cô ở nội trú với phòng vách ván đơn sơ, nhưng cô luôn dành cho học trò những bài giảng hay nhất, không chỉ kiến thức mà còn là lời khuyên gắng học.

Em nhớ cô đã nhiều lần ra nhà em để động viên má và ngoại cho em đi học, có lẽ vì cô thấy em chăm chỉ, học được. Cô hay khen em viết chữ đẹp, nói sau này sẽ thành đạt. Dẫu chỉ mới lớp 4, nhưng nghe cô nói thế, em như được tiếp thêm niềm tin vào tương lai tươi sáng nên càng ráng học.

Mỗi lần có dịp chuyện trò, cô lại nhắc em: "Nếu thương má, thương ngoại em ráng học cho thành tài để giúp đỡ gia đình". Em còn nhớ tết năm đó cô đã cho em tiền may áo mới vì nhà em quá nghèo. Cô nói đó là phần thưởng cô dành cho riêng em, một học sinh giúp cô có niềm vui khi về miền núi công tác.

Cũng năm đó trường tổ chức lễ dâng hoa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Cả trường chỉ có 3 học sinh được đại diện dâng hoa, em là một trong số đó. Đó chính là tình thương cô dành cho em, một học trò nghèo, để em hiểu rằng trong cuộc đời này khi mình có nỗ lực chân thành, hết lòng thì sẽ được đáp đền bằng hoa trái.

Cô thương em nhiều đến nỗi ngay cả sau này khi về lại quê nhà Quế Long công tác, cách nhà em một con đèo dài, mỗi lần tết nhứt cô đều dành quà tết gửi cho em.

Quà của cô là bánh trái cô tự làm, từ bánh in tới bánh tổ, bánh nổ tới bánh tét. Những thứ đó đối với em và cả nhà là món quà vô giá vì đâu dễ gì sắm được, nếu có sắm cũng chỉ đủ đặt lên bàn thờ cúng kính, dư ra thì để có khách tới dọn chút đỉnh.

Quà cô cho lúc nào cũng "cứu" được em qua cơn thèm bánh trái mùa tết, nên nói thiệt hồi đó em trông tết còn vì để được nhận quà cô gửi lên cho.

Cô có chồng, bận bịu với gia đình rồi sinh con, cô vẫn không quên đứa học trò nghèo khóa đầu cô dạy nơi miền quê núi non điệp trùng đó. Cô kể cho em nghe chuyện chồng mình - là chú Cường, cũng có hai mẹ con, chú cũng cực trăm điều nhưng ráng học thành tài. 

Thấm thía lời cô, em lấy chú Cường làm động lực để phấn đấu. Nhiều năm sau này, đạt thành tích gì em cũng báo tin về cho cô. 

Đến bây giờ, cô trò kết nối được Facebook với nhau, em được biết các con cô học gần ra trường. Còn em và gia đình cũng không còn khó khổ như ngày xưa, còn giữ lòng yên bình trước cuộc đời giông gió, nhìn mọi thứ nhẹ nhàng là nhờ cô đã dõi theo suốt ngần ấy năm trời.

Mới đây, khi hay tin cuốn sách em viết tái bản, cô nhắn tin nói: Chúc mừng em. Cô vẫn luôn lấy em làm câu chuyện cho học trò mình. Em thì vẫn luôn lấy cô làm câu chuyện để kể cho những người thân thương mỗi khi ai đó hỏi "Long ấn tượng nhứt thầy cô nào trong đời học trò?".

Với em, mầm thiện từ tình thương cô trao là vô giá, em sẽ mang theo suốt hành trình làm người…

'Cô biết em đã có nhiều tiến bộ'

TTO - Đó là lời của cô Khang ngày xưa dành cho tôi. Giờ cô đã đi xa nhưng tôi vẫn nhớ về cô như một đặc ân của cuộc đời mình.

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên