24/03/2020 09:10 GMT+7

Có cần 'tiếp tế' cho người đang cách ly?

LÊ PHAN - THU HIỀN - ĐỨC THIỆN ghi
LÊ PHAN - THU HIỀN - ĐỨC THIỆN ghi

TTO - Có cách nào chấm dứt cảnh hàng trăm người với lỉnh kỉnh nhu yếu phẩm chờ gửi "tiếp tế" ở trước các khu cách ly? Những người thuộc diện tự cách ly vẫn vô tư đi đến chỗ đông người, cách nào kiểm soát việc này?

Có cần tiếp tế cho người đang cách ly? - Ảnh 1.

Hàng trăm phụ huynh chờ gửi hàng hóa cho người đang được cách ly ở ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: FB Ocha Dang

* Tụ tập đông người phía trước các khu cách ly tập trung, không an toàn này đang tiếp diễn. Xin hỏi quy định về việc gửi nhu yếu phẩm vào các khu cách ly?

(Bạn đọc NGỌC ÁI, Q.2, TP.HCM)

* Bà NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI (chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM):

Những người được cách ly tại ký túc xá ĐHQG TP.HCM và tại các khu cách ly tập trung nói chung đều được Nhà nước hỗ trợ ba bữa ăn mỗi ngày đảm bảo đủ dinh dưỡng, chất lượng theo quy chuẩn.

Việc mang thức ăn gửi vào theo nguyên tắc là không được, tuy nhiên nhiều người muốn gửi thêm trái cây, đồ hộp... để tăng dinh dưỡng cũng không thể cấm được.

Việc gửi hàng hóa vào khu cách ly phải rất hạn chế. Thức ăn khi gửi đến khu vực cách ly phải được nhân viên y tế kiểm tra kỹ và đảm bảo an toàn thực phẩm. Từng khu cách ly có giờ giấc và quy định cụ thể đối với việc nhận nhu yếu phẩm gửi vào.

* Bác sĩ NGUYỄN THÀNH DŨNG (giám đốc Bệnh viện dã chiến Củ Chi):

Ngoài các bữa ăn chính, người cách ly còn được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ thêm một số loại thực phẩm khác như bánh, kẹo, sữa, nước ngọt...

Bệnh viện dã chiến Củ Chi cũng thường xuyên tiếp nhận các loại thực phẩm của người thân trong gia đình có người cách ly gửi vào. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thực phẩm nào cũng được nhận vào khu cách ly, người được cách ly không được đặt mua các loại đồ ăn như trà sữa, mắm ruốc, xoài... từ bên ngoài giao tới.

Thực phẩm gửi vào khu cách ly phải là sản phẩm đóng hộp, gói, hợp vệ sinh như bánh, kẹo và tất cả những sản phẩm này phải ghi rõ như tên người dân, địa chỉ, khu cách ly...

Sau khi tiếp nhận, nhân viên khu cách ly sẽ trực tiếp kiểm tra các loại thực phẩm có đảm bảo vệ sinh an toàn hay không, đúng loại thực phẩm đem vào hay không. Chúng tôi mong mọi người nên hạn chế gửi thức ăn đến khu vực cách ly vì chế độ dinh dưỡng trong khu vực cách ly đã được đảm bảo.

Có cần tiếp tế cho người đang cách ly? - Ảnh 2.

Một phụ huynh mang theo tấm nệm chạy vội vàng vì sợ hết gửi đồ cho con - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Một số người trong diện tự cách ly tại nơi cư trú vẫn vô tư đi đến các nơi công cộng, đem theo nguy cơ lây lan bệnh dịch. Có thể áp dụng công nghệ nào để quản lý việc đi lại của những người này?

Một bạn đọc

* TS HUỲNH PHƯỚC THỌ (phó tổng giám đốc Công ty eDoctor - công ty ứng dụng công nghệ cung cấp dịch vụ y tế):

Về mặt công nghệ, việc theo dõi quá trình di chuyển của một người có dùng thiết bị hỗ trợ định vị GPS như điện thoại di động là hoàn toàn khả thi.

Chỉ cần phát triển một ứng dụng được lập trình để ghi nhận và báo cáo quá trình di chuyển của người đang chịu cách ly (đi những đâu, theo tuyến đường nào, dừng lại trong bao lâu...); cảnh báo mỗi khi họ đi quá xa khỏi nơi cách ly; cập nhật lịch sử tương tác và gặp gỡ trong thời gian cách ly (giờ nào, gặp ai, ở đâu...) kể cả cập nhật tình trạng sức khỏe của họ (như thân nhiệt).

Tuy nhiên, hiệu quả của công nghệ vẫn phụ thuộc vào sự tự giác hợp tác của người chịu cách ly. Nếu không sẽ không kiểm soát được thông tin hoặc thông tin không đáng tin cậy.

Trong điều kiện thực tế hiện nay, chúng ta có thể kết hợp nhiều biện pháp cùng lúc. Cần tăng cường liên lạc, tương tác với những người tự cách ly tại nơi lưu trú thông qua điện thoại, email hoặc các công cụ trực tuyến khác.

Cần chuẩn bị và hoàn thiện các ứng dụng công nghệ phục vụ riêng cho công tác kiểm soát dịch bệnh. Xã hội hóa việc phát triển các ứng dụng này cũng là một hướng đi.

Các phụ huynh đừng chỉ nghĩ đến con mình!

Nhìn cảnh hàng trăm phụ huynh chen chúc "tiếp tế" cho con em đang cách ly tại ký túc xá khu A Đại học Quốc gia TP.HCM, tôi cảm thấy họ chỉ nghĩ đến con mình.

Trong lúc bao nhiêu bác sĩ thầm lặng làm việc ngày đêm lo cho bệnh nhân, bao nhiêu người khác đang nỗ lực lo lắng mọi bề để có được chỗ cách ly an toàn và bao nhiêu tình nguyện viên khác vốn là các bạn trẻ sẵn sàng vào dọn dẹp vệ sinh ở các khu cách ly…, thế mà các phụ huynh lo "tiếp tế" đủ thứ.

Nhìn tấm nệm, tủ lạnh, nước uống, thức ăn đủ thứ…, tôi thử hỏi: Chẳng lẽ con em của họ cần được chăm sóc kỹ đến vậy hay sao? Đó là chưa kể khu ký túc xá đó hiện đại, đã được cung cấp đầy đủ 3 bữa ăn trong ngày.

Các phụ huynh hãy thôi xem con em mình như những "cậu ấm cô chiêu", thôi bảo bọc con em mình theo kiểu phải lo từng miếng ăn giấc ngủ như trẻ em. Những người được cách ly đã trưởng thành rồi, cũng từ nước ngoài trở về, sự bảo bọc quá mức của các phụ huynh như vậy, theo tôi, trông thật phản cảm.

Các phụ huynh hãy nghĩ đến cộng đồng đang gian nan chung tay chống dịch nhiều hơn con em mình!

Bạn đọc QUANG PHÚ (TP.HCM)

Thăm dò ý kiến

Với những trường hợp cách ly, nhà nước đã cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho sinh hoạt, vậy gia đình có cần/nên tiếp tế, theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Hàng trăm thân nhân đến tiếp tế người cách ly từ cây lau chùi đến quạt máy Hàng trăm thân nhân đến tiếp tế người cách ly từ cây lau chùi đến quạt máy

TTO - Sau khi Ký túc xá (KTX) khu A Đại học Quốc gia TP.HCM được trưng dụng làm nơi cách ly cho người dân từ nước ngoài về, hằng ngày có hàng trăm người đến đây để tiếp tế nhu yếu phẩm, đồ dùng cho người thân của mình.

LÊ PHAN - THU HIỀN - ĐỨC THIỆN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên